75 ngày không có ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng
Ngày đăng: 16/11/2020


Sáng 16-11, Việt Nam không ghi nhận có thêm ca nhiễm Covid-19 mới. Đến hôm nay, Việt Nam đã trải qua 75 ngày không ghi nhận ca bệnh Covid-19 trong cộng đồng. 



 


Tính đến 6 giờ ngày 16-11, Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25-7 đến nay là 551 ca.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 15.549 người, trong đó có 210 người cách ly tập trung tại bệnh viện; 14.449 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 890 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 17-8 đến nay, đã 90 ngày, Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới Covid-19 ngoài cộng đồng. Tại TP Hồ Chí Minh, đến nay, đã 107 ngày không ghi nhận thêm ca mắc mới Covid-19 ngoài cộng đồng.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, hiện nay Việt Nam đã điều trị khỏi cho 1.103 ca bệnh/1.281 bệnh nhân, chiếm tỷ lệ 86%. 

Trong số các ca đang điều trị tại các cơ sở y tế, hiện có 14 ca âm tính lần 1, 12 ca âm tính lần 2 và 13 ca âm tính lần 3 với SARS-CoV-2.

Trước đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới tại Trụ sở Chính phủ ngày 13/11/2020. 

Trên cơ sở phân tích tình hình trong nước và quốc tế, Ban Chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, cập nhật các kịch bản phòng, chống dịch, chuẩn bị với tình huống khó khăn hơn, bởi sắp tới sẽ là “mùa đông khốc liệt”, nhất là vào thời điểm Tết Nguyên đán. Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương giám sát chặt những khách sạn, cơ sở lưu trú được chọn là nơi cách ly người từ nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, nếu không thực hiện đầy đủ các hướng dẫn thì dừng, không cho thực hiện cách ly. Bộ Y tế sẽ sớm ban hành Quy trình nhập cảnh và giám sát, cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19 cho người nhập cảnh trên chuyến bay thương mại. Quy trình sẽ hướng dẫn cụ thể từ trước khi nhập cảnh, trên máy bay, cửa khẩu; di chuyển về khu cách ly; tại nơi cách ly và nơi lưu trú; theo dõi sức khỏe trong vòng 28 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

Ban Chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cập nhật thông tin lên “Bản đồ chung sống an toàn với dịch Covid-19”, tất cả các cơ sở y tế phải tự kiểm tra việc bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch, không an toàn không được hoạt động. Bộ Giáo dục và Đào tạo đốc thúc các địa phương, chỉ đạo tất cả trường học cập nhật ngay tình hình thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bộ Công thương phối hợp Bộ Y tế rà soát, ban hành bộ tiêu chí bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong các nhà máy, cơ sở sản xuất, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ... cập nhật lên bản đồ chống dịch. Việc yêu cầu cập nhật thông tin lên bản đồ chống dịch không chỉ là buộc các cơ sở thực hiện đầy đủ biện pháp an toàn mà còn có tác dụng lan tỏa tâm lý không chủ quan, lơ là ra toàn xã hội.

Ban Chỉ đạo cũng cho rằng không nên trông chờ quá nhiều vào vắc-xin. Do vậy, bên cạnh đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, hợp tác sản xuất vắc-xin trong nước, tiếp cận các nguồn cung cấp trên thế giới, cần tiếp tục những biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt ưu tiên ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập, quản lý chặt chẽ công tác cách ly, giám sát y tế sau cách ly đối với người nhập cảnh. Ban Chỉ đạo cũng thống nhất sẽ tổ chức diễn tập về phòng, chống dịch ở tất cả các khâu, từ kiểm soát nhập cảnh đến cách ly, điều trị, theo dõi, giám sát y tế tại địa phương...

Theo nhandan.com