Hành động của Phật giáo với vấn đề môi trường
Ngày đăng: 25/10/2022
Nhiều năm qua, Việt Nam và thế giới đang phải chịu những tác động to lớn từ ô nhiễm môi trường. Ô nhiễm bủa vây người con người từ nguồn nước, khí thở, đất đai xói mòn, biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Gắn liền với đó là thiên tai liên tiếp, dồn dập xuất hiện như bão, lũ, sóng thần, động đất…Đây là những hậu quả do việc con người người can thiệp quá sâu vào thiên nhiên khiến trât tự bị thay đổi.

Sự tàn khốc của thiên tai

Tháng 9 và tháng 10/2022, miền Trung Việt Nam liên tiếp hứng chịu thiên tai do mưa bão gây thiệt hại lớn về người và tài sản. 2 năm trước, khu vực này cũng dồn dập bị thiên tai tàn phá khi bão lũ đổ về khiến giao thông chia cắt, hàng vạn ngôi nhà bị hư hỏng, đời sống kinh tế xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đợt lũ lịch sử năm 2020 khiến hàng người hộ nghèo ở miền Trung sau nhiều năm chưa chắc đã khắc phục hết hậu quả thì đại dịch Covid-19 bùng phát cướp đi sinh mạng của hàng vạn đồng bào, phát triển kinh tế bị gián đoạn, đời sống khó khăn thêm chồng chất. Đây là những cái tát đau đớn mà chúng ta phải đón nhận từ việc can thiệp quá sâu và tàn phá môi trường.

Số liệu từ Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai cho thấy, chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm của năm 2021 đã xảy ra 2 cơn áp thất, 2 cơn bão trên biển Đông. 30 trận mưa lớn, lũ cục bộ, trong đó có 2 trận lũ ống, lũ quét, 106 vụ sạt lở bờ sông và 5 đợt nắng nóng. 168 trận mưa đá, giông, lốc, sét. 69 trận động đất nhẹ. Thiên tai khiến cho 29 người chết, 39 người bị thương. Trước đó, năm 2020, thiên tai diễn biến phức tạp, bất thường với phạm vi cả nước. Theo đó, năm 2020, thiên tai đã làm gần 400 người chết, mất tích và trên 800 người bị thương; Ước tính thiệt hại về kinh tế hơn 37.400 tỷ đồng. Những con số đau lòng này là hậu quả của 576 đợt/trận thiên tai, ví như: 14 cơn bão trên Biển Đông. 265 trận dông, lốc, mưa lớn trên 49 tỉnh/TP, trong đó 9 đợt trên diện rộng tại 21 tỉnh. 120 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất. Đặc biệt là đợt mưa lũ lớn lịch sử từ ngày 6-22/10 tại khu vực Trung Bộ, nhất là tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế. 90 trận động đất và các đợt hạn hán, sạt lở bờ sông, bờ biển…

Không chỉ gây ảnh hưởng nặng nề ở Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới cũng phải đối mặt với vấn nạn ô nhiễm môi trường và thiên tai khốc liệt, ví như cơn bão Ida càn quét nước Mỹ vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9/2021 gây lũ lụt lớn tại New York. Đây là tổn thất lớn nhất của Mỹ do thiên tai gây ra trong năm 2021. Tại châu Âu, vào tháng 7/2021, trận lũ lụt lớn xảy ra ở Đức, Bỉ và một số quốc gia lân cận gây thiệt hại hàng tỷ USD tỷ USD.

Theo thống kê của Tập đoàn tài sản bảo hiểm Swiss Re đưa ra vào ngày 2/8 thì trong nửa đầu năm 2022, ước tính thiệt hại cho thiên tai gây ra trên toàn thế giới vào khoảng 72 tỷ USD. Tập đoàn bảo hiểm này nhận định biến đổi khí hậu đã gây ra những tác động rõ rệt với nhiều hiện tượng thời tiết cực đoạn gia tăng như lũ lụt chưa từng thấy ở Australia và Nam Phi. Được biết, trong nửa đầu năm 2021, thiên tai gây thiệt hại ước tính khoảng 91 tỷ USD trên phạm vi toàn cầu.

