Công tác tôn giáo góp phần vào sự phát triển
Ngày đăng: 15/10/2020Đồng Nai là tỉnh đặc thù, với 70% dân số là đồng bào các tôn giáo. Những năm qua, nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh, hoạt động tôn giáo chính đáng của người dân luôn được tỉnh Đồng Nai tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động đúng quy định của pháp luật và đường hướng hành đạo theo phương châm sống tốt đời, đẹp đạo.
Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Nguyễn Quốc Vũ cho biết, hoạt động tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo của các tổ chức, chức sắc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động, đa dạng và ổn định. Trong đó, các hoạt động tôn giáo không chỉ dừng lại ở phạm vi các cơ sở thờ tự mà đã vươn ra tầm quốc tế. Bằng chứng là các tổ chức tôn giáo ở Đồng Nai, điển hình là Phật giáo và Công giáo, đã đăng cai tổ chức nhiều hội nghị cấp quốc gia, quốc tế, được các chức sắc, nhà tu hành trong và ngoài nước đánh giá cao.
* Tạo điều kiện hoạt động thuận lợi
Cũng theo Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Nguyễn Quốc Vũ, để có được kết quả đó, những năm qua, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo theo tinh thần của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo được đảm bảo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, linh hoạt phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Công tác tuyên truyền, quán triệt, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và chức sắc, nhà tu hành, chức việc, tín đồ các tôn giáo được tổ chức thường xuyên, liên tục, sâu rộng. Công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho chức sắc, nhà tu hành, chức việc các tôn giáo được quan tâm, đẩy mạnh. Từ đó, đã góp phần làm cho đồng bào các tôn giáo nhận thức rõ hơn về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, ý thức hơn trách nhiệm công dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, MTTQ, các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm và thường xuyên tổ chức những đợt viếng thăm, chúc mừng nhân dịp lễ, Tết, sự kiện trọng đại của tổ chức, cá nhân tôn giáo. Công tác tiếp xúc, gặp gỡ, đối thoại lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các tôn giáo tổ chức định kỳ… Từ đó, nhu cầu chính đáng trong hoạt động tôn giáo, các khó khăn, vướng mắc trong sinh hoạt tôn giáo được tháo gỡ. Mối quan hệ giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ với các tôn giáo được củng cố tốt đẹp, không để phát sinh những vấn đề phức tạp liên quan đến an ninh tôn giáo, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Cũng chính từ đó, đồng bào các tôn giáo yên tâm, tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, công tác điều hành, quản lý của Nhà nước.
Hòa thượng Thích Giác Quang, Phó Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, trụ trì Quan âm tu viện chia sẻ: “Thời gian qua, các hoạt động tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng luôn được tạo điều kiện hoạt động. Từ đó, đồng bào Phật giáo luôn tin tưởng, ủng hộ các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh”.
* Góp sức xây dựng nông thôn, đô thị
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Vũ Đình Trung nhận định, những năm qua, dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, đồng bào tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, nổi bật nhất là tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Qua đó, góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, với nhiều kết quả nổi bật trên các lĩnh vực.
Phong trào đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế của đồng bào tôn giáo ngày càng lan tỏa sâu rộng. Qua đó, góp phần vào thành quả giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân và thúc đẩy hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh hằng năm của tỉnh.
Linh mục Trần Xuân Thảo, Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Công giáo tỉnh cho hay, trên lĩnh vực kinh tế, nhằm góp sức vào sự phát triển chung của tỉnh, đồng bào Công giáo luôn tích cực cùng với các tôn giáo khác năng động, sáng tạo, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; tích cực xây dựng các mô hình kinh tế vừa và nhỏ, đầu tư xây dựng các trang trại phù hợp quy hoạch phát triển vùng… nhằm đem lại giá trị kinh tế cao, góp phần phát triển kinh tế của địa phương.
Cũng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng diện mạo mới cho quê hương, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, đồng bào tín đồ các tôn giáo tích cực tham gia phong trào xã hội hóa giao thông nông thôn với nhiều; đặt cống thoát nước; lắp camera giám sát an ninh… với số tiền đóng góp trong giai đoạn 2016-2020 lên tới hơn 134 tỷ đồng.
