Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo tôn giáo toàn cầu về khí hậu trước thềm COP28
Ngày đăng: 14/11/2023
Ngày 06-07/11, Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo tôn giáo toàn cầu về khí hậu diễn ra tại Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã ra Tuyên bố chung về cam kết thúc đẩy các cộng đồng tôn giáo tham gia phòng chống biến đổi khí hậu và kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị đưa ra hành động cụ thể tại Hội nghị COP28.

Sự kiện nhằm khẳng định vai trò quan trọng của các cộng đồng tôn giáo trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, diễn ra trước thềm Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) do UAE đăng cai tổ chức từ ngày 30/11-12/12/2023.

Hội nghị thượng các nhà lãnh đạo tôn giáo toàn cầu được tổ chức bởi Hội đồng Trưởng lão Hồi giáo (MCE), quy tụ 28 nhà lãnh đạo của Hồi giáo, Ki-tô giáo, Phật giáo, Ấn Độ giáo cùng các truyền thống tôn giáo lớn khác, đại diện Chủ tịch COP28 và Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), trong đó có Giáo sư Mohamed Al-Duweini, đại diện cho Đại I-mâm Al-Azhar Ahmed El-Tayeb và Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa thánh Vatican.

Trong chương trình, các nhà lãnh đạo tôn giáo, học giả và chuyên gia môi trường trên thế giới đã thảo luận về vai trò, trách nhiệm của cộng đồng tôn giáo trong việc tham gia giải quyết thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu hiện nay; sự hợp tác giữa đức tin và khoa học nhằm thu hẹp khoảng cách giữa bằng chứng thực nghiệm và giáo lý tâm linh; giải pháp tăng cường hiệu quả truyền thông của các tổ chức tôn giáo nhằm thu hút chức sắc, tín đồ và cộng đồng tham gia công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.

Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh với trọng tâm “kêu gọi những hành động mang tính thay đổi để duy trì mức 1,5°C và bảo vệ các cộng đồng dễ bị ảnh hưởng và tổn thương”. Điều khoản 1.5°C được đề cập trong Thỏa thuận Paris năm 2015, theo đó, để ngăn chặn tác hại của biến đổi khí hậu, nhiệt độ trung bình của thế giới không được vượt quá 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Tuyên bố chung kêu gọi phản ứng khẩn cấp của các chính phủ trong việc đối phó với biến đổi khí hậu bằng cách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng; hạn chế việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, thay thế bằng các nguồn năng lượng sạch; thúc đẩy các nền kinh tế chuyển sang mô hình tuần hoàn hướng tới cuộc sống cân bằng, hài hòa với thiên nhiên; tăng cường nền nông nghiệp bền vững, tôn trọng văn hóa và hệ sinh thái địa phương, đồng thời đảm bảo an ninh lương thực cho tất cả mọi người; phát triển các dịch vụ nhằm giải quyết gánh nặng của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe con người, đặc biệt là ở những cộng đồng dễ bị tổn thương; kêu gọi các chính phủ có nguồn lực lớn hơn, đi đầu trong việc hạn chế khí thải và hỗ trợ các nỗ lực giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu ở các quốc gia ít phát triển hơn; đồng thời, đề nghị các chính phủ thiết lập cơ chế giải trình trách nhiệm trong thực hiện các cam kết quốc gia và toàn cầu về hành động toàn diện về khí hậu. Bên cạnh đó, Tuyên bố cũng nêu bật sự thống nhất và cam kết hành động của các cộng đồng tôn giáo nhằm giải quyết thách thức về môi trường hiện nay.

COP28 UAE diễn ra tại Dubai dự kiến ​​thu hút hơn 70.000 đại biểu từ gần 200 quốc gia tham dự, bao gồm các nguyên thủ quốc gia, đại diện chính phủ, lãnh đạo ngành công nghiệp quốc tế, đại diện khu vực tư nhân, học giả, chuyên gia, giới trẻ và các tổ chức phi chính phủ. COP28 sẽ lần đầu tiên công bố Báo cáo kiểm kê toàn cầu - một đánh giá toàn diện về tiến độ thực hiện mục tiêu trong Thỏa thuận Paris 2015 nhằm ngăn chặn hiện tượng nóng lên toàn cầu của các quốc gia, làm căn cứ để các bên thống nhất lộ trình rõ ràng nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các cam kết của COP thông qua quá trình thực hành chuyển đổi năng lượng toàn cầu và cách thức tiếp cận “không để ai bị bỏ lại phía sau” đối với hành động toàn diện về khí hậu.

COP28 cũng là hội nghị thượng đỉnh về khí hậu đầu tiên của Liên Hợp quốc dành một không gian riêng cho các cộng đồng có niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo, với mục tiêu kiến tạo một “sân khấu” toàn cầu về đối thoại tôn giáo và văn hóa, thúc đẩy sự tham gia của các cộng đồng tôn giáo, tín ngưỡng trong việc truyền cảm hứng cho các kế hoạch và hành động cụ thể để giải quyết các vấn đề về môi trường và biến đổi khí hậu trên hành tinh.

 

Nguyễn Linh