Sự bình đẳng trong quan điểm của Phật giáo về đời sống, tự nhiên

Theo quan niệm Phật giáo, con người không phải là chủ thể của thế giới nên không thể có đặc quyền muốn cải tạo và biến đổi môi trường sống theo ý mình. Mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên là mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau. Cần phải biết quý trọng, giữ gìn, vun đắp cho môi trường sống thì con người mới có thể tồn tại lâu dài. Do đó, chúng ta không thể sống tách mình ra khỏi vạn vật và thiên nhiên, khi một bên bị tiêu vong thì bên kia cũng không thể tồn tại. Điều đó đã trở thành quy luật chung. Trong kinh Từ Bi có đoạn viết: “...Đem an vui đến cho muôn loài. Cầu chúng sinh thảy đều an lạc. Không bỏ sót một hữu tình nào dù là kẻ ốm yếu hoặc người khỏe mạnh, giống lớn to hoặc loại dài ca, thân trung bình hoặc ngắn, nhỏ, thô. Có hình tướng hay không hình tướng. Ở gần ta hoặc ở nơi xa. Đã sanh rồi hoặc sắp sanh ra. Cầu cho tất cả đều an lạc...”. Học thuyết Duy Thức trong Phật giáo cũng chỉ ra rằng, tâm thức của con người có mối quan hệ chặt chẽ với thế giới vật lý như sông ngòi, núi rừng và đất đai. Chính vì vậy, sự ô nhiễm và suy thoái của môi trường sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến sự tồn tại của mọi dạng sống trên trái đất và dẫn tới sự khổ đau của con người.

Giáo lý Phật giáo dạy con người phải biết sống theo Tứ vô lượng (từ, bi, hỷ, xả), biết giữ “ngũ giới” và biết làm “thập thiện”. Lối sống nhân văn, nhân đạo trong Phật giáo có ý nghĩa răn dạy con người phải ứng xử hài hòa với thiên nhiên, biết tôn trọng sinh mệnh của vạn vật, từ những loài nhỏ nhất như cây cỏ, côn trùng.

Lối sống “thiểu dục, tri túc” (ham muốn hạn chế, hiểu thế nào mới đủ) mà Phật giáo đề cao cũng có ý nghĩa răn dạy con người phải biết trân trọng những gì mình có, không ham hưởng thụ, tiêu dùng quá mức, không được vì lòng tham mà làm tổn hại đến vạn vật. Tuy nhiên, con người hiện đại khi đạt đến trình độ khoa học kỹ thuật cao, tìm hiểu và khám phá thành công hầu hết mọi sự vật, hiện tượng trên thế giới và một phần ngoài vũ trụ nên chúng ta lầm tưởng rằng mình đã chế ngự được thiên nhiên, bắt thiên nhiên phải phục tùng cho những tham muốn. Hậu quả là vấn nạn môi trường đang giáng cái tát chí tử lên chính con người và các thế hệ mai sau.

Quan niệm sống của nhà Phật rõ ràng đã giúp con người nhận thức sâu sắc và thấu đáo hơn về trách nhiệm của mình đối với môi trường sống. Một lối sống giản dị, tiết kiệm, hài hòa giữa danh lợi, hài hòa với thiên nhiên sẽ tránh được sự “nổi giận” của thiên nhiên với bão lũ, hạn hán, sa mạc hóa, động đất, nước biển dâng,…

Năm 2011, nhân ngày Phật đản, Hòa thượng Thích Phổ Tuệ - Nguyên Đệ tam Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã gửi thông điệp về vấn nạn môi trường và lời kêu gọi bảo vệ môi trường tới tất cả Phật tử, rằng: “Thế giới nói chung và đất nước ta nói riêng đang đứng trước nhiều khó khăn, tác hại do ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu, môi trường, nguồn tài nguyên ngày một cạn kiệt, nhiệt độ trái đất gia tăng, hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh, sóng thần, động đất, nước biển dâng,… đang là những thảm họa đe dọa đến sự an nguy của sự sống con người… Tôi kêu gọi mỗi Tăng ni, Phật tử chúng ta cần phải hiểu rõ bản chất của giáo lý Phật Đà về luật vô thường, về tôn trọng sự sống và mối quan hệ hữu cơ giữa con người và thiên nhiên, để chung tay với cộng đồng xã hội bảo vệ môi trường xã hội và sự an nguy của trái đất".

Hội thảo Phật giáo và phát triển bền vững trong khuôn khổ Đại lễ Vesak Liên hợp quốc năm 2019 tại Tam Chúc, Hà Nam

Phật giáo chung tay bảo vệ môi trường

Bảo vệ môi trường không đơn thuần là những giải pháp của các nhà quản lý, mà còn là sự chung tay, góp sức của toàn xã hội. Ngoài ra, nó còn liên quan mật thiết đến nền tảng đạo đức, yếu tố văn hóa và gốc rễ tinh thần mà các tôn giáo đóng vai trò quan trọng. Trong đó không thể nhắc tới vai trò của Phật giáo.

Năm 2015, tại Hội nghị toàn quốc “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng gửi thông điệp: “Chúng tôi kêu gọi mỗi người bằng hành động thiết thực, cam kết bảo vệ môi trường bền vững, đó cũng là sự bảo vệ chính mình. Hãy cùng nhau làm cho môi trường xung quanh chúng ta xanh hơn, sạch hơn và đẹp hơn". Hưởng ứng tinh thần đó, gần 10 năm, các Giáo hội Phật giáo các địa phương, các năng, ni, phật tử, cơ sở thờ tự…ở nhiều nơi có những hoạt động tích cực bảo vệ môi trường. 

