10 hoạt động tiêu biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong năm 2020
Ngày đăng: 12/01/2021
Phật giáo bao đời nay luôn là tôn giáo đồng hành cùng dân tộc, kể từ khi thành lập vào năm 1981 đến nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trải qua gần 40 năm củng cố và phát triển, đã đạt được nhiều thành tựu được xã hội ghi nhận và đánh giá cao.

Tuy nhiên, bất kỳ quá trình nào cũng khó tránh khỏi những vấn đề phát sinh mà bản thân tổ chức phải chấn chỉnh để phát triển. Với sự quan tâm sâu sát từ phía cơ quan nhà nước mà trực tiếp là Ban Tôn giáo Chính phủ với những hỗ trợ tích cực Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong hoạt động hành chính đạo. Năm 2020 với nhiều biến động, sự ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch bệnh cùng những khó khăn chung về kinh tế - xã hội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam với tinh thần “hộ quốc, an dân” đã có những hoạt động tích cực, thể hiện vai trò là tôn giáo lớn, đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội. Sau đây là 10 hoạt động tiêu biểu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong năm 2020:

1. Giáo hội Phật giáo Việt Nam triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Ban Tôn giáo Chính phủ về việc tăng cường phòng, chống dịch Covid-19, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tích cực vận động Tăng ni, tín đồ Phật tử hiểu rõ về dịch bệnh và đưa ra các biện pháp phòng tránh. Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có công văn gửi các Ban Trị sự các tỉnh, thành phố yêu cầu tăng cường tuyên truyền đến bà con, tín đồ Phật tử thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, mọi người đến chùa đều phải đeo khẩu trang y tế…Khuyến khích các chùa tổ chức phát khẩu trang, nước sát khuẩn miễn phí cho bà con, du khách đến chùa, sẵn sàng tham gia ứng phó với các cơ sở y tế trong các trường hợp khẩn cấp. Yêu cầu Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố tạm dừng các lễ hội, các khóa tu tập trung đông người, hạn chế các hoạt đông tôn giáo ở nước ngoài, không đón tiếp chức sắc từ các quốc gia.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, với tinh thần từ bi của đạo Phật và hưởng ứng lời kêu gọi từ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trao tặng 05 phòng áp lực âm (trị giá 3,5 tỷ đồng) cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ngoài ra, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra thông bạch kêu gọi các tăng ni, tín đồ phật tử ủng hộ mua trang thiết bị y tế nhằm hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương.

2. Giáo hội Phật giáo Việt Nam vận động cứu trợ các tỉnh miền Trung

Trong năm 2020, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp trong đó có tình hình mưa lũ tại khu vực miền Trung gây ra những hậu quả nặng nề, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của bà con trên mảnh đất đầy nắng gió, lam lũ. Hòa chung vào công tác ủng hộ đồng bào miền Trung, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có những hoạt động ủng hộ bằng tiền qua các kênh chính thức từ tổ chức cơ quan Nhà nước, các Ban Trị sự các tỉnh, thành phố tại địa phương bằng các phương tiện phù hợp, trao tặng đến đồng bào miền Trung những chuyến xe cứu trợ kịp thời, góp phần cùng chính quyền địa phương khắc phục hậu quả của thiên tai. Các tổ chức tôn giáo đã có thông bạch đến các tổ chức tôn giáo trực thuộc vận động và ủng hộ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi thiên tai lũ lụt với các nhu yếu phẩm và tiền mặt trị giá lên đến hàng tỷ đồng.

3. Hội nghị Tăng sự toàn quốc

Thực hiện công tác chấn chỉnh công tác hành chính đạo trong hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp, sáng ngày 24/7/2020 tại chùa Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam), Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Hội nghị Tăng sự toàn quốc năm 2020 với chủ đề: “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý Tăng sự các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam”. Công tác Tăng sự luôn là Phật sự hàng đầu của Giáo hội với mục tiêu “nêu cao kỷ cương, phụng sự giáo pháp, giới luật Phật chế và pháp luật Nhà nước trong quản lý Tăng ni, tự viện”.

Hội nghị đã đánh giá thực tế về công tác Tăng sự hiện nay tại các địa phương, phân tích mổ xẻ nguyên nhân những tồn tại, thách thức và cũng đưa ra kiến nghị, giải pháp cho các vấn đề tồn đọng, cùng với việc thực hiện Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải thực hiện nghiêm nội quy Ban Tăng sự Trung ương, pháp luật Nhà nước để từng bước chấn chỉnh và làm tốt công tác Tăng sự nhằm tăng cường quản lý Tăng ni tự viện, tạo điều kiện tốt nhất cho việc sinh hoạt tu tập và giữ gìn giới luật, đạo hạnh của Tăng ni trong điều kiện xã hội hiện nay.

