Đạo Tin Lành chung tay phòng, chống dịch Covid-19
Ngày đăng: 06/04/2020Thực hiện lời kêu gọi toàn dân phòng, chống dịch Covid-19 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh, với tinh thần "yêu người lân cận như bản thân mình","vâng phục nhà cầm quyền", các tổ chức, điểm nhóm Tin Lành đã chung tay phòng, chống dịch Covid-19 bằng nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực.
Việt Nam hiện có hơn một triệu người theo Tin Lành, trên dưới 100 tổ chức khác nhau, chủ yếu là các Hội thánh nhỏ, người dân tộc thiểu số. Ngoài ra, khoảng 8.500 người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam theo đạo Tin Lành. Vì vậy, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới, sinh hoạt đạo Tin Lành là một trong những địa chỉ được ngầm hiểu có nguy cơ lây lân dịch bệnh hàng đầu trong số các tôn giáo do có quan hệ rộng khắp với Tin Lành các nước, nhất là với Tin Lành ở Hàn Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu,..
Ngày đầu thực hiện các khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh của Bộ Y tế, tất cả các Hội thánh, điểm nhóm Tin Lành hưởng ứng tích cực nhưng khi cấp độ phòng, chống dịch bệnh tăng dần, từ chỗ tạm dừng các hoạt động tôn giáo tập trung đông người đến thực hiện "cách ly xã hội", các diễn đàn trên mạng xã hội của người theo đạo Tin Lành bắt đầu xuất hiện những trạng thái quan ngại, lo lắng, thậm chí bày tỏ sự nghi ngờ biện pháp phòng chống, dịch bệnh của Nhà nước là thái quá, "mượn gió bẻ măng", lấy cớ dịch bệnh để làm khó hoạt động đạo Tin Lành,.. Sự hưởng ứng tích cực của ngày đầu phòng, chống dịch trùng xuống, thay vào đó là thái độ thăm dò, quan sát, đã có Hội thánh, điểm nhóm do dự, chần chừ,.. Trong khi đó, lợi dụng dịch bệnh, "Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ" đã triệt để tận dụng mạng xã hội tuyên truyền dịch bệnh là dấu chỉ của ngày tận thế đang đến gần khiến người tin theo thêm tin tưởng, đóng góp kinh phí cho Hội thánh để được "Đức Chúa Trời Mẹ" che chở, bảo vệ.
Tuy nhiên, thật nhanh chóng, các Hội thánh, điểm nhóm Tin Lành đã vượt qua tâm lý lo lắng ban đầu, bắt nhịp trở lại với các cấp độ phòng, chống dịch bệnh của xã hội. Nhiều nhóm được lập ra để cập nhật tình hình dịch bệnh và thái độ, hành động của các nước đối với dịch bệnh, cách duy trì sự nhóm và đối diện với thử thách; nhiều kinh nghiệm ứng dụng công nghệ được chia sẻ; nhiều câu nói khích lệ được truyền đi như "Chúa không muốn bạn lang thang trong tâm hồn, Chính phủ không muốn bạn lang thang trên đường phố", "Hãy biến việc giữ khoảng cách xã hội thành sự gần gũi tâm linh với Đấng sáng tạo"; nhiều việc thiện, vì cộng đồng được lan tỏa,..
Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản hướng dẫn của Ban Tôn giáo Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố được lãnh đạo các tổ chức Tin Lành quan tâm cập nhật, chia sẻ trực tiếp hoặc ban hành chỉ dẫn trong nội bộ để thực hiện phù hợp điều kiện dịch bệnh của từng vùng, miền theo sự hướng dẫn của chính quyền địa phương.
Đến nay, nhìn chung các hoạt động tôn giáo tập trung đông người đã được dừng lại, bao gồm lễ Thương khó và Phục sinh, là các lễ trọng trong năm của người Cơ đốc nói chung. Lời hiệu triệu về "giãn cách xã hội", tạm dừng mời người nước ngoài và ra nước ngoài, thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng dịch cá nhân và nơi nhóm lại,... được các Hội thánh, điểm nhóm Tin Lành tuân thủ. Thông tin được các Hội thánh, điểm nhóm Tin Lành chia sẻ nhiều nhất lúc này là hoạt động trực tuyến, về kiêng ăn cầu nguyện cho đất nước, kêu gọi ủng hộ kinh phí, vật chất cho công tác phòng, chống dịch bệnh thông qua hệ thống Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp.
