Bình Định: Kiệt tác nghệ thuật nhà thờ Lòng Sông
Ngày đăng: 17/08/2020Với không gian xanh mát của cây cỏ hòa cùng nét cổ kính của một kiến trúc xưa cũ khu nhà thờ Lòng Sông (Bình Định) là một điểm đến lý tưởng cho du khách thích chiêm ngưỡng những kiệt tác nghệ thuật hiếm có và sự gần gũi với thiên nhiên.
Nét kiết trúc văn hóa cổ xưa
Tiểu chủng viện Lòng Sông tọa lạc ở thôn Quảng Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Đây là tu viện được xây dựng theo kiến trúc Gothic, trầm mặc, cổ kính nằm êm đềm dưới hàng cây sao xanh gần cửa Phú Hoà đổ ra đầm Thị Nại. Tiểu chủng viện Làng Sông hay còn được người dân địa phương gọi là “Nhà thờ Lòng Sông”. Theo những người già kể lại, trước kia nhà thờ Lòng Sông có tên gọi là nhà thờ Làng Sông, vì bao quanh là vùng ruộng đồng, sông nước, nhưng rồi tấm biển đề ở cổng nhà thờ qua thời gian, bị phai mờ nên khi sửa lại theo phát âm của người địa phương, chữ “làng” được chuyển thành “lòng” và tên gọi đó được giữ lại cho đến bây giờ.
Theo con đường giao thương đường thủy của các nhà buôn bắt đầu từ đầm Thị Nại, rồi ngược dòng sông Côn lên thượng nguồn, các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha đã đặt chân tới Quy Nhơn và xây dựng nên nhà thờ Lòng Sông. Đây cũng là một di tích còn sót lại của các giáo sĩ truyền giáo thuở xưa. Tuy nhiên, cho đến nay, người ta vẫn chưa biết được chính xác năm nhà thờ Lòng Sông được xây dựng. Theo một số thông tin thì vào năm 1964, tiểu chủng viện Lòng Sông đã tổ chức lễ kỷ niệm (bách chu niên) 100 năm thành lập. Nhưng có lẽ nhà thờ Lòng Sông đã được xây dựng trước đó khá lâu. Từ năm 1983 nhà thờ Lòng Sông đã ngừng hoạt động, chỉ còn lại người trông coi, chăm sóc vườn tược do đó, dù đã nhiều năm không hoạt động nhưng nơi đây vẫn không bị rơi vào quên lãng. Các công trình kiến trúc không lộ vẻ hoang phế mà trái lại vẫn lộng lẫy, tinh tươm như chỉ vừa mới xây dựng.
Thánh đường Tiểu chủng viện
Nhìn từ xa, nhà thờ Lòng Sông nằm nổi bật trên màu xanh biếc của mặt nước và những hàng cây. Nơi đây, được xây dựng theo lối kiến trúc Gothic, một lối kiến trúc đặc trưng của người châu Âu trong xây dựng nhà thờ và cung điện, nhà thờ hiện lên uy nghiêm pha chút gì đó cổ kính, lãng mạn. Có thể nhận rõ điều này bởi phần chính diện của nhà thờ được trang trí bằng những khung ô đối xứng, các bông gió trang trí, và những hoa văn hoạ tiết, cổng vòm nhọn quen thuộc trong lối xây dựng kiến trúc thánh đường. Đã qua nhiều thế kỷ, trải qua sự tàn phá của thời gian và khí hậu nhưng nhà thờ Lòng Sông vẫn giữ được gần như nguyên vẹn những nét kiến trúc cổ xưa với từng bậc cầu thang gỗ, từng khung cửa chạm khắc tỉ mỉ ở mặt tiền và thánh đường tạo ấn tượng mạnh với du khách ngay khi bước vào nhà thờ. Phần thánh đường nhà thờ Lòng Sông là kiến trúc xây dựng xưa nhất so với các kiến trúc còn lại trong khu vực nhà thờ, sau đó nhà thờ Lòng Sông được chuyển thành Chủng viện Lòng Sông và xây dựng thêm các kiến trúc kế cận để phục vụ cho việc giảng dạy tu sĩ. Cho đến nay, thánh đường này cũng đã tồn tại hơn 168 năm.
Sự hài hòa với thiên nhiên
Nằm đối xứng với thánh đường, là hai toà nhà xưa kia dành cho các tu sinh, được xây dựng mang đặc trưng kiến trúc kiểu Pháp, tường vôi vàng, trường lang với những hàng cột và cửa vòm ở ban công. Màu xám của tổng thể và màu trắng của một số nét chi tiết ở mặt chính diện thánh đường Lòng Sông kết hợp cùng dãy nhà màu vàng hai tầng đối xứng nhau tạo nên sự hoà hợp trong một không gian rợp bóng cổ thụ và xanh tươi của hoa cỏ.
Nơi ở của các tu sinh
Tiểu chủng viện Lòng Sông là một công trình kiến trúc theo phong cách Gothic đẹp với đặc trưng tháp “bút chì” cao vút, hành lang với cổng vòm cuốn thanh thoát, nhiều cột vuông.
Những dãy hành lang dài hun hút
Mặc dù là một công trình kiến trúc tôn giáo nhưng tại Tiểu chủng viện Lòng Sông sự hài hòa giữa thiên nhiên - con người - công trình đạt đến mức độ cao, tạo được ấn tượng mạnh mẽ nhất. Những khối nhà ở đây được bố trí nép dưới, khuất sau những hàng cây, rặng chuối và những lối đi xanh bóng cỏ hoa.
Nếu một lần đến với Bình Định bạn hãy đến với nơi đây để được chiêm ngưỡng những kiệt tác nghệ thuật hiếm có và sự gần gũi chan hòa với thiên nhiên. Cảm giác ấy thật bình yên thư thái!
Nguồn: langvietonline.vn