Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể
Ngày đăng: 25/06/2019Ngoài thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, trên địa bàn tỉnh hiện có 5 di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia gồm: Lễ hội Đền Trần, Lễ hội Phủ Dầy, Nghi lễ Chầu văn của người Việt tại Nam Định, Nghệ thuật Ca trù, Nghề sơn mài truyền thống Cát Đằng. Thời gian qua, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch và các địa phương đã triển khai đồng bộ công tác nghiên cứu, sưu tầm, hệ thống hóa tư liệu của từng di sản; trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp bảo tồn, kế thừa và phát huy giá trị các di sản văn hoá phi vật thể trong đời sống cộng đồng.
Từ khi được Nhà nước xếp hạng là di sản văn hóa phi vật thể, Lễ hội Đền Trần (Thành phố Nam Định) và Lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản) đều phát huy giá trị trong đời sống xã hội như: Giáo dục và gắn kết cộng đồng; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; nuôi dưỡng và phát triển nhu cầu văn hóa tâm linh; phát triển kinh tế du lịch, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cộng đồng. Hàng năm, các lễ hội được các cấp, chính quyền tổ chức, quản lý theo hướng văn minh, tiết kiệm, trở thành nét sinh hoạt văn hoá tâm linh, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương về dự. Tại quần thể Di tích Lịch sử - Văn hoá Phủ Dầy, lễ hội đã phản ánh phong tục, tập quán, tín ngưỡng, thể hiện tư duy, nhận thức về nhân sinh quan, thế giới quan của cộng đồng dân cư. Từ ngày mùng 3 đến mùng 8-3 âm lịch hằng năm, Lễ hội Phủ Dầy được tổ chức trên quy mô lớn thu hút đông đảo nhân dân địa phương và khách thập phương tham dự. Lễ hội diễn ra các nghi lễ trang trọng như: hầu đồng, rước thỉnh kinh, rước đuốc, hoa trượng hội; các hoạt động văn hóa dân gian như: thi hát văn, đánh cờ người và nhiều trò chơi dân gian độc đáo khác. Lễ hội Đền Trần (20-8 âm lịch) khơi dậy niềm tự hào về hào khí Đông A của quân dân Đại Việt 3 lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên - Mông (thế kỷ XIII). Ngoài phần lễ trang trọng gồm các nghi thức: rước kiệu, dâng hương tưởng nhớ công lao của các vị Vua Trần và ngày mất Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, phần hội diễn ra các sinh hoạt dân gian như: múa lân - rồng, vật, võ thuật, chọi gà, hát chèo, múa rối nước...
Di sản thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (tháng 12-2016). Tỉnh ta được coi là trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu. Trong thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt ở tỉnh ta, các yếu tố văn hóa dân gian như: trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, hầu đồng và lễ hội được kết hợp nghệ thuật, như một “bảo tàng sống” lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt. Chầu văn là nghi lễ không thể thiếu trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Năm 2013, Nghi lễ Chầu văn của người Việt tại Nam Định được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Chủ thể của di sản văn hoá Nghi lễ Chầu văn là những người trong cộng đồng dân cư, trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia thực hành gồm: Cung văn (người hát chầu văn và sử dụng nhạc cụ trong nghi lễ); các ông, bà đồng (người hầu đồng, làm việc Thánh) các nhóm, đối tượng khác như: thủ nhang (người trông coi di tích), người hầu dâng, con nhang đệ tử… Hiện tại toàn tỉnh có trên 500 người trực tiếp tham gia thực hành Nghi lễ Chầu văn gồm các thanh đồng, cung văn, nhạc công có tính “chuyên nghiệp”. Theo số liệu khảo sát của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, trên địa bàn tỉnh hiện có 12 hội, bản hội; mỗi hội, bản hội có 100-200 con nhang đệ tử. Trong đó huyện Mỹ Lộc có hội phủ Tâm Linh, huyện Nam Trực có bản hội Chân Hương, huyện Trực Ninh có các bản hội: Đông Quang phủ, Ninh Quang phủ, Thiêm Lộc phủ, Đông A phủ, Thanh Hoa điện, Đông Cuông, Đông Minh; huyện Ý Yên có bản hội phủ Quảng Cung; huyện Xuân Trường có bản hội Cửu Long… Từ hình thức diễn xướng dân gian trong các lễ hội, nghệ thuật Chầu văn ra đời gắn liền với nghi thức tụng ca công đức của Thánh Mẫu (Liễu Hạnh). Không gian của nghệ thuật Chầu văn cổ truyền là ở các đền, phủ, miếu, thường có kết hợp với hầu đồng. Người xưa quan niệm, đó là phương thức hữu hiệu để mọi người có thể giao tiếp với Mẫu, với các chư vị linh thần nhằm bày tỏ lòng biết ơn và hướng thiện; đặc biệt, các Mẫu tứ phủ (Mẫu Thượng thiên, Mẫu Địa, Mẫu Nhạc, Mẫu Thoải) là biểu tượng của tín ngưỡng dân gian trong tâm thức cộng đồng dân tộc.
