An Giang: Làng Chăm với những nét văn hóa độc đáo
Ngày đăng: 11/11/2019
Những lễ hội đặc sắc, đa dạng và phong phú trong đời sống văn hoá, tinh thần đã làm nên nét độc đáo của những làng Chăm. Những ngôi thánh đường với lối kiến trúc cổ kính và ấn tượng, đây chính là nơi mà những người đàn ông, thanh niên hành lễ 5 lần mỗi ngày. Còn những người phụ nữ Chăm duyên dáng, miệt mài bên khung dệt. Những lễ hội đặc sắc, đa dạng và phong phú trong đời sống văn hoá, tinh thần đã làm nên nét độc đáo của những làng Chăm vùng đầu nguồn Châu thổ Cửu Long.

Làng Chăm An Giang, với hàng chục ngôi thánh đường lớn nhỏ

Tỉnh An Giang hiện có 9 làng Chăm thuộc 9 xã, phường trên địa bàn, với khoảng 5 ngàn hộ dân, hơn 17 ngàn người; tập trung chủ yếu ở thị xã Tân Châu và huyện An Phú; một số ít là huyện Châu Phú, huyện Châu Thành và một làng nhỏ ở phường Mỹ Long, TP Long Xuyên.

Các làng Chăm được phân bố dọc theo hai bên bờ sông Hậu và các nhánh sông Hậu với những ngôi nhà sàn bằng gỗ rất đặc trưng, hàng chục ngôi thánh đường lớn nhỏ, nổi bật với kiểu kiến trúc mái vòm, bốn tháp ở bốn góc, rất giống các thánh đường tại các nước Hồi giáo Trung Đông. Trong đó, nổi tiếng và ấn tượng nhất là thánh đường Mubarắk. Thánh đường này được công nhận là di tích cấp quốc gia về nghệ thuật kiến trúc từ năm 2011. 

Điều đặc biệt là người Chăm có đời sống tâm linh và tín ngưỡng tôn giáo rất đặc trưng, tất cả đều hướng về ngôi thánh đường để cầu nguyện. Ngày nay, Thánh đường còn được dùng làm nơi sinh hoạt động đồng, tuyên truyền chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước cho bà con tín đồ vào mỗi thứ sáu hàng tuần. 

Chia sẻ về vấn đề này, ông So Ro Les, Trưởng Phòng Dân tộc thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang cho biết, “Đặc biệt là thứ 6, các tín đồ đều tập trung ở thánh đường cùng các vị  giáo cả đứng lên đọc về giáo lý, khuyên dăn các tín đồ chấp hành tôn giáo, chấp hành pháp luật, sống nếp sống văn minh… ngày thứ 6, nói rất nhiều, không chỉ mỗi giáo lý Islam".

Người Chăm có đời sống tâm linh và tính ngưỡng tôn giáo rất đặc trưng, tất cả đều hướng về ngôi thánh đường để cầu nguyện


Đồng bào Chăm An Giang hầu hết theo đạo Hồi giáo Islam có nguồn gốc từ Ả Rập Saudi. Trong thánh đường không thờ tranh, tượng hay bất cứ vị thần linh nào. Nhưng một sản vật được tôn thờ nhất là kinh Koran. Người theo đạo Hồi tin rằng, những điều được đấng tối cao viết ra và truyền lại trong kinh Koran đều sẽ trở thành hiện thực và họ phải thực hiện đúng theo giáo lý. Và trong đời mỗi người Hồi giáo Islam phải làm một cuộc hành hương đến thánh địa Mecca, còn gọi là Haji thì mới coi như tròn trách nhiệm và không còn nuối tiếc gì nữa. 

Ông Haji Chau Ka Đưa, Thư ký Ban quản trị Thánh đường Mubarắk chia sẻ, “Nó nằm trong năm điều của luật đạo Hồi giáo. Điều thứ nhất, thừa nhận là có thượng đế Allah, thứ 2 là cúng lạy một đêm 5 lần, thứ 3 là bố thí, thứ tư là ăn chay Lễ Ramadam, thứ 5, nếu người đó có điều kiện đầy đủ và dư tiền của, bắt buộc người đó phải đi hành hương làm lễ Haji, còn nếu không có điều kiện thì thôi”.

Những nét đặc sắc của văn hoá Chăm An Giang còn thể hiện từ tiếng nói, chữ viết riêng của mình. Để bảo tồn văn hoá, tiếng nói và chữ viết, hiện nay hầu hết các thánh đường đều có mở lớp dạy. Ban ngày các em học văn hoá tại các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, còn buổi tối tập trung tại thánh đường để học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình. Đặc biệt, tại thánh đường Azhar ấp Châu Giang, xã Châu Phong còn có một lớp học chuyên dạy đọc, viết chữ bằng tiếng dân tộc cho trẻ em của cộng đồng người Chăm An Giang. 

