Lễ hội Tháp Bà Ponagar tưởng nhớ Thiên Y A Na Thánh Mẫu
Ngày đăng: 21/04/2022
Chuẩn bị các nghi thức trong lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2022
Ngày 21/4, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa tổ chức khai mạc Lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2022 nhằm tưởng nhớ Thiên Y Thánh mẫu Ana và cầu quốc thái dân an.

Lễ hội Tháp Bà Pônagar ở tỉnh Khánh Hòa còn gọi là Lễ hội Thiên Y A Na Thánh Mẫu hay Lễ vía Bà là di sản văn hoá phi vật thể, thuộc loại hình Lễ hội truyền thống, đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (năm 2012).

Lễ hội Tháp Bà diễn ra hàng năm tại di tích lịch sử-văn hóa quốc gia Tháp Bà Pônagar, trên đồi Cù Lao, thuộc phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa nhằm cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình yên.

Ngoài người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận tham gia lễ hội, còn có sự tham gia của người Kinh (Việt) và một số dân tộc thiểu số khác ở các tỉnh, thành thuộc khu vực miền Trung và Tây Nguyên gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Đắc Lắc, Gia Lai, Lâm Đồng, Thừa Thiên-Huế ...

Nữ thần Pônagar là Mẹ xứ sở của người Chăm, có tên gọi đầy đủ là Yang Pô Inư Nagar. Vốn mang trong mình tâm thức thờ Mẫu, khi người Việt vào sinh sống ở vùng đất Khánh Hòa (khoảng năm 1653) đã “tiếp biến” tín ngưỡng này và gọi là Thiên Y A Na Thánh Mẫu.

Các truyền thuyết về Thiên Y A Na Thánh Mẫu đã được ông Phan Thanh Giản, một vị quan Thượng thư bộ Lễ dưới triều Nguyễn ghi chép, tổng hợp, biên soạn và cho khắc bia dựng vào năm 1856 ở tại di tích Tháp Bà Pônagar. Các vua triều Nguyễn đã ban các sắc phong cho Thiên Y Thánh Mẫu là Thượng đẳng thần.

Lễ hội diễn ra từ ngày 20-23/3 Âm lịch hàng năm, gồm những nghi thức chính như lễ thay y, lễ thả hoa đăng, lễ cầu quốc thái dân an, lễ cúng ngọ, tế lễ cổ truyền, lễ Khai Diên, lễ Tôn Vương, lễ dâng hương tạ Mẫu…

Lễ thay y được tiến hành đúng giờ Ngọ ngày 20/3 âm lịch. Vị chủ tế dâng trầm hương, nhang, hoa, trái cây và khấn vái. Các thành viên trong đội thay y thực hiện việc sắp xếp đồ lễ trong dinh và cởi xiêm y, mũ miện để tắm tượng. Nước dùng để tắm tượng được nấu từ rượu với nước và các cánh hoa có mùi thơm (5 loại). Sau khi tắm, tượng Mẹ được mặc xiêm y và mũ miện mới do người dân dâng cúng.

Những bộ xiêm y sau khi thay được giặt sạch, rồi đưa ra trưng bày để du khách và nhân dân chiêm ngưỡng. Nước và khăn dùng để tắm tượng cho Mẹ xong được người dân xin về để lấy phước hoặc rửa mặt hay tắm cho trẻ con, hoặc tưới lên ghe thuyền, ... với mong muốn để trừ tà, trẻ con hay ăn và khỏe mạnh, người bệnh mau lành, những ghe, thuyền ra khơi gặp nhiều may mắn, ...

Lễ thả hoa đăng diễn ra từ 19-21 giờ ngày 20/3. Nến và hoa được thả trên sông để cầu siêu cho các vong linh, với hơn mười ngàn chiếc hoa đăng nhỏ và năm hoa đăng lớn ...

Người dân thắp hương tưởng nhớ Thiên Y Thánh mẫu Ana, người được dân gian tôn vinh là Mẹ xứ sở của vùng đất Nam Trung Bộ

Lễ cầu quốc thái dân an bắt đầu từ 6-8 giờ ngày 21/3 do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Khánh Hòa thực hiện. Đây là đại lễ cầu cho đất nước thanh bình, phồn vinh, nhân dân an vui, hạnh phúc.

Lễ cúng Ngọ, cúng thí thực diễn ra từ 12-12 giờ 30 ngày 21/3 tại ngôi tháp chính, để dâng Mẫu và bố thí cho các cô hồn …

Tế lễ cổ truyền diễn ra từ 4-6 giờ ngày 23/3, do các cụ hào lão đình Cù Lao dâng lễ theo nghi thức cổ truyền, rất trang nghiêm.

