Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc
Ngày đăng: 03/07/2018Là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ, Bình Thuận có trên 30 thành phần dân tộc, định cư sinh sống ở 15 xã thuần và 32 thôn xen ghép thuộc 8/10 huyện, thị xã, thành phố. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, lễ hội riêng, tạo nên tính thống nhất trong nền văn hóa tại địa phương.
Thời gian qua, thực hiện chương trình hành động của Tỉnh ủy về việc tiếp tục “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận xác định công tác bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa các dân tộc là một trong những nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết của vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ nguồn ngân sách của Nhà nước và kinh phí xã hội hóa, Sở đã đã triển khai tu bổ, tôn tạo di tích: nhóm đền tháp Po Đam, đền thờ Hùng Vương (Tuy Phong), nhóm đền tháp Pô Sah Inư, đình làng Đức Thắng... Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa như tổ chức hội thảo đánh giá chất lượng 5 lễ hội tiêu biểu phát triển du lịch của tỉnh gồm: Katê tại di tích tháp Pô Sah Inư; Trung thu; lễ Tảo mộ Ramưwan của người Chăm Bàni và Dinh Thầy Thím tại La Gi. Qua đó, tỉnh đã phê duyệt đề án “Nâng tầm lễ hội giỗ Tổ tại Đền thờ Hùng Vương, thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong lên lễ hội cấp tỉnh” vào tháng 6/2017.
Song song, Trung tâm Trưng bày Văn hóa Chăm đã sưu tầm, trao đổi và vận động nhân dân hiến tặng là 417 hiện vật, nâng tổng số hiện vật gốc lên 1.370 hiện vật, cổ vật. Mặt khác, đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh Bình Thuận còn có dịp giới thiệu những di sản văn hóa tiêu biểu của dân tộc thông qua các hoạt động văn hóa chuyên đề như: Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số toàn tỉnh; Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm; Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Bình Thuận. Ngoài ra, tỉnh Bình Thuận còn tham gia giới thiệu các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu tại Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm toàn quốc, Ngày hội văn hóa người Hoa toàn quốc, Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, theo nhận định của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mức độ hưởng thụ văn hóa tinh thần của đồng bào vẫn còn thấp. Hiệu quả sử dụng các công trình nhà văn hóa, hệ thống truyền thanh ở các xã chưa cao. Mặt khác, việc đầu tư cho hoạt động văn hóa nói chung, nhất là đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số còn thiếu về số lượng, trình độ các mặt không đồng đều. Việc tuyên truyền, vận động nhân dân cùng góp phần xây dựng, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa ở địa phương chưa được tiến hành một cách bài bản và sâu rộng…
Để tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận sẽ tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan trong công tác bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc. Đặc biệt là duy trì tổ chức ngày hội, hoạt động văn hóa các dân tộc thiểu số. Huy động sức mạnh của toàn xã hội theo phương châm xã hội hóa nhằm phát triển văn hóa dân tộc. Cùng với đó, có phương án bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số phù hợp với tình hình thực tế. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, nhất là cán bộ văn hóa ở các thôn, xã. Đồng thời, nâng cao hiệu quả các hoạt động văn hóa nghệ thuật, bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống thông qua hoạt động biểu diễn, nghiên cứu, sưu tầm, đưa văn hóa về cơ sở.
Theo Báo Bình Thuận