Các bài hát văn tùy thuộc vào từng giá hầu mà có nội dung phù hợp; thường sử dụng thể thơ lục bát, song thất lục bát, hay biến thể (4-7 hoặc 5-8)... Trong nghệ thuật Chầu văn Nam Định có hệ thống làn điệu phong phú, tinh tế, giàu sắc thái biểu cảm như: bỉ, miễu, phú bình, phú chênh, phú nói, phú rầu, đưa thơ, vãn, dọc, cờn, hãm và dồn. Xen kẽ những đoạn hát là nhạc, gọi là lưu không. Ngày nay, những làn điệu hát văn không chỉ được diễn xướng trong các di tích đền, phủ, miếu linh thiêng để phục vụ tín ngưỡng tâm linh mà còn được biểu diễn trên những sân khấu hiện đại với hình thức ca nhạc dân gian. Ở nhiều địa phương trong tỉnh, bộ môn nghệ thuật này đã trở thành món ăn tinh thần và đang phát triển mạnh trong phong trào văn nghệ quần chúng. Toàn tỉnh hiện có 6 câu lạc bộ chầu văn hoạt động hiệu quả như: câu lạc bộ hát văn làng Hành Thiện (Xuân Trường), đoàn nghệ thuật dân ca Hương Quê, câu lạc bộ thơ ca Mỹ Trung (Mỹ Lộc), câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống (Ý Yên), câu lạc bộ thơ ca (Hải Hậu).
Khác với hát chầu văn, hát ca trù ở tỉnh ta là thể loại âm nhạc mang đặc trưng vùng miền được hình thành rất sớm từ thế kỷ XV. Nam Định là một trong 14 tỉnh, thành phố trong cả nước bảo tồn được di sản văn hoá phi vật thể Nghệ thuật Ca trù. Hát ca trù có 5 không gian trình diễn chính: hát cửa đình (hát thờ), hát cửa quyền (hát cung đình hay hát chúc hỗ), hát tại gia (hát nhà tơ), hát thi và hát ca quán (hát chơi, ả đào); mỗi không gian có một lối hát và cách thức trình diễn riêng. Ca trù có quy định về sự truyền nghề, cách học đàn, học hát, việc cho phép đào nương vào nghề, việc chọn đào nương đi hát thi… Tham gia biểu diễn ca trù, có ít nhất 3 người gồm: ca nương hát theo lối nói và gõ phách lấy nhịp, nhạc công đệm đàn đáy cho người hát và người điểm trống chầu. Hiện nay, tuy ca trù đang được quan tâm đầu tư nghiên cứu, nhưng những giá trị độc đáo, đặc sắc của loại hình nghệ thuật này chưa được phục dựng nguyên thể, bên cạnh đó, còn thiếu lực lượng diễn viên kế cận. Câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống Ý Yên là một trong số ít các câu lạc bộ văn nghệ quần chúng gìn giữ được nghệ thuật Ca trù trên địa bàn tỉnh. Câu lạc bộ có 5 thành viên do Nghệ nhân Ưu tú Trần Quang Lộc làm chủ nhiệm đã nhiều lần, tham gia liên hoan ca trù của Trung ương và đạt Huy chương Bạc vào các năm: 2005, 2007, 2011. Để quảng bá nghệ thuật ca trù truyền thống, Nghệ nhân Ưu tú Trần Quang Lộc và các thành viên trong câu lạc bộ đã mở các lớp dạy hát ca trù miễn phí ở trong và ngoài huyện với sự tham gia của học viên đến từ khắp các địa phương trong tỉnh.
Trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nghề sơn mài Cát Đằng, xã Yên Tiến (Ý Yên) là di sản văn hoá phi vật thể thuộc lĩnh vực nghề thủ công, mỹ nghệ truyền thống. Sau khi được công nhận (tháng 5-2017) đến nay, nghề sơn mài Cát Đằng đã giúp người dân trong vùng gây dựng được cuộc sống khấm khá hơn. Không chỉ có tranh sơn mài, người dân Cát Đằng còn phát triển kỹ thuật sơn son, thếp vàng trên đồ gia dụng như: chén, đĩa, cốc, chụp đèn… với kiểu dáng phong phú, đậm chất nghệ thuật Á Đông, được xuất khẩu sang các nước Tây Âu và các nước Đông Nam Á. Thời gian qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc kế thừa và phát triển nghề sơn mài truyền thống trên địa bàn. Nhiều dự án đầu tư cho làng nghề được đầu tư xây dựng dựa trên nguồn kinh phí xã hội hoá.
Đa dạng, phong phú về loại hình, sinh động, giàu bản sắc văn hoá về nội dung, mỗi di sản văn hóa phi vật thể ở Nam Định đang được các cấp uỷ Đảng, chính quyền cùng nhân dân đề ra các giải pháp, sáng kiến để bảo tồn, kế thừa, phát huy giá trị. Những di sản văn hoá phi vật thể chứa đựng ý nghĩa dân gian, có sự gắn bó chặt chẽ, đồng hành với đời sống con người và trở thành những “di sản sống”, “giá trị sống”, là “tài sản” tâm linh của cộng đồng trong đời sống hôm nay./.
Theo baonamdinh.com.vn