Đồng bào Chăm An Giang vui mừng đón Tết Roya Haji
Ngày đăng: 12/08/2019Những ngày này, hơn 17.000 đồng bào Chăm theo đạo Hồi (Islam) ở An Giang lại hân hoan đón mừng ngày Roya Aidil Adha hay Tết Roya Haji - cách mà người Chăm An Giang vẫn gọi. Đây là một trong hai dịp lễ quan trọng nhất của người theo đạo Hồi ở An Giang và có ý nghĩa như ngày Tết cổ truyền.
Ông Haji Jacky, Trưởng ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh An Giang cho biết, lễ Roya Haji của người Chăm Islam ở An Giang diễn ra trong 3 ngày, bắt đầu từ ngày 10 tháng 12 Hồi lịch (năm nay tương ứng từ ngày 9 - 11/8 Dương lịch). Vào dịp này, mọi người tạm gác lại công việc làm ăn, buôn bán, đến thánh đường hành lễ nhiều hơn để có nhiều ân phước; các gia đình sửa soạn lại nhà cửa, trang trí đèn hoa rực rỡ để đón mừng lễ Roya Haji. Đặc biệt, các gia đình, tín đồ Muslim (người theo đạo Hồi Islam) khá giả sẽ thực hiện nghi thức Kurbal Bayram (lễ Hiến sinh), mua gia súc (bò, dê, cừu) mổ thịt để làm lễ, sau đó lấy thịt phân phát cho bà con trong làng để cùng chia sẻ niềm vui trong ngày lễ Roya Haji.
“Người Chăm ở An Giang gọi lễ Roya Haji là “Roya yêu thương”. Vào dịp lễ Roya Haji, người Chăm ở An Giang thường dành thời gian để tụ họp gia đình, đi thăm bạn bè, người thân và tặng họ những món quà ý nghĩa. Trẻ em được bố mẹ mua cho những trang phục mới, còn các bộ đồ cũ được tặng cho người nghèo…” - ông Haji Jacky cho biết thêm.
Theo ông Haji Jacky, trước khi bước vào lễ Roya Haji, năm nay là năm đầu tiên tỉnh An Giang tổ chức buổi họp mặt các vị giáo cả, người có uy tín, nhân sĩ trí thức tiêu biểu trong đồng bào dân tộc Chăm trên địa bàn tỉnh An Giang; đồng thời tổ chức thăm hỏi, tặng quà các hộ nghèo người dân tộc Chăm. Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cấp ủy chính quyền các cấp của tỉnh An Giang đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc Chăm nói riêng. “Chúng tôi tin rằng, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các ngành, các cấp ở địa phương như hiện nay, tương lai không xa, bà con dân tộc Chăm ở An Giang sẽ phát triển vượt bậc về mọi mặt, có thể sánh vai với các dân tộc, các vùng miền trong cả nước” – ông Haji Jacky nói.
Thánh đường Hồi giáo Jamiul Azhar ở ấp Châu Giang, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang. Ảnh: Công Mạo-TTXVN
“Với phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, cộng đồng người Chăm An Giang luôn tuyên truyền vận động bà con phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết gắn bó, đồng hành với dân tộc, thực hiện đúng giáo lý của đạo Hồi, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nêu cao tinh thần trách nhiệm của công dân, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt kế hoạch của địa phương, nhiệt tình tham gia các phong trào thi đua yêu nước”- Trưởng Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh An Giang Haji Jacky khẳng định.
Cộng đồng dân tộc Chăm ở An Giang hiện có hơn 17.000 người, tất cả đều theo đạo Hồi, sinh hoạt ở 12 thánh đường và 16 tiểu thánh đường tại 9 xóm, ấp thuộc thị xã Tân Châu và 4 huyện An Phú, Châu Phú, Châu Thành, Phú Tân. Bà con sinh sống bằng các công việc chủ yếu là mua bán đường dài, chăn nuôi bò, dê; một số ít hộ sản xuất nông nghiệp.
Ông Men Pholly, Trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang cho biết, năm nay, lần đầu tiên Ban Dân tộc đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức buổi gặp mặt các vị giáo cả, người có uy tín, nhân sĩ tri thức tiêu biểu trong đồng bào Chăm trên địa bàn tỉnh để chúc mừng lễ Roya Haji; đồng thời, tôn vinh, biểu dương những đóng góp của các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong đồng bào dân tộc Chăm đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng khối đại đoàn kết, giữ gìn trật tự an ninh, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
“Bắt đầu từ năm 2019, hàng năm tỉnh An Giang sẽ tiếp tục tổ chức họp mặt các vị giáo cả, người có uy tín, nhân sĩ tri thức tiêu biểu trong đồng bào Chăm trên địa bàn tỉnh An Giang nhân lễ Roya Haji để động viên tinh thần đồng bào dân tộc Chăm” - ông Men Pholly khẳng định.
Một góc thánh đường Hồi giáo Mubarak ở xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang. Ảnh: Công Mạo-TTXVN
Ngoài ra, vào các dịp lễ của đồng bào dân tộc Chăm, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang, Ban Dân tộc tỉnh An Giang đều tổ chức các đoàn đi thăm, tặng quà, chúc mừng ngày Tết Roya tại tất cả các thánh đường, các tiểu thánh đường; thăm, tặng quà các hộ đồng bào dân tộc Chăm có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, năm nay với sự tham mưu của Ban Dân tộc, UBND tỉnh An Giang đã trích kinh phí hỗ trợ các hộ nghèo đồng bào Chăm mỗi hộ 300.000 đồng để vui Tết Roya Haji.
Theo ông Men Pholly, thời gian quaa, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách dành cho đồng bào dân tộc ít người, như chương trình 135, chương trình 134, chương trình cho vay vốn, hỗ trợ giáo dục, phát triển điện, đường, trường, trạm… Từ đó, đời sống của bà con dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Chăm nói riêng ngày càng phát triển.
Dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng tình hình kinh tế - xã hội, đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Chăm trên địa bàn tỉnh An Giang hiện vẫn còn nhiều khó khăn, chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe, y tế còn hạn chế. “Thời gian tới, tỉnh An Giang sẽ tiếp tục đầu tư cho công tác dân tộc” – ông Men Pholly nhấn mạnh.
Trong điều kiện của tỉnh còn nhiều khó khăn, nên các nguồn lực đầu tư cho công tác dân tộc vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Do đó, Trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang kêu gọi đồng bào dân tộc Chăm ở An Giang phát huy tính cần cù, chịu thương chịu khó, đoàn kết, tích cực tham gia sản xuất, từng bước vươn lên làm giàu, giảm nghèo nhanh, bền vững; tiếp tục giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc mình, chăm lo đào tạo, giáo dục thế hệ trẻ… góp phần xây dựng quê hương An Giang ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Nguồn: TTXVN