Theo thống kê ban đầu chưa đầy đủ của Ban Tôn giáo Chính phủ, tính đến ngày 03/4/2020, chỉ tính riêng các tổ chức, gồm: Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam), Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc), Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam, Giáo hội Phúc âm Ngũ tuần Việt Nam, Hội thánh Tin Lành Liên hiệp Truyền giáo Việt Nam, Hội thánh Mennonite Việt Nam, Hội thánh Phúc âm Toàn Vẹn Việt Nam, cộng đồng Tin Lành Hà Nội (Hội thánh Lời Sự sống Việt Nam và một số điểm nhóm Tin Lành người nước ngoài), điểm nhóm Tin Lành Âu - Mỹ, điểm nhóm Tin Lành Bê-tên Thành phố Hồ Chí Minh,... đã thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp ủng hộ 1,5 tỷ đồng tiền mặt, 90.820 chiếc khẩu trang, 1.180 bộ đồ bảo hộ y tế, 1.500 chai dung dịch sát khuẩn, 12,5 tấn lúa cùng nhiều ngày công lao động,...
Trong sự chung tay phòng chống dịch bệnh của cộng đồng Tin Lành có nhiều câu chuyện xúc động. Đó là sự chuẩn bị cẩn thận 1.000 phần quà dành riêng cho lực lượng y bác sĩ, quân đội, công an tuyến đầu phòng chống dịch của Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam); là sự chắt chiu dành dụm quyên góp từng đồng tiền lẻ của tín hữu người Dao, người Mông huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn (17.880.000 đồng), các tín hữu người dân tộc thiểu số thuộc Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) tỉnh Cao Bằng với số tiền 82.620.000 đồng chuyển khoản về Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; là sáng kiến kêu gọi tín đồ đổi ngày công lao động để giúp nhau thu hoạch mùa màng, duy trì sản xuất để cung lương tại chỗ, quyên góp ngày công lao động để dọn vệ sinh thôn, xóm theo lời kêu gọi của chính quyền địa phương của Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam,..
Các Hội thánh cũng tích cực chia sẻ thông tin, hướng dẫn tín đồ cảnh giác với sự thâm nhập lôi kéo của các giáo phái cực đoan như "Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ", "Tân thiên địa", "Ân điển cứu rỗi", "Con đường ân huệ",..; chia sẻ các bài viết, lập luận để phản bách các luận điệu tuyên truyền về ngày tận thế đang đến gần, về sự cứu chuộc của Thiên Chúa không cần đến phòng dịch, hướng tín đồ đến sự khôn ngoan, thông thái, là "công dân tốt, tín đồ tốt",..
Dù không tránh khỏi vẫn còn đâu đó sự quan ngại và số tiền, hiện vật các Hội thánh, điểm nhóm, chức sắc, chức việc, tín đồ, người theo đạo Tin Lành quyên góp, ủng hộ có thể không lớn nếu so sánh với một số tôn giáo khác nhưng với một tôn giáo chỉ hơn 1 triệu tín đồ, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số thì sự đóng góp ấy, chung tay ấy rất đáng trân quý và hơn cả trị giá bằng tiền là tấm lòng, niềm tin tưởng, sự đồng thuận của đông đảo chức sắc, chức việc, tín đồ, người theo đạo Tin Lành dành cho Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công cuộc phòng, chống dịch bệnh lần này.
Tin tưởng qua dịch bệnh, yêu thương và thấu hiểu sẽ lan tỏa trong xã hội bởi những việc làm ý nghĩa của mọi thành phần xã hội mà trước hết là sự dẫn dắt của Chính phủ trong mọi hành động vì nhân dân của mình.
Hình ảnh một số hoạt động ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 của đạo Tin Lành tại Việt Nam:
Hoạt động ủng hộ của Giáo hội Phúc âm Ngũ tuần Việt Nam
Hoạt động ủng hộ của Hội thánh Tin Lành Liên hiệp Truyền giáo Việt Nam
Hoạt động ủng hộ của Điểm nhóm Âu – Phi, sinh hoạt đạo Tin Lành tại Chi hội Thủ Thiêm thuộc Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam)
Trọng Tú