Ban Tôn giáo Chính phủ phổ biến Nghị định số 95/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo
Ngày đăng: 08/03/2024
Bà Nguyễn Thị Định, Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế, Ban Tôn giáo Chính phủ phổ biến Nghị định số 95/2023/NĐ-CP
Ngày 07/3/2024, Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức Hội nghị phổ biến Nghị định số 95/2023/NĐ-CP ngày 29/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cho toàn thể công chức, viên chức, người lao động Ban Tôn giáo Chính phủ.

Nghị định số 95/2023/NĐ-CP được ký ban hành vào ngày 29/12/2023 sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 30/3/2024 và thay thế cho Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Nghị định bao gồm 06 Chương, 33 Điều, tăng 08 điều so với Nghị định số 162/2017/NĐ-CP, kết cấu lại Chương II thành 03 mục, bổ sung tên Chương III, Chương V, cùng với đó là 60 biểu mẫu được ban hành kèm theo.

Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Định, Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế, Ban Tôn giáo Chính phủ phổ biến đến công chức, viên chức, người lao động thuộc Ban những điểm mới của Nghị định số 95/2023/NĐ-CP so với Nghị định 162/2017/NĐ-CP.

Nghị định số 95/2023/NĐ-CP bên cạnh việc kế thừa các quy định còn phù hợp của Nghị định số 162/2017/NĐ-CP đã bổ sung nhiều quy định mới, tiến bộ, giúp cho quá trình thực hiện hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo thuận lợi hơn. Một trong các điểm mới có thể kể đến như Nghị định số 95/2023/NĐ-CP đã dành một điều giải thích các từ ngữ về công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo, công trình phụ trợ, giấy tờ chứng minh có địa điểm hợp pháp. Ngoài ra, Nghị định số 95/2023/NĐ-CP còn bổ sung các quy định về thay đổi người đại diện, thay đổi địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam; đình chỉ toàn bộ hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; đình chỉ hoạt động đào tạo của cơ sở đào tạo tôn giáo; phục hồi hoạt động của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; phục hồi hoạt động của cơ sở đào tạo tôn giáo; việc xác định công trình phụ trợ được miễn giấy phép xây dựng; hoạt động quyên góp; tiếp nhận tài trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài; hình thức tổ chức hoạt động tôn giáo, hoạt động quyên góp, tiếp nhận tài trợ; tiếp nhận hồ sơ; phân cấp, ủy quyền… Các điểm mới này góp phần hoàn thiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo thời gian tới.

Nguyên Hải