Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể tại Huế
Ngày đăng: 19/04/2019
Các di sản văn hóa phi vật thể của Cố đô Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) rất phong phú và đa dạng. Thời gian qua, việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trên chủ yếu được xác định trong phạm vi văn hóa cung đình thời Nguyễn, gồm: Thơ văn trên kiến trúc cung đình, các hoa văn họa tiết trang trí mỹ thuật gắn liền với di tích kiến trúc, múa hát cung đình, lễ hội cung đình, tuồng Ngự, ca Huế...

Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Thừa Thiên - Huế cho biết: Nhã nhạc cung đình Huế (Âm nhạc cung đình Việt Nam) được UNESCO công nhận là Kiệt tác Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại và cũng là di sản văn hóa thế giới phi vật thể đầu tiên tại Việt Nam (tháng 11/2003), sau này gọi là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Từ đó đến nay, các đơn vị chức năng đã tổ chức sưu tầm, nghiên cứu ứng dụng và bảo tồn nhiều tác phẩm âm nhạc cung đình quan trọng.

Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế vừa sưu tầm nghiên cứu vừa tổ chức dàn dựng thành công 15 điệu múa Cung đình tiêu biểu; nghiên cứu dàn dựng 2 vở tuồng cung đình cổ và 25 trích đoạn tuồng phục vụ lễ hội, giao lưu văn hóa nghệ thuật…

Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế nghiên cứu phục hồi thành công một số lễ hội cung đình quan trọng nhất của triều Nguyễn như: Lễ Tế Giao, lễ Tế Xã Tắc, lễ Truyền lô - Vinh quy bái tổ (lễ vinh danh Tiến sĩ dưới thời Nguyễn), lễ hội thi Tiến sĩ Võ; những lễ hội mang màu sắc văn hóa cung đình như: Huyền thoại sông Hương, Đêm Hoàng cung, Hành trình mở cõi, Thiên hạ thái bình, Văn hiến Kinh kỳ...

Đặc biệt dịp lễ hội, Festival Huế, các loại hình nghệ thuật cung đình, bao gồm cả lễ hội, âm nhạc, nghệ thuật thư pháp, nghệ thuật ẩm thực, trò chơi…đóng vai trò trung tâm trong các hoạt động của Thừa Thiên - Huế, trở thành đại diện tiêu biểu của văn hóa Huế trong sự đối thoại, giao lưu với bạn bè quốc tế. Tour du lịch "Huế - 1 điểm đến 5 di sản" cũng bắt đầu từ đó, trở thành điểm đến thu hút khách du lịch tới tham quan, chiêm ngưỡng.

Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cũng tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị quốc gia, quốc tế về chủ đề nghiên cứu, bảo tồn các tài sản văn hóa phi vật thể; tổ chức nghiên cứu, biên soạn, dịch thuật và xuất bản nhiều công trình về Di sản văn hóa Huế và công cuộc bảo tồn, trong đó có những công trình đoạt giải thưởng cao của Trung ương, địa phương...

Những năm qua, thông qua bảo tồn di sản, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã hợp tác với gần 30 tổ chức quốc tế, các viện, trường đại học, các ban, ngành trong nước tiến hành hoạt động nghiên cứu, bảo tồn di sản cả trên lĩnh vực văn hóa vật thể, phi vật thể và cảnh quan môi trường. Đáng chú ý, Thừa Thiên - Huế đã hợp tác với UNESCO, Nhật Bản (Quỹ Toyota, Quỹ Japan Foundation, Trường Đại học Nữ Sowa, Đại học Nihon, Đại học Waseda ...), Ba Lan, Canada, Pháp, Anh, Hoa Kỳ, Cộng hòa liên bang Đức, Thái Lan, Bỉ, Hàn Quốc, Hà Lan… thực hiện nhiều dự án trùng tu, nghiên cứu, bảo tồn và đào tạo nguồn nhân lực.

Nổi bật trong số đó là dự án hợp tác nghiên cứu kiến trúc truyền thống Huế và phục hồi điện Cần Chánh (phối hợp với Đại học Waseda); dự án hợp tác với nhóm chuyên gia Cộng hòa Liên bang Đức để phục hồi tranh tường cung An Định, khu vực lăng mộ vua Tự Đức, cùng với công trình Tả Vu điện Cần Chánh, cổng và bình phong điện Phụng Tiên…

Với lợi thế là cố đô lịch sử, nơi đang gìn giữ các di sản thế giới của Việt Nam, Thừa Thiên - Huế đã đón tiếp nhiều nguyên thủ quốc gia đến thăm và làm việc, điển hình như: Tổng thống Ba Lan, Thái tử Na Uy, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Trung Hoa Giang Trạch Dân, Thái tử Nhật Bản Naruhito, Quốc vương Campuchia…gần đây nhất là Nhật hoàng và hoàng hậu. Qua đó góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Theo dantocmiennui.vn