TP Hà Nội là một những địa phương mà Phật giáo có nhiều đóng góp trong việc bảo vệ môi trường. Được biết, chùa Xuân Trạch (Đông Anh) là cơ sở thờ tự đầu tiên khởi phát mô hình “Chùa Xanh” bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Tại quận Hai Bà Trương, huyện Sóc Sơn các tăng, ni, phật tử xây dựng nếp sống văn minh, hạn chế đốt vàng mã trong cơ sở thờ tự. Tuyên truyền việc hạn chế đốt rơm, rạ bằng chế phẩm sinh học tại các huyện như Đông Anh, Đan Phượng. Ngày 9/6/2022, Mặt trận tổ quốc TP Hà Nội phối hợp với GHPGVN TP Hà Nội tổ chức “Tháng hành động vì môi trường” năm 2022 tại Khu di tích chùa Trăm Gian, huyện Chương Mỹ.

Trong gần 8 năm, kể từ sau Hội nghị toàn quốc về “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, được tổ chức vào tháng 12/2015, đến nay TP Hà Nội đã có 3.491 mô hình, cách làm tốt trong bảo vệ môi trường đã được các vị chức sắc tôn giáo khởi xướng và triển khai hiệu quả ở khắp các quận, huyện.

Tìm hiểu cho thấy, nhiều mô hình, cách làm hay trong bảo vệ môi trường của Phật giáo ra đời trong những năm qua, ví như TP. Cần Thơ có mô hình “Chủ động trong việc thu gom và xử lý rác thải đúng nơi quy định đảm bảo vệ sinh môi trường; trồng nhiều cây xanh, hoa kiểng; hạn chế khói nhang khi phật tử lễ Phật; vệ sinh cảnh quan môi trường nơi tự viện, ăn ở sinh hoạt để tạo môi trường xanh - sạch - đẹp” tại Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam. Còn tại tỉnh Đồng Tháp, mô hình "Câu lạc bộ Phật tử thu gom rác thải, xây dựng hố rác gia đình, làm hàng rào, cột cờ, trồng hoa kiểng"; "trồng cây xanh, thắp sáng đường quê, sử dụng nước hợp vệ sinh, xóa ao tù lắng đọng, thu gom, xử lý rác thải" những năm qua hoạt động rất tích cực, thu hút nhiều tầng lớp nhân dân tham gia. Tỉnh Quảng Nam có mô hình "Tổ đoàn kết tôn giáo với công tác bảo vệ môi trường" tại chùa Long Quang (thị trấn Núi Thành)…

Tiếp tục hưởng ứng những hoạt động bảo vệ môi trường, Phật giáo nhiều nơi liên tiếp triển khai những việc làm thiết thực. Ngày 5/6/2022, MTTQVN huyện Chợ Gạo phối hợp với Ban trị sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang, BTS PG huyện Chợ Gạo tổ chức Lễ phát động trồng 2.000 cây giáng hương do Hội Từ Thiện Thiền Tôn Phật Quang tài trợ tại Nhà Văn hóa liên ấp Tân Hòa – Tân  Thành – Tân Đông thuộc xã Tân Thuận Bình, nhằm hưởng ứng Ngày môi trường thế giới 05/06 và hướng tới chào mừng Đại hội Phật giáo Tiền Giang nhiệm kỳ 2022 – 2027.

Bảo vệ môi trường của Phật giáo không chỉ bó hẹp trong phạm vì quốc gia mà còn có hành động giao lưu quốc tế. Đơn cử, năm 2022, với chủ đề "Chỉ một trái đất", nhằm truyền tải ý nghĩa thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các chính sách, hoạt động hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn…, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, được chọn là điểm đến thăm của phái đoàn Phật giáo Quốc tế (IBC) để chia sẻ về vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học, động vật hoang dã và bảo vệ môi trường tại Việt Nam. Ban lãnh đạo cùng tăng, ni sinh Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội coi đây là sự kiện có ý nghĩa. Theo đó, học viện sẽ cùng Tổ chức Phật giáo Thế giới chung tay kêu gọi tăng, ni, Phật tử, tuyên truyền trong việc bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, cũng như kêu gọi người dân không tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã, có ý thức bảo vệ môi trường.

Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, Phật giáo gắn bó, đồng hành cùng các ngành, các cấp và nhân dân đóng góp tích cực vào công tác bảo vệ môi trường với những cách thức triển khai sáng tạo, phù hợp với giáo lý, giáo luật của tôn và yêu cầu thực tiễn đặt ra./.

 

Bùi Quý