Lễ Khai Diên, lễ Tôn Vương: diễn ra từ 6-9 giờ ngày 23/3. Sân lễ được dựng trước Mandapa (tiền đình), mặt hướng vào điện thờ Đức Thánh Mẫu. Vật phẩm dâng cúng gồm có: hương đăng, trầu cau, rượu, vàng bạc, một phong bì đựng tiền (tiền này không bắt buộc, cúng nhiều ít là do Ban Tổ chức) và một khay để hai roi chầu.

Hát thứ lễ là hát cúng Bà và hát cho thần linh xem, do các đoàn Hát Bội thực hiện. Trong lúc diễn, yêu cầu diễn viên phải diễn nghiêm túc và tích tuồng được diễn cũng phải được chọn lựa và theo dõi gắt gao. Lễ Tôn Vương được cử hành rất trang trọng trước khi tuồng kết thúc và trở thành một lệ bắt buộc phải có khi hát ở lễ hội Tháp Bà. 

Lễ Dâng hương tạ Mẫu diễn ra từ 23-24 giờ ngày 23/3. Múa Bóng là một hoạt động đặc sắc trong lễ hội Tháp Bà. Chương trình múa bóng và hát văn diễn ra trong suốt các ngày lễ hội. Một mùa lễ hội, trong và ngoài tỉnh có khoảng hơn 100 lượt đoàn vào tháp dâng lễ Mẫu, sau đó biểu diễn múa Bóng và hát Văn ở sân khấu trước tháp chính.

Trong ngày khai mạc, hàng nghìn người hành hương của tỉnh Khánh Hòa và các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai…về dự lễ hội

Đến nay, Múa Bóng vẫn được người dân Nha Trang duy trì thực hiện trong các ngày lễ. Theo các cụ hào lão, ngày xưa xóm Bóng là nơi các vũ nữ Chăm về ở để biểu diễn Múa Bóng tại di tích và Lễ hội Tháp Bà. Tuy nhiên, ngày nay các đoàn người Chăm về dự lễ hầu như chỉ hành lễ mà ít tham gia Múa Bóng, còn các đoàn Múa Bóng trong và ngoài tỉnh Khánh Hòa ít nhiều đã có những sự sáng tạo và ảnh hưởng của Hầu Đồng ở miền Trung và miền Bắc.

Trong những ngày diễn ra lễ hội còn có những buổi biểu diễn các tích tuồng cổ liên quan đến Thiên Y A Na Thánh Mẫu.

Hội thi rước nước và bày mâm hoa quả dâng Mẫu diễn ra từ 10-15 giờ ngày 23/3. Hội này dành cho các đoàn về dự lễ hội tháp Bà. Nước được Ban tổ chức lấy từ chùa Hang về để trong các vại đặt dưới Mandapa. Các đoàn cử người thi đội chum nước từ Mandapa rước nước lên tháp để dâng Mẫu.

Năm nay, Lễ hội Tháp Bà Ponagar đã được tỉnh Khánh Hòa tổ chức khai mạc ngày 21/4 (tức ngày 21/3 năm Nhâm Dần), tại thành phố Nha Trang.

Ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, đánh trống khai mạc lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2022

Phát biểu khai mạc lễ hội, ông Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh Tháp Bà Ponagar Nha Trang là di sản văn hóa tiêu biểu, nổi bật của tỉnh Khánh Hòa nói riêng và của cả nước nói chung, được xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1979 và Lễ hội Tháp Bà Ponagar Nha Trang được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2012.

Đây là niềm vinh dự, tự hào của tỉnh Khánh Hòa, đồng thời cũng là trách nhiệm của chính quyền và nhân dân Khánh Hòa trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị cũng như tôn vinh, quảng bá nét đẹp và giá trị tâm linh, tín ngưỡng của di tích đến với người dân vùng Nam Trung bộ, du khách trong nước và quốc tế.

Theo kế hoạch của tỉnh Khánh Hòa, gắn với Lễ hội Tháp Bà Ponagar và dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, tỉnh sẽ chức nhiều sự kiện, hoạt động với chủ đề "Hành trình huyền thoại Mẹ xứ sở Thiên Y Ana."

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên năm nay số lượng tín đồ, du khách hành hương và người dân về tham dự lễ hội giảm đáng kể so với những năm trước. Các ngành chức năng tỉnh Khánh Hòa đã chuẩn bị tốt các điều kiện để đảm bảo về y tế, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự trong những ngày diễn ra lễ hội./.

 

TTXVN