Ông Haji Abdolhamid, Phó Giáo cả thánh đường Chăm Azhar, ấp Châu Giang, xã Châu Phong cho biết, “Trước mắt là giúp các em học được kinh Koran, biết hành lễ, sâu xa hơn là giữ được bản sắc văn hóa dân tộc người Chăm, là người Chăm phải biết chữ, biết nói tiếng dân tộc Chăm…”.

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Chăm An Giang


Sau khi kết thúc Ramadan 70 ngày thì người Chăm bước vào lễ hội Roja hay còn gọi là Haij, là ngày Tết cổ truyền mừng tuổi mới. Tại các thánh đường, người dân mổ dê, bò để mở tiệc tùng sau một năm lao động vất vả. Đây cũng là thời điểm các hoạt động đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào Chăm An Giang sôi nổi nhất. Họ tổ chức ca hát, múa, biểu diễn văn hoá văn nghệ với những giai điệu và bài hát riêng của mình. 
Mỗi năm đồng bào Chăm An Giang có 3 lễ lớn, Lễ Roja vào ngày 10/12 Hồi lịch, Lễ Ramadam, hay còn gọi là lễ ăn chay kéo dài từ ngày 1 đến hết ngày 30/9 Hồi lịch, Lễ sinh nhật của Giáo chủ Muhammed vào ngày 12/3 Hồi lịch. Trong tháng Lễ Ramadan, bà con dù đi làm ăn nơi đâu cũng tranh thủ quay về quê nhà để thực hiện nghi thức tôn giáo, tất cả người Chăm kể cả trai gái từ 15 tuổi trở lên đều phải thực hành nhịn ăn, nhịn uống và hạn chế lao động nặng nhọc. Thời gian nhịn từ khi mặt trời mọc đến khi mặt trời khuất bóng. Sau đó, mọi người được ăn uống bình thường, cho đến thời điểm bắt đầu một ngày chay tịnh mới của sáng hôm sau. 

Ông Haji Chau Ka Đưa, Thư ký Ban quản trị Thánh đường Mubarắk, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang chia sẻ, “Tháng Ramadam là tháng thiêng liêng của đạo Hồi giáo, là tháng ăn chay, ăn chay là nhịn ăn nhịn uống,..., tất cả những gì mà trong kinh Koran cấm. Tháng Ramadam nhịn ăn để biết được nỗi khổ của người nghèo khó người như vậy để chia sẻ”.

Một nét văn hóa đặc trưng khác là trang phục của nam và nữ đều mặc sarông, trong cả việc học hành, giao tế, tiệc tùng và sinh hoạt cộng đồng. Đối với người nam thì đội nón vải, còn phụ nữ thì choàng khăn Matơra hay còn gọi là khăn Khanh Ma-om. Hình ảnh cô gái Chăm với trang phục truyền thống bên khung cửi không chỉ thể hiện bản sắc văn hóa, của dân tộc mà còn là điểm nhấn độc đáo, duyên dáng đặc trưng của phụ nữ Chăm ở An Giang.  

Bà Ro Mắk, thợ dệt ở làng Chăm Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang chia sẻ, ngay từ khi còn nhỏ, các cô gái Chăm đã được người bà, người mẹ chỉ cách làm các món ăn, món bánh truyền thống và đặc biệt truyền lại nghề thêu, dệt thổ cẩm, một nghề truyền thống của dân tộc. 

“Tuy công việc này cực khổ nhưng mình thấy rất vui và đây là nghề truyền thống nên mình muốn giữ lại, không muốn nó mất đi, dù cực cách mấy nữa mình cũng cố gắng làm, với lại dệt tay thì màu mè không được sắc sảo nhưng sài nó rất bền. Ở đây dệt 3 sản phẩm, còn một số sản phẩm nữa là lấy ở chỗ khác về để bầy bán cho khách du lịch và bán cho những người trong làng này…”.

Ngày nay, những thánh đường Hồi giáo với kiến trúc nghệ thuật ấn tượng cùng với nét văn hoá đặc trưng trong đời sống sinh hoạt và nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Chăm An Giang ngày càng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu, khám phá. Vì thế một bộ phận người Chăm đã nhanh chóng đón nhận xu thế, tham gia làm du lịch để giới thiệu về những giá trị văn hoá đặc sắc của dân tộc mình.

Khi hoàng hôn buông xuống, cũng là lúc tiếng kinh cầu lại bắt đầu vang lên từ phía những ngôi thánh đường bên dòng Hậu giang thơ mộng. Những làng Chăm hiền hoà nghiêng mình soi bóng nước Cửu Long. Những thiếu nữ Chăm e ấp sau chiếc khăn Khanh Ma-om như níu kéo bước chân người lữ khách. Tiếng trống Paranưng lại rộn ràng báo hiệu mùa Lễ Ramadan mới lại sắp bắt đầu./.

 

Theo vov.vn