MENU
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU
Lễ hội mừng lúa mới của người Cơ Tu
Ngày đăng: 23/08/2022Trình diễn nguyên vẹn những nét văn hóa đặc sắc trong Lễ hội mừng lúa mới, đồng bào dân tộc Cơ Tu tỉnh Thừa Thiên Huế đã thắp sáng không gian văn hóa của dân tộc mình tại Thủ đô Hà Nội qua từng điệu múa, nhịp chiêng.
Những năm gần đây, được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, ngành Văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế đối với công tác bảo tồn văn hóa các dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, đồng bào Cơ Tu thường xuyên về giao lưu, giới thiệu văn hóa tại nhiều địa phương cả nước, qua đó giúp công chúng hiểu hơn về vùng đất, con người và nền văn hóa Cơ Tu giàu bản sắc.
Sáng 21/8/2022, đồng bào dân tộc Cơ Tu đến từ xã Thượng Long, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế đã giới thiệu Lễ hội mừng lúa mới tại không gian làng dân tộc Cơ Tu, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Chương trình "Ngày hội văn hóa dân tộc Cơ Tu".
Lễ hội mừng lúa mới là một nghi lễ quan trọng với đồng bào Cơ Tu để cầu xin các thần linh (các Yang) cho hạt giống khỏe mạnh cây cối lên nhanh, mưa gió thuận hòa, lúa về trĩu hạt, bắp thì đầy kho.
Những nhịp trống, làn điệu cồng chiêng cùng vang lên mang tới không khí linh thiêng cho buổi Lễ.
Các nghi lễ nông nghiệp thể hiện mô phỏng qua các vũ điệu việc ra đồng tuốt lúa, mang lúa về, sấy lúa cho sạch, rang lúa cho khô, rồi cùng giã gạo để có được những hạt gạo trắng trẻo, thơm ngon.
Để làm lễ, phụ nữ Cơ Tu chuẩn bị gạo, nam giới mang gà trống, lợn làm lễ vật để các già làng làm lễ trình báo với các vị Yang.
Hoạt động có sự tham gia đóng góp của người dân bản làng, thể hiện sự gắn kết cộng đồng, giúp tăng cường tinh thần đoàn kết giữa người dân bản làng.
Tái hiện nghi thức đâm trâu trong Lễ mừng lúa mới của đồng bào Cơ Tu.
Trong tín ngưỡng của đồng bào Cơ Tu, con trâu biểu tượng cho sự may mắn, có ý nghĩa hình tượng giúp dân làng kết nối với các vị thần linh, để cầu mong các vị Yang phù hộ cho dân làng những điều tốt đẹp trong canh tác nông nghiệp.
Sau nghi lễ đâm trâu dân làng cùng làm các món ăn để bày trong mâm lễ dâng cúng các vị Yang.
Các già làng, những người có uy tín trong bản làng thực hiện nghi lễ mời các thần linh, thần lúa, thần trời, thần sông suối, thần cây cối về dự lễ để tạ ơn trong một năm được mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.
Điệu múa mang dấu ấn nghi lễ nông nghiệp của những người phụ nữ Cơ Tu cầu cho mùa màng tốt tươi, ngô lúa được mùa.
Kết thúc phần Lễ, diễn ra phần Hội, mọi người cùng thưởng thức rượu cần, thịt nướng, ăn cơm lam cuốn lá rừng, họ cùng nhau nhảy múa, hát vang những bài ca truyền thống vui mừng một vụ mùa mới.
Lễ mừng lúa mới là một hoạt động dân gian phản ánh chân thực những nét đẹp văn hóa truyền thống, phản ánh những ước mơ bình dị của đồng bào Cơ Tu, giúp bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của người Cơ Tu, đồng thời góp phần vào sự đa dạng của bức tranh văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Nguồn: dangcongsan.vn