Đồng bào Chăm đón lễ Ramadan
Ngày đăng: 24/06/2015Hơn 1 tỷ tín đồ Hồi giáo trên khắp thế giới bắt đầu bước vào tháng lễ Ramadan (“tháng chay”), tháng lễ linh thiêng của người Hồi giáo, với những ước nguyện cho cuộc sống yên bình, hạnh phúc.
Ramadan là tháng thứ chín trong lịch Hồi giáo. Điều đó không có nghĩa là tháng 9 của năm. Lịch tiến hành lễ Ramadan phụ thuộc vào ngày xuất hiện đầu tiên của trăng lưỡi liềm - ấn định sự bắt đầu tháng thứ 9 của người Hồi giáo nên mỗi năm mỗi khác, chứ không cố định vào ngày nào.
Khái niệm “chay” trong tháng chay Ramadan được dùng để diễn tả trạng thái tinh thần thanh khiết, không phải khái niệm chay thường dùng: “Ăn chay” – là ăn các món ăn thực vật, không ăn thịt động vật. Tháng chay Ramadan của đạo Hồi đúng ra là nhịn chay – vì không ăn, không uống, không đưa bất kỳ vật gì vào cơ thể (kể cả hút thuốc).
Mọi sinh hoạt bình thường ban ngày được hạn chế, cách ăn mặc cũng chân phương hơn thường ngày, thậm chí họ được khuyến khích không đeo trang sức đối với phụ nữ và dùng nước hoa đối với đàn ông, bởi đó là những phụ trang gây chi phối tư tưởng, không thể tập trung hoàn toàn vào thế giới của Thánh Allah. Đến ban đêm, việc ăn uống trở lại bình thường, ăn mặn chứ không phải ăn chay.
Năm 2015, tháng Ramadan bắt đầu từ ngày 18-6 đến 18-7. Trong tháng Ramadan, người Hồi giáo trên khắp thế giới thực hiện ăn chay và cầu nguyện. Theo nhiều người Hồi giáo, đó là một cách để thực hành kỷ luật tự giác. Trong thời gian một tháng, các tín đồ đạo Hồi phải thực hiện nghiêm những quy định ngặt nghèo, như: Không ăn, không uống, không hút thuốc… từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn. Trong thời gian này, người ta không được sát sinh hại vật, nhất là không gây gổ, cãi vã làm mất đoàn kết với bất kỳ ai.
Luật Hồi giáo cũng quy định rõ: Những người đang bệnh, phụ nữ có thai, trẻ em dưới 5 tuổi và những người đang đi du lịch ở các nước không lấy đạo Hồi làm quốc giáo, sẽ được miễn trừ. Tại một số quốc gia theo đạo Hồi còn có quy định: Đối với học sinh nhỏ tuổi, binh lính và công nhân lao động nặng thì không phải nhịn ăn uống trong tháng này.
Để chuẩn bị, trước ngày vào lễ Ramadan, bà con trong xóm Chăm bàn tính việc cùng nhau mua sắm bánh trái hoặc bò (tuyệt đối không ăn thịt heo và chó) để khi "ra lễ" sẽ cùng nhau liên hoan vui vẻ tại một căn nhà rộng hoặc tại Thánh đường, nhưng không được uống rượu, bia.
An Giang hiện có trên 13.000 người Chăm sinh sống ở các huyện: An Phú, Châu Phú, Châu Thành và TX. Tân Châu. Trong tháng lễ, bà con đi làm ăn nơi đâu, xa xôi cách mấy cũng quay về quê hương thực hiện nghi lễ. Nét đặc trưng ở những xóm Chăm trong thời gian này là mọi hoạt động đều diễn ra vào ban đêm (từ lúc mặt trời lặn cho đến 4 giờ sáng), và ban ngày mọi người đều đóng cửa nhà để ngủ nghỉ.
Tương tự như các tháng khác, người Chăm thực hiện nghi thức cúng 5 lần mỗi ngày; và trong tháng Ramadan, mọi người còn tập trung tại Thánh đường để cúng từ 8 giờ đến 9 giờ mỗi đêm. Đến khoảng 1 giờ sáng, nhà nhà đều nhóm bếp nấu nướng các món ăn, khi có thông báo (trên loa) đến giờ ăn uống thì mọi người đều cùng nhau ăn uống. Đến 4 giờ sáng, tất cả hoạt động ăn uống đều kết thúc để bắt đầu cho một ngày nhịn ăn mới…
Ông Salaymal, Phó Chủ tịch UBMTTQVN xã Nhơn Hội (An Phú), cho biết: “Đối với người Hồi giáo, tháng Ramadan có rất nhiều ý nghĩa, trong đó ý nghĩa quan trọng là giúp con người đừng vì cuộc sống no đủ mà quên cảnh đói nghèo. Đây còn là dịp để đồng bào, cả nam lẫn nữ từ 5 tuổi trở lên tự kiểm điểm lại những hành động đúng- sai của mình, qua đó khắc phục, sửa chữa những hành vi sai trái”.
HỮU HUYNH (Theo Báo An Giang)