Đưa hoạt động lễ hội vào nền nếp
Ngày đăng: 17/09/2018
Việc lần đầu Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý và tổ chức lễ hội (Nghị định số 110/2018/NĐ-CP, chính thức có hiệu lực từ ngày 15-10-2018) được đánh giá là sẽ tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, trách nhiệm được phân cấp rõ ràng, cùng nhiều biện pháp mạnh để quản lý hiệu quả đối với lĩnh vực nhạy cảm này.

Hiện cả nước có 7.966 lễ hội, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian (chiếm 88,36%), 332 lễ hội lịch sử (chiếm 4,16%), 544 lễ hội tôn giáo (chiếm 6,28%)... Lễ hội dân gian có tỷ lệ lớn nhất và bao trùm hầu hết các làng xã Việt Nam. Song, thời gian qua, một số nơi tổ chức lễ hội một cách phô trương, lãng phí, nặng về hình thức. Tác động của mặt trái kinh tế thị trường đã dẫn đến nhận thức sai lệch về mục đích tổ chức lễ hội, coi di tích và lễ hội là nguồn lợi riêng của địa phương cho nên thương mại hóa các loại hình hoạt động dịch vụ, làm giảm giá trị truyền thống của lễ hội, văn hóa tâm linh có biểu hiện thiếu lành mạnh. Một số lễ hội phản cảm, bạo lực cùng các hiện tượng bói toán, lên đồng, cờ bạc, bán sách ngoài luồng, xem tướng số, tử vi, lôi kéo khách hành hương, đặt tiền công đức tùy tiện, tệ nạn ăn xin... Sự bùng nổ nhu cầu tham gia lễ hội của đông đảo nhân dân ngoài dự kiến đã dẫn đến sự lúng túng trong công tác chỉ đạo, quản lý hướng dẫn của địa phương và xảy ra tình trạng lộn xộn, mất kiểm soát tại một số lễ hội lớn. Đáng nói là, việc phân cấp quản lý lễ hội và di tích chưa thống nhất. Có nơi do chính quyền huyện, thị xã tổ chức và quản lý lễ hội; có nơi giao cho chính quyền xã, phường tổ chức và quản lý; có nơi do ban quản lý chuyên môn, công ty kinh doanh khai thác...

Trở lại nội dung Nghị định số 110. Việc phân cấp trách nhiệm quản lý lễ hội được quy định rất rõ ràng, từ trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của các bộ, ngành liên quan; đến trách nhiệm của chính quyền các cấp. Việc xử lý vi phạm trong hoạt động lễ hội cũng chặt chẽ và nghiêm khắc hơn. Công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Từ nay, cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội bắt buộc phải thực hiện thủ tục đăng ký hoặc thông báo tổ chức lễ hội theo quy định và thực hiện theo nội dung đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận. Ban tổ chức lễ hội có trách nhiệm bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường; yêu cầu người cung ứng dịch vụ, hàng hóa tại khu vực lễ hội phải niêm yết công khai, bán đúng giá niêm yết; không chèo kéo và ép giá; không bày bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; không bán vé, thu tiền tham dự lễ hội... Đáng chú ý, Nghị định có quy định cho phép cơ quan có thẩm quyền ra văn bản tạm ngừng tổ chức lễ hội trong các trường hợp: Tổ chức lễ hội sai lệch nội dung, giá trị; lễ hội gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội; vi phạm các quy định về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường gây hậu quả nghiêm trọng; gây cháy nổ, làm chết người; có hoạt động phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt về giá trị di sản, truyền thống của lễ hội gây hoang mang trong nhân dân...

Nghị định số 110 được kỳ vọng là công cụ thực thi hiệu quả để đưa hoạt động quản lý và tổ chức lễ hội vào nền nếp. Lễ hội phải trở về đúng bản chất của nó - là hình thức sinh hoạt văn hóa tổng hợp mang tính cộng đồng cao, có giá trị hướng về nguồn cội, giá trị cân bằng đời sống tâm linh, giá trị sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, là nhu cầu quan trọng tác động đến đời sống xã hội. Hơn hết, lễ hội phải đúng nghĩa là di sản văn hóa quý của quốc gia, dân tộc.