Hải Minh: Điểm sáng về phát triển kinh tế vùng Công giáo
Ngày đăng: 23/11/2020
Xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định có 19.200 người, trong đó gần 60% dân số theo Công giáo. diện tích đất tự nhiên 877 ha (diện tích đất canh tác bình quân 0,62 sào/nhân khẩu).
Xuất phát từ thực tế đất chật, người đông, diện tích đất canh tác ít, thu nhập bình quân đầu người chưa bằng bình quân chung của huyện, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã Hải Minh đã trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân sao cho vừa có sự bứt phá, vừa tạo được chuyển dịch cơ cấu có tính định hướng lâu dài. Từ chủ trương đó, xã Hải Minh đã ban hành Nghị quyết về “Xây dựng xã Hải Minh có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội hiện đại, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, tạo điều kiện cho phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân…”.
Sau khi được phê duyệt của cấp trên, cả hệ thống chính trị của Hải Minh đã vào cuộc tuyên truyền sâu rộng, tạo sự nhất trí, đồng thuận trong nhân dân. Tiếp đó, xã đã xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, quy hoạch các khu đất để phát triển cụm công nghiệp, làng nghề; đồng thời rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi để thu hút các tập thể, cá nhân, các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn xã.
Với chính sách thu hút đầu tư lâu dài, kết hợp phát huy lợi thế về ngành nghề truyền thống và lao động tại địa phương, Hải Minh đã tạo được niềm tin và thuận lợi để người dân và doanh nghiệp yên tâm tập trung vào những nghề truyền thống có thế mạnh của xã như đồ gỗ, khảm trai mỹ nghệ, làm kèn đồng, miến dong. Bên cạnh đó, xã cung tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng sản xuất để mở mang các nghề cơ khí, may công nghiệp, trồng cây cảnh...
Với hướng đi đúng, việc làm trúng, hợp lòng dân, sau 5 năm triển khai chủ trương trên, xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đã đạt được thành công bước đầu đó là: Nghề sản xuất đồ gỗ, khảm trai mỹ nghệ được triển khai ở 18/26 đơn vị xóm, có 3 làng nghề với 1.540 hộ sản xuất thu hút khoảng 5.000 lao động có việc làm thường xuyên, tăng gấp 3 lần năm 2015. Thu nhập bình quân lao động đạt từ 7- 8 triệu đồng/ người/tháng.
Trên địa bàn xã hiện có 5 cơ sở may công nghiệp với số lao động duy trì từ 450-500 lao động; 15 cơ sở cơ khí với số lao động từ 40-50 lao động thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/ người/ tháng; 5 cơ sở làm nghề rèn với 25 lao động thu nhập bình quân 8-9,5 triệu đồng/người/tháng.
Trong số các ngành nghề trên, nghề gỗ Mỹ nghệ có tổng giá trị sản xuất hàng hàng năm đạt 320 tỷ đồng; nghề cơ khí, kèn đồng, dệt may và các ngành nghề khác đạt khoảng 150 tỷ đồng, chiếm khoảng 60% tổng giá trị sản xuất của xã. Các ngành nghề phát triền đã giải quyết được hầu hết công ăn việc làm cho người dân địa phương. Ngoài những người đi làm ăn xa, đến nay Hải Minh cơ bản thu hút hết lao động tại xã có việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định...
Từ một chủ trương đúng, đến nay cơ cấu kinh tế của Hải Minh đã dịch chuyển đúng hướng: Tỷ trọng trong nông nghiệp giảm còn dưới 18% , công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ trên 82%; Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 75 triệu đồng/người/năm (thu nhập bình quân chung của huyện 70 triệu), tỷ lệ hộ khá và giàu trên 85%, hộ nghèo dưới 1%, tỷ lệ nhân dân tham gia Bảo hiểm y tế tự nguyện đạt 92%, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh nông thôn được giữ vững, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày một nâng cao. Bên cạnh đó, đồng bào lương- giáo luôn đoàn kết cùng nhau thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước và kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của xã.
Trong giai đoạn 2020-2025, xã Hải Minh sẽ điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển thêm 1 cụm công nghiệp, làng nghề từ 8-10ha; phát triển đồng bộ hệ thống giao thông, mở thêm 1 tuyến đường mới từ khu công nghiệp nối với quốc lộ 37B (giáp cầu 12 xã Hải Anh). Bên cạnh phát huy những ngành nghề truyền thống, Hải Minh chú trọng tìm thị trường xuất khẩu đồ gỗ, đẩy mạnh thực hiện phát triển sản xuất làng nghề đi đôi với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và tạo cảnh quan môi trường “Sáng- xanh-sạch-đẹp, phát triển bền vững”, phấn đấu sẽ giảm tỷ trọng kinh tế nông nghiệp còn dưới 10%; tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ trên 90%; thu nhập bình quân đạt trên 100 triệu/người/năm; tỷ lệ hộ khá, giàu đạt trên 90%; không còn hộ nghèo.
Theo ubdkcgvn.vn