Đình Tân Trào - nơi ghi dấu sự kiện trọng đại của dân tộc
Ngày đăng: 26/02/2019Đình Tân Trào trước đây có tên là Kim Long, được dựng cách làng Kim Long 400m về phía Tây, đình nhìn về hướng Nam, trước mặt là ngọn núi Ao Rừm xanh biếc, dưới chân núi là dòng suối Khuôn Pén. Đình dựng năm 1853 (năm thứ 6 triều Tự Đức). Lần trùng tu lớn là năm Quý Hợi (1923) với lối kiến trúc theo kiểu nhà sàn miền núi, mái lợp lá cọ, xung quanh để trống. Đình được dựng lên để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và là nơi hội họp, sinh hoạt văn hoá của dân làng và thờ 8 vị Sơn thần đại diện cho các vị thần sông, thần núi xung quanh khu Kim Long.
Phần thờ cúng của Đình được đặt áp sát mái, phía trong là vọng cung để đồ tế khí, phía ngoài là thượng cung để đồ thờ cúng của dân làng.
Phần thờ cúng của Đình
Hàng năm, đình Tân Trào có 3 ngày lễ, ngày lễ lớn nhất trong năm là ngày 4 tháng Giêng âm lịch, trong ngày lễ dân làng dùng kiệu rước các vị thần về đình và tổ chức các trò chơi như: tung còn, đẩy gậy, hát then... ngày lễ này gọi là ngày lễ cầu mùa. Ngoài ra còn có hai ngày lễ, ngày 4/5 âm lịch là Hạ điền (xuống đồng); ngày 14/7 âm lịch là có lễ Thượng điền (lên đồng), (trước đây trong năm người dân trong vùng chỉ cấy một vụ lúa mùa cho nên lễ Hạ điền và Thượng điền ứng với thời vụ của vụ mùa).
Cũng như bao ngôi đình ở làng bản miền núi khác, đình Tân Trào là kết quả lao động, là sản phẩm nghệ thuật của nhân dân ở đây, nhưng khác với các ngôi đình khác, đình Tân Trào còn có một giá trị lịch sử lớn: là nơi Bác Hồ và Trung ương Đảng đã quyết định chọn làm nơi họp Quốc dân đại hội ngày 16-17/ 8/1945.
Sáng kiến triệu tập Quốc dân Đại hội của Bác Hồ đã hình thành từ Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII (tháng 5/1941), hội nghị phát động phong trào giải phóng dân tộc, thành lập Mặt trận Việt Minh để đánh đuổi Nhật - Pháp "lập lên một chính phủ cách mạng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa theo tinh thần dân chủ, Chính phủ đó do Quốc dân đại hội cử lên".
Tháng 10/1944, trong thư gửi Quốc dân đồng bào, cùng dự đoán về "cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ trong một năm hoặc một năm rưỡi nữa", Người nhấn mạnh yêu cầu cấp bách phải triệu tập Đại hội Đại biểu Quốc dân để thành lập "Một cơ cấu đại biểu cho sự chân thành đoàn kết và hành động nhất trí của toàn thể Quốc dân ta; cơ cấu tổ chức đó "phải do một cuộc toàn quốc đại biểu đại hội gồm tất cả các Đảng phái cách mệnh và đoàn thể ái quốc bầu cử ra", "một cơ cấu như thế mới đủ lực lượng và oai tín, trong thì lãnh đạo công việc cứu quốc, kiến quốc, ngoài thì giao thiệp với các nước hữu bang".
Đến dự Quốc dân Đại hội tại đình Tân Trào có hơn 60 vị đại biểu ở khắp nơi đại diện cho ba miền Bắc-Trung-Nam, các ngành, các giới, các đảng phái chính trị, một số kiều bào về dự và nhận lệnh tổng khởi nghĩa.