Không dừng ở đó, các tôn giáo còn tham gia vào phong trào bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đến nay, toàn tỉnh có 144 khu dân cư vùng đồng bào tôn giáo thành lập khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu và nhiều mô hình đã và đang hoạt động thiết thực, hiệu quả khác. Qua đó, góp phần quan trọng làm cho diện mạo nông thôn, đô thị, các khu dân cư ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn.
Trong xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa, đồng bào tôn giáo luôn đoàn kết giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Điều việc làm thiết thực. Điều đó được thể hiện bằng việc tự nguyện hiến đất, bàn giao mặt bằng làm đường giao thông nông thôn; ủng hộ kinh phí xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới, xây dựng các công trình phúc lợi; lắp đèn thắp sáng đường làng, ngõ hẻmnày được thể rõ qua việc xây dựng nhiều mô hình ý nghĩa như: cơ sở thờ tự tiên tiến; cơ sở tự viện văn minh; cơ sở thờ tự sáng - xanh - sạch - đẹp...
* Chung tay chăm lo sức khỏe, trí tuệ con người
Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Nguyễn Quốc Vũ cho rằng, một trong những đóp góp nổi bật khác của đồng bào các tôn giáo chính là việc tích cực đóng góp cho công tác giáo dục, phát triển nguồn nhân lực. Các vị chức sắc, chức việc, tu sĩ, tín đồ các tôn giáo tích cực tham gia phát triển trường mầm non; trường dạy nghề; mở lớp học tình thương…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo tỉnh giai đoạn 2015-2020
Hiện nay, tín đồ các tôn giáo đã thành lập được 142 cơ sở giáo dục (1 trường cao đẳng nghề; 1 trường tiểu học; 25 trường mầm non và 115 nhóm, lớp mầm non tư thục, tham gia nuôi dưỡng, giáo dục hơn 70 ngàn trẻ) góp phần thực hiện mục tiêu phổ cập mầm non và chủ trương xã hội hóa giáo dục của Nhà nước. Bên cạnh đó, ủng hộ kinh phí xây dựng và sửa chữa trường, lớp, trang thiết bị học tập; tham gia hỗ trợ chi phí học tập, tặng học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, thành lập các mô hình khuyến học, khuyến tài…
Là ngôi trường cao đẳng Công giáo duy nhất của Việt Nam, nhiều năm qua, Trường cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc (xã Hố Nai 3, H.Trảng Bom) là một trong những minh chứng cụ thể nhất cho đóng góp to lớn của đồng bào Công giáo trong lĩnh vực này.
Linh mục Nguyễn Văn Uy, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, Trường cao đẳng Hòa Bình - Xuân Lộc có phương châm hoạt động là thăng tiến con người toàn diện, hướng đến 3 giá trị cốt lõi: đạo đức - kiến thức - công nghệ. Hiện trường đang đào tạo 9 khoa với 20 ngành nghề phù hợp với nhu cầu thực tế. Đáng mừng là mỗi năm, trường đều tuyển sinh được hơn 1 ngàn học sinh; tỷ lệ tốt nghiệp hằng năm đạt trên 97% và giải quyết việc làm cho 100% học viên sau khi ra trường.
Em Vũ Văn Thiện, học viên năm thứ nhất của trường chia sẻ: “Dù mới vào học ở đây hơn 1 tháng nhưng em cảm nhận được môi trường sống và học tập thật sự rất tốt, gần gũi, thân thiện và luôn đầy tình yêu thương. Ngoài được học kiến thức, em còn được rèn dạy về tâm tính, lối sống, lối suy nghĩ tích cực để sống tốt hơn mỗi ngày”.
Với 41 cơ sở y tế thuộc quản lý của các tôn giáo, giai đoạn 2016-2020, đồng bào tôn giáo đã tham gia đóng góp cho công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân tới 77,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hoạt động bảo trợ xã hội được đồng bào các tôn giáo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tích cực thực hiện bằng nhiều việc làm ý nghĩa như: chăm sóc, nuôi dưỡng các cụ già neo đơn, trẻ em mồ côi, người tàn tật…
Theo Báo Đồng Nai