MENU
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU
Giúp đồng bào Khmer vươn lên thoát nghèo
Ngày đăng: 06/07/2020Những năm gần đây, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer ở Bạc Liêu không ngừng được cải thiện; bộ mặt phum, sóc ngày càng khởi sắc. Kết quả này là nhờ tỉnh Bạc Liêu đã huy động nhiều nguồn lực, thông qua các dự án, chương trình, chính sách dân tộc nhằm thúc đẩy các mô hình giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, hiện nay, toàn tỉnh có gần 16 nghìn hộ dân với hơn 69 nghìn nhân khẩu là người Khmer, chiếm khoảng 7,8% so với tổng số hộ dân trong tỉnh. Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến đồng bào Khmer, nhất là những hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đồng thời, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách đặc thù dành cho đồng bào DTTS như: thực hiện tốt công tác giảm nghèo; tranh thủ các nguồn vốn và vận động doanh nghiệp, các nhà tài trợ đầu tư sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng ở vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, tỉnh còn phát động phong trào thi đua sản xuất trong vùng đồng bào DTTS, tăng tỷ lệ hộ có mức sống khá, giàu, giảm tỷ lệ hộ nghèo... Gần đây, UBND tỉnh đã tổ chức lễ tuyên dương 150 hộ đồng bào Khmer tiêu biểu trong phong trào nỗ lực vượt khó, vươn lên thoát nghèo bền vững. Ngoài ra, 50 hộ đồng bào Khmer có hoàn cảnh khó khăn cũng được các cấp chính quyền, Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh trao tặng nhà tình thương, giúp bà con có chỗ ở ổn định, yên tâm chăm lo sản xuất.
Hồng Dân là một huyện vùng sâu, vùng xa, có đông đồng bào Khmer sinh sống. Bí thư Huyện ủy Hồng Dân, Phan Thanh Duy cho biết: Thời gian qua, huyện được Trung ương và tỉnh đầu tư gần 10 tỷ đồng vào các dự án hạ tầng giao thông, các công trình phúc lợi xã hội, đầu tư hạ tầng phục vụ nông nghiệp, hỗ trợ sản xuất cho đồng bào DTTS. Đến thăm gia đình anh Danh Cạnh, một trong những hộ thoát nghèo nhờ thực hiện mô hình trồng lúa kết hợp trồng màu mang lại hiệu quả kinh tế cao ở ấp Tà Ky, xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân. Vừa thu hoạch mướp trên bờ ruộng, anh Cạnh chia sẻ, ngoài trồng lúa, năm qua, gia đình anh thu được gần 100 triệu đồng từ trồng rau màu các loại.
Theo Chủ tịch UBND xã Ninh Hòa, Nguyễn Ngọc Tửng, từ nguồn vốn hơn 35 tỷ đồng được Trung ương phân bổ trực tiếp cho Chương trình xây dựng nông thôn mới và lồng ghép từ các chương trình dự án khác, mỗi năm xã đã triển khai thực hiện gần 20 công trình thiết yếu như điện, đường, trường, trạm, thủy lợi… phục vụ hiệu quả cho đời sống sinh hoạt và phát triển kinh tế của người dân. Hiện nay, xã Ninh Hòa đã hoàn thành tất cả 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới; thu nhập bình quân 38 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo giảm xuống còn 3,2% số hộ.
Tại huyện Vĩnh Lợi, nơi có khá đông bà con Khmer sinh sống, tập trung ở các xã Hưng Hội, Hưng Thành, Châu Hưng A, Long Thạnh, thời gian qua, Huyện ủy và UBND huyện đã có nhiều mô hình hay giúp đồng bào phát triển kinh tế, xóa nghèo bền vững. Điển hình như mô hình hỗ trợ bò giống giúp người dân phát triển chăn nuôi; mô hình trồng rau màu, nuôi tôm, cá, gà, vịt, lợn…
Cuộc sống ngày càng no ấm, đồng bào Khmer tỉnh Bạc Liêu phấn khởi, tin tưởng vào các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ đó tiếp tục hăng hái lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, xây dựng đời sống văn hóa và góp phần xây dựng nông thôn mới.
Theo nhandan.com.vn