Hải Phòng: Hội thảo "Phật giáo thời nhà Mạc"
Ngày đăng: 11/10/2020


Sáng ngày 7-10, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo TP.Hải Phòng phối hợp cùng Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật TP Hải phòng tổ chức Hội thảo khoa học “Phật giáo thời nhà Mạc”.



 


Hội thảo trong khuôn khổ kỷ niệm 479 năm ngày mất của Thái tổ Mạc Đăng Dung (22-8-1541 – 22-8-2020), diễn ra tại Từ đường họ Mạc Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP.Hải Phòng.

Phát biểu khai mạc, HT.Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng BTS Phật giáo TP.Hải Phòng - Chủ tọa hội thảo, khẳng định Phật giáo dưới thời nhà Mạc đã kế thừa các thời đại trước, tiếp tục phát triển, thấm sâu vào cộng đồng xã hội, có những nét đặc trưng riêng.

Theo Hòa thượng, Hội thảo là dịp để các chức sắc, nhà khoa học, học giả chia sẻ, công bố những nghiên cứu mới về thời nhà Mạc.

"Nội dung Hội thảo và các ý kiến phát biểu tại Hội thảo sẽ được tổng hợp, biên soạn thành tư liệu khoa học, lịch sử, phục vụ cho việc nghiên cứu, tra cứu, giáo dục truyền thống trong và ngoài Giáo hội. Thông qua Hội thảo sẽ đề xuất, khuyến nghị các giải pháp bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hóa lịch sử của Phật giáo dưới thời nhà Mạc", Hòa thượng nói.

TS.Hoàng Văn Kể, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật TP.Hải Phòng báo cáo đề dẫn Hội thảo. Qua đó, cho biết Hội thảo thu hút sự quan tâm đặc biệt của các chức sắc, nhà khoa học, học giả, các nhà nghiên cứu trong Giáo hội ở cả 3 miền đất nước và địa phương.

Ban tổ chức đã nhận được 45 tham luận của các chức sắc, các nhà nghiên cứu.

Trước khi kết thúc Hội thảo, PGS.TS.Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam tổng kết Hội thảo.

Theo ông, các tham luận đã nêu lên đặc trưng của Phật giáo thời nhà Mạc; các ngôi chùa thời Mạc rất khác với các thời khác - tạo nên nét đặc sắc về tôn giáo dưới thời Mạc; trong thời Mạc có chế độ cúng ruộng cho chùa và trở thành tài sản của chùa để phục vụ tín ngưỡng tôn giáo; có rất nhiều nhân vật Phật giáo trong thời nhà Mạc, đáng kể là các vị vua, quan, Thái hoàng Thái hậu, công chúa… đều rất sùng bái đạo Phật, đóng góp rất nhiều cho việc phụng dựng chùa chiền như: Thái Tổ Mạc Đăng Dung, Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, Mạc Cảnh Huống, Mạc Thị Giang…

"Ngoài ra, Hội thảo còn giúp cho các đại biểu biết thêm về chính sách, hoạt động của triều Mạc trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, Phật giáo", PGS.TS.Chu Văn Tuấn nhận định.

Ông Tuấn cho rằng, đây là hội thảo có quy mô lớn nhất về Phật giáo thời Mạc, qua đó có các kiến nghị, đề xuất cho việc nghiên cứu, bảo tồn giá trị của Phật giáo thời kỳ này.

Nhiều đại biểu tham dự đóng góp ý kiến


Trước hội thảo là phần dâng hương và phóng sanh tại Từ đường họ Mạc

 

Theo giacngo.vn