Trên cơ sở đó, thời gian tới các chức sắc Giáo hội phật giáo Việt Nam sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo củng cố công tác Tăng sự, biểu dương những tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho đạo pháp, dân tộc. Kịp thời phát hiện, xử lý những hành vi trái với Hiến chương, nội quy của Giáo hội, vi phạm pháp luật Nhà nước, làm ảnh hưởng tới uy tín của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Quản lý Tăng sự theo phân cấp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đề cao giữ gìn giới luật và cháp hành pháp luật trong tu học, hành đạo và hướng dẫn tín đồ, tập trung vào công tác thụ giới, tấn phong giáo phẩm.Củng cố và phát triển hơn nữa công tác Tăng sự và nghiệp vụ thư ký, quản trị văn phòng các cấp trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

4. Ký kết hợp tác phát triển kênh truyền hình An Viên thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Trong thời đại hội nhập quốc tế cùng sự phát triển của công nghệ thông tin, Internet…nêu cao tinh thần nhập thế ích đạo, lợi đời, góp phần phát triển đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Sáng ngày 08/8/2020, tại văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam - chùa Quán sứ đã diễn ra buổi ký kết hợp tác phát triển kênh truyền hình An Viên với mục tiêu đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp và chuyển tải các hoạt động Phật sự vào trong đời sống xã hội, giá trị đạo đức và truyền thống văn hoá tốt đẹp của người Việt Nam trong sự nghiệp phụng đạo yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Truyền hình An Viên  được đổi mới từ nhận diện đến nội dung, với cách tiếp cận mới, hiện đại của truyền hình thực tế, sự trải nghiệm tâm linh và ứng dụng các thành tựu của công nghệ thông tin. Kênh đã có hàng loạt chương trình mới được đầu tư sản xuất bởi VTVcab từ đó truyền dẫn phát sóng kênh và chùm nội dung của kênh trên các hạ tầng truyền hình và OTT uy tín tại Việt Nam như: VTV Digital, AVG, HTV.. Sau ngày 08/8/2020 ngày chính thức phát sóng kênh truyền hình An Viên, có thể nói là sự kiện đánh dấu trong sự phát triển trên lĩnh vực thông tin truyền thông của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

5. Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Phật giáo với việc bảo đảm an sinh xã hội cho người dân trong thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế”

Nguồn lực tôn giáo đã được các cơ quan hữu quan nhìn nhận và đánh giá, để phát huy nguồn lực của Phật giáo trong thời gian tới, Ban Tôn giáo Chính phủ đã kêu gọi, vận động Giáo hội Phật giáo Việt Nam tập trung vào các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện, nhân đạo, vì cộng đồng; Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Phật giáo với việc bảo đảm an sinh xã hội cho người dân trong thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế” với sự tham dự của gần 1000 đại biểu và tín đồ Phật tử, thông qua đó Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát động tới toàn thể tăng ni, Phật tử Phật giáo Việt Nam tích cực tham gia hơn nữa đóng góp trong các hoạt động an sinh xã hội, vì cộng đồng (hỗ trợ đồng bào nghèo, đồng bào khó khăn bị ảnh hưởng bởi thiên tai bão lũ, xây cầu, đắp đường, trồng cây xanh…).

6. Tổ chức lễ thượng cờ tại chùa Quán sứ, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và trao tặng cờ Tổ quốc cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Hưởng ứng và thực hiện kế hoạch phát động treo cờ Tổ quốc tại các cơ sở tôn giáo của Ban Tôn giáo Chính phủ, sáng ngày 03/11/2020 tại trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức trao tặng cờ Tổ quốc cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 39 năm thành lập Giáo hội (07/11/1981 – 07/11/2020)  và tổ chức lễ thượng cờ Tổ quốc tại trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Việc Ban Tôn giáo Chính phủ trao tặng cờ Tổ quốc cho GHPGVN nhân dịp Lễ kỷ niệm 39 năm thành lập Giáo hội thể hiện sự tin tưởng và mong muốn dưới sự lãnh đạo của chức sắc Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, GHPGVN sẽ tiếp tục phát huy truyền thống “Phật giáo đồng hành cùng dân tộc” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Treo cờ Tổ quốc là truyền thống văn hóa tốt đẹp, biểu trưng cho lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc. Hình ảnh lá cờ Tổ quốc tung bay trên mọi miền đất nước thể hiện quyết tâm gìn giữ độc lập, chủ quyền lãnh thổ và ý chí đoàn kết xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của các giai tầng xã hội, các tôn giáo với dân tộc.  

7. Triển khai thực hiện thủ tục hành chính thông qua dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin Ban Tôn giáo Chính phủ

Việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam triển khai dịch vụ công trực tuyến để đăng ký các thủ tục hành chính đã góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, kiểm soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính hướng tới xây dựng chính quyền điện tử nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước và thực hiện cải cách hành chính, trong thời gian qua, Ban Tôn giáo Chính phủ luôn quan tâm, chú trọng tuyên truyền phổ biến về việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến trong việc giải quyết thủ tục hành chính đem lại những lợi ích thiết thực với Giáo hội Phật giáo Việt Nam như: Thủ tục đăng ký đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện trong ngày và tại mọi địa điểm có kết nối Internet hoặc trên thiết bị điện tử thông minh khác (điện thoại thông minh, máy tính bảng…); Tiết kiệm chi phí đi lại, thời gian giao dịch, đơn giản thủ tục giấy tờ đồng thời theo dõi được tình trạng hồ sơ trên Website trực tuyến, qua tin nhắn điện thoại, địa chỉ email và đảm bảo công khai minh bạch hồ sơ, thủ tục.

8. Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội và Tạp chí Nghiên cứu Phật học kỷ niệm 30 năm ngày thành lập

Ngày 27/11/2020, tại chùa Quán Sứ, Phân viện Nghiên cứu Phật học (NCPH) Việt Nam tại Hà Nội và Tạp chí Nghiên cứu Phật học kỷ niệm 30 năm ngày thành lập. Phân viện NCPH Việt Nam tại Hà Nội và Tạp chí NCPH trong suốt 30 năm qua đã có những đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều cuộc Hội thảo của Phân viện, bài phát biểu của chức sắc lãnh đạo, bài viết của các tác giả có tên tuổi đăng trên Tạp chí đã góp phần tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng, tới đông đảo tăng, ni, Phật tử Việt Nam ở trong và ngoài nước.

Những bài viết của các chức sắc, cư sĩ Phật giáo về các hoạt động tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, ứng xử của Nhà nước Việt Nam đối với các tôn giáo trong có Phật giáo chính là kênh thông tin quan trọng góp phần khẳng định chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước về tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân; góp phần đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, thiếu thiện chí nhằm vu cáo Nhà nước Việt Nam vi phạm tự do nhân quyền, tôn giáo. Nhiều công trình nghiên cứu của Phân viện và bài đăng trên Tạp chí đã làm sáng tỏ và lan tỏa các giá trị đạo đức tốt đẹp, nhân văn, nhân ái của Phật giáo; tuyên truyền những tấm gương điển hình, người tốt việc tốt trong chức sắc và tín đồ Phật giáo; củng cố đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc đồng thời phản bác các quan điểm sai trái, mê tín dị đoan.

Để ghi nhận những đóng góp của Phân viện và Tạp chí trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho Phân viện NCPH Việt Nam tại Hà Nội, Tạp chí NCPH và Hòa thượng Thích Gia Quang, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Phân viện và Tạp chí. Tại lễ kỷ kiệm, đã có 4 tập thể và cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 7 cá nhân được tặng Giấy khen của Ban Tôn giáo Chính phủ vì những thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.

9. Tổ chức thành công Hội nghị Phật giáo Nam tông Khmer lần thứ IX tại tỉnh Vĩnh Long

Ngày 18/12/2020, tại hội trường chùa Phật Ngọc Xá Lợi, tỉnh Vĩnh Long đã diễn ra Hội nghị chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer lần thứ IX.  Hội nghị đã ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực của sư sãi, tín đồ Phật giáo Nam tông Khmer trong thời gian qua nhằm thực hiện tốt phương châm hành đạo của GHPGVN “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, đóng góp cho sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố khu vực Nam bộ. Hội nghị chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer là dịp để lãnh đạo GHPGVN, các ban, ngành trung ương và chính quyền các cấp cùng nhìn lại và đánh giá hoạt động Phật sự của Hệ phái Nam tông Khmer sau 16 năm kể từ lần đầu tiên tổ chức vào năm 2004. Những đề xuất của các đại biểu Phật giáo Nam tông Khmer tại các kỳ hội nghị được Ban Tôn giáo Chính phủ cùng ban ngành trung ương, GHPGVN và chính quyền các cấp kịp thời xem xét, giải quyết nhằm giúp hoạt động của Phật giáo Nam tông Khmer ngày càng thuận lợi, gắn bó với đường hướng hoạt động của GHPGVN và đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.

10. Kỷ niệm 45 năm ngày báo Giác Ngộ ra số đầu tiên

Báo Giác Ngộ - cơ quan thông tin truyền thông của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 45 năm ngày ra số báo đầu tiên (01/01/1976-01/01/2021). Ra đời ngay sau khi đất nước thống nhất, báo Giác Ngộ đã là kênh phản ánh tin tức Phật sự, góp phần vào quá trình vận động thống nhất các hệ phái Phật giáo trong ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam, gắn bó mật thiết với sự hình thành và phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Tin tưởng rằng với truyền thống Phật giáo đồng hành cùng dân tộc, báo Giác Ngộ sẽ tiếp tục thông tin và lan toả những chủ trương, hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đến với tín đồ Phật tử, độc giả trong và ngoài nước. Nhân dịp dịp này, báo Giác Ngộ online sẽ có những cải tiến với giao diện hiện đại hơn, đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc và phù hợp với xu thế phát triển báo chí hiện đại đa phương tiện.

 

Nguyễn Văn Nam