Chùa Tam Hiệp, tỉnh Cà Mau đón nhận bằng Di tích Lịch sử
Ngày đăng: 17/10/2019
Ngày 15/10, tại ấp Bình Minh 1, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, UBND huyện Trần Văn Thời tổ chức Lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích Lịch sử cấp tỉnh đối với chùa Tam Hiệp (chùa Sêrêy Vongsa Bôpharam).

Tham dự buổi lễ có đại diện các sở, ngành cấp tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện Trần Văn Thời và xã Trần Hợi, cùng đông đảo tăng, Phật tử Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn xã đến tham dự.

Chùa Tam Hiệp được xây dựng năm 1926. Trong suốt thời gian tồn tại và phát triển, đã có 17 vị trù trì chùa, gồm: Hòa thượng Thạch Ngét, Thạch Réch, Thạch Kên; Đại đức Trần Sĩ Quang, Lâm Nuôl, Lý Hoàng Chia, Danh Sươl, Trương Phi Rul, Diệp Sa Rây, Danh Si Tha, Huỳnh Văn Hiền, Lâm Sô Ni, Quách Lai, Danh Tài, Thạch Sà Lượng, Trần Sương và hiện nay là Đại đức Phạm Minh Thắng. Số lượng tín đồ hiện sinh hoạt ở chùa theo sổ bộ, sổ đạo là 300 người; có 5 vị sư đang tu học tại chùa.

Chùa Tam Hiệp được ông Ung Văn Khiêm[1] vận động bà con 3 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer ủng hộ để sửa chữa lại. Đây là một trong những ngôi chùa Khmer ở Cà Mau có nhiều đóng góp cho cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước. Trong kháng chiến, mặc dù nhiều lần bị địch đánh phá, trải qua rất nhiều hy sinh, gian khó nhưng chùa Tam Hiệp không những đảm nhận được công việc Phật sự mà còn đóng góp nhân lực, vật lực cho cách mạng. Chùa cũng là nơi khởi xướng, xuất phát nhiều phong trào đấu tranh chính trị và làm tốt trong công tác binh vận. Nhiều cán bộ được nhà chùa che chở, nuôi giấu đã trở thành lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, như: Cố Hòa thượng Hữu Nhem, Đại đức Lâm Nuôl, cố Hòa thượng Sơn Vọng, cố Hòa thượng Thạch Som…

Hiện nay, Chùa Tam Hiệp không chỉ là địa điểm sinh hoạt tôn giáo của cộng đồng dân tộc Khmer, mà còn là trung tâm giáo dục dạy chữ Khmer cho con em đồng bào dân tộc trong các dịp hè. Ngoài ra, chùa là nơi lưu giữ đặc trưng kiến trúc nghệ thuật độc đáo, thể hiện bản sắc văn hóa riêng biệt của đồng bào Khmer; là điểm tựa tinh thần trong đời sống tâm linh của cộng đồng dân tộc Khmer.

Từ những thành tích và đặc trưng tiêu biểu nêu trên, ngày 12/9/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ký Quyết định số 1539/QĐ-UBND về việc xếp hạng Di tích Lịch sử cấp tỉnh đối với Chùa Tam Hiệp. Đây là chùa thứ hai thuộc Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn tỉnh được công nhận di tích.

 Một số hình ảnh tại buổi lễ:

Đại đức Phạm Minh Thắng, Trụ trì chùa Tam Hiệp phát biểu

 

Biểu diễn văn nghệ chúc mừng buổi lễ

 

 

Toàn cảnh buổi lễ

Trần Lưu



[1] Ung Văn Khiêm (Uông Văn Khiêm) (1910-1991), từng là Bí thư xứ ủy Nam kỳ; Bí thư, kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Bạc Liêu – Cà Mau; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng lao động Việt Nam; đại biểu Quốc hội các khóa I, II, III