Chiều ngày 16/8/1945, trước khi Quốc dân Đại hội được khai mạc là lễ xuất quân của quân giải phóng Việt Nam, do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy tiến sang giải phóng Thái Nguyên và tiến về Hà Nội. Các vị Đại biểu về dự Quốc dân và nhân dân địa phương đã ra cây đa đầu làng Tân Lập để tiễn đưa đoàn quân. Đồng chí Trần Huy Liệu thay mặt Đại biểu quốc dân nói lời cổ vũ động viên bộ đội quyết chiến, quyết thắng.
Sau lễ xuất quân Nam tiến, Quốc dân Đại hội được khai mạc ở đình Tân Trào. Chủ trì Đại hội là đồng chí Trường Chinh, trong đại hội Bác được bầu vào đoàn chủ tịch với tên kính yêu Hồ Chí Minh, tuy còn yếu mệt nhưng Bác đã đóng góp ý kiến cho Đại hội góp phần đưa Đại hội đến thành công tốt đẹp.
Với không khí sôi nổi khẩn trương, Quốc dân đại hội đã nhất trí tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua mười chính sách lớn, trong đó điểm đầu tiên là phải " Giành chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trên nền tảng hoàn toàn độc lập" và lập ra Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Đại hội cũng quy định Quốc ca, Quốc kỳ, lấy sao vàng năm cánh trên nền cờ đỏ làm lá cờ chung của cả nước.
Sáng ngày 17/8/1945, Uỷ ban dân tộc giải phóng ra mắt Quốc dân đại hội và làm lễ tuyên thệ. Hôm đó đường rất lầy lội, Bác Hồ phải đi chân đất từ lán Nà Lừa đến đình Tân Trào. Gần tới đình, Bác xuống suối rửa chân rồi lên đứng giữa các vị đại biểu trong Uỷ ban dân tộc giải phóng.
Bác đọc lời tuyên thệ: " Chúng tôi là những người được Quốc dân Đại hội bầu vào Uỷ ban dân tộc giải phóng, để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân ta. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo dân nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù giành độc lập cho Tổ quốc. Dù hy sinh đến giọt máu cuối cùng quyết không lùi bước. Xin thề! Xin thề!"
Nơi tế lễ ngoài trời của đình Tân Trào, cũng là nơi Bác Hồ đứng cạnh đọc lời tuyên thệ
Đình Tân Trào chứng kiến lời thề của Bác, chứng kiến khí thế sôi nổi của Quốc dân đại hội trong những ngày hừng hực của khởi nghĩa cách mạng tháng Tám. Đình Tân Trào không những ghi dấu những sự kiện lịch sử trọng đại trong thời kỳ cách mạng mà còn ghi dấu những kỷ niệm trong thời kỳ hoà bình. Ngày 20 tháng 3 năm 1961, Bác Hồ đã trở lại thăm quê hương cách mạng Tân Trào, nhân dân Tân Trào vui mừng đón Bác tại đình Tân Trào. Trong buổi mít tinh, Bác ân cần dặn dò nhân dân các dân tộc Tân Trào tăng cường giúp đỡ nhau trong sản xuất và xây dựng cuộc sống mới ở quê hương mình. Những câu chuyện những lời dặn của Bác đã thấm sâu vào lòng người dân Tân Trào.
Đình Tân Trào đã chứng kiến giờ phút lịch sử trọng đại của dân tộc. Đại hội Quốc dân Tân Trào được ví như Hội nghị Diên Hồng thứ hai trong lịch sử nước ta, thể hiện lòng tin sâu sắc của đồng bào với Đảng, Mặt trận và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự đoàn kết nhất trí của toàn dân trong giờ phút quyết định vận mệnh đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn 20 triệu đồng bào trong cả nước nhiệt liệt hưởng ứng lời kêu gọi cứu nước phát ra từ Tân Trào, đã nhất tề đứng lên tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi vang dội, lập chính quyền nhân dân, mở ra một kỷ nguyên mới của đất nước: Kỷ nguyên độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội./.
Phương Thủy