Phiếu lý lịch tư pháp trong hồ sơ cá nhân khi tham gia hoạt động tôn giáo
Ngày đăng: 23/04/2018
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 18-11-2016, Luật có 9 Chương, 68 Điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2018.

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định 162/2017/NĐ-CP có một số điều quy định về đăng ký hoạt động tôn giáo; công nhận tổ chức tôn giáo; thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc; thông báo phong phẩm, suy cử chức sắc; đăng ký bổ nhiệm, bầu cử, suy cử chức việc; thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo; đăng ký pháp nhân cho tổ chức tôn giáo trực thuộc; đăng ký phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử có yếu tố nước ngoài. Hồ sơ của các cá nhân liên quan các hoạt động nêu trên luôn quy định có một tài liệu là “Phiếu lý lịch tư pháp”. Vậy phiếu lý lịch tư pháp là gì và nó là tài liệu do cơ quan nào có thẩm quyền cấp?

Luật Lý lịch tư pháp số 28/2009/QH12 được Quốc hội khoá XII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 17-6-2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2010, Điều 2 Khoản 4 về giải thích từ ngữ quy định: “Phiếu lý lịch tư pháp là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản”.

Một số quy định của Luật Lý lịch tư pháp quy định về Phiếu lý lịch tư pháp cần quan tâm như sau:

Điều 7 về Quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp quy định: 1. Công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của mình; 2. Cơ quan tiến hành tố tụng có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử; 3. Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

Điều 41 về Phiếu lý lịch tư pháp quy định Phiếu lý lịch tư pháp gồm có Phiếu lý lịch tư pháp số 1 cấp cho cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 7 của Luật này; Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng quy định tại Khoản 2 Điều 7 của Luật này và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.

Điều 42 về nội dung Phiếu lý lịch tư pháp số 1 quy định các nội dung sau:

“1. Họ, tên, giới tính, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, quốc tịch, nơi cư trú, số giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

2. Tình trạng án tích:

a) Đối với người không bị kết án thì ghi “không có án tích”. Trường hợp người bị kết án chưa đủ điều kiện được xóa án tích thì ghi “có án tích”, tội danh, hình phạt chính, hình phạt bổ sung;

b) Đối với người được xoá án tích và thông tin về việc xoá án tích đã được cập nhật vào Lý lịch tư pháp thì ghi “không có án tích”;

c) Đối với người được đại xá và thông tin về việc đại xá đã được cập nhật vào Lý lịch tư pháp thì ghi “không có án tích”.

3. Thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã:

a) Đối với người không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản thì ghi “không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã”;

b) Đối với người bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản thì ghi chức vụ bị cấm đảm nhiệm, thời hạn không được thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

Trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức không có yêu cầu thì nội dung quy định tại khoản này không ghi vào Phiếu lý lịch tư pháp”.

Điều 44 về thẩm quyền cấp Phiếu lý lịch tư pháp quy định:

“1. Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia thực hiện việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp trong các trường hợp sau đây:

a) Công dân Việt Nam mà không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú;

b) Người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam.

2. Sở Tư pháp thực hiện việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp trong các trường hợp sau đây:

a) Công dân Việt Nam thường trú hoặc tạm trú ở trong nước;

b) Công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài;

c) Người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam.

3. Giám đốc Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Giám đốc Sở Tư pháp hoặc người được ủy quyền ký Phiếu lý lịch tư pháp và chịu trách nhiệm về nội dung của Phiếu lý lịch tư pháp.

Trong trường hợp cần thiết, Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp có trách nhiệm xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích khi cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

4. Việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp phải được ghi vào sổ cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định.”

Điều 45 về thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 quy định:

“1. Người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp nộp Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp và kèm theo các giấy tờ sau đây:

a) Bản chụp giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp;

b) Bản chụp sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

2. Cá nhân nộp Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp và các giấy tờ kèm theo tại các cơ quan sau đây:

a) Công dân Việt Nam nộp tại Sở Tư pháp nơi thường trú; trường hợp không có nơi thường trú thì nộp tại Sở Tư pháp nơi tạm trú; trường hợp cư trú ở nước ngoài thì nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú trước khi xuất cảnh;

b) Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú; trường hợp đã rời Việt Nam thì nộp tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia.

3. Cá nhân có thể uỷ quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Việc uỷ quyền phải được lập thành văn bản theo quy định của pháp luật; trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì không cần văn bản ủy quyền.

4. Cơ quan, tổ chức quy định tại Khoản 3 Điều 7 của Luật này khi có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì gửi văn bản yêu cầu đến Sở Tư pháp nơi người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp thường trú hoặc tạm trú; trường hợp không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì gửi đến Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia. Văn bản yêu cầu phải ghi rõ địa chỉ cơ quan, tổ chức, mục đích sử dụng Phiếu lý lịch tư pháp và thông tin về người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo quy định tại Khoản 1 Điều 42 của Luật này.

5. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định mẫu Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp”.

Điều 48 về thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp quy định:

“1. Thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp không quá 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ. Trường hợp người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp là công dân Việt Nam đã cư trú ở nhiều nơi hoặc có thời gian cư trú ở nước ngoài, người nước ngoài quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 47 của Luật này, trường hợp phải xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích quy định tại Khoản 3 Điều 44 của Luật này thì thời hạn không quá 15 ngày”.

Như vậy, theo quy định tại Điều 41 Luật lý lịch tư pháp, Phiếu lý lịch tư pháp quy định trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo là phiếu số 1. Việc yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp, trình tự, thủ tục, thời hạn, thẩm quyền cấp được quy định cụ thể ngay trong Luật Lý lịch tư pháp qua một số điều trích dẫn như trên. Bạn đọc quan tâm có thể tham khảo để giúp việc thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định 162/2017/NĐ-CP được thuận lợi.

Nguyễn Khắc Huy