Hà Tĩnh: Phát huy vai trò của chức sắc, tín đồ Phật giáo trong an sinh xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân
Ngày đăng: 12/07/2022
Đại đức Thích Chánh Cường,Trưởng Ban Trị sự Phật giáo huyện Kỳ Anh tặng cơm chay cho y, bác sỹ phòng chống dịch tại bệnh viện huyện
Trong các thời kỳ cách mạng, chức sắc, đồng bào các tôn giáo Hà Tĩnh luôn góp phần cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, xây dựng và bảo vệ quê hương, Tổ quốc. Trong dòng chảy đó, Phật giáo đã phát huy truyền thống gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, với phương châm “nhập thế giúp đời” chức sắc, tăng ni, Phật tử Hà Tĩnh thời gian qua đã tích cực trong công tác thiện nguyện, giữ gìn văn hóa truyền thống góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đem lại những giá trị nhân văn sâu sắc cho cộng đồng.

Phật giáo du nhập vào Hà Tĩnh từ rất sớm và nhanh chóng trở thành nhu cầu tinh thần không thể thiếu của một bộ phận người dân. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 300 ngôi chùa, trong đó 125 ngôi chùa sinh hoạt Phật giáo, có 51 tăng, ni trụ trì các chùa với trên 20.000 phật tử quy y tam bảo; Các hoạt động Phật sự của Phật giáo các cấp luôn chấp hành pháp luật, đảm bảo các quy định hiến chương, giáo luật.

Đảng và Nhà nước ta luôn đánh giá cao vai trò của các tôn giáo trong trong quá trình phát triển đất nước, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10/1/2018 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác tôn giáo trong tình hình mới. Để đáp ứng nhu cầu tinh thần của Nhân dân, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Hà Tĩnh luôn thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với tôn giáo, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quan tâm đến các tổ chức, hoạt động của các tôn giáo. Đại đa số chức sắc, nhà tu hành, chức việc, đồng bào các tôn giáo tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sống “Tốt đời, đẹp đạo”, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động và các hoạt động từ thiện, nhân đạo, an sinh, giáo dục, y tế.

Với hạnh nguyện "Từ bi cứu khổ, vô ngã vị tha" của đạo Phật gắn với truyền thống "lá lành đùm lá rách" của dân tộc Việt Nam, Phật giáo đã cảm hóa được con người, dẫn dắt con người làm điều thiện, bỏ qua lối sống vị kỷ để quan tâm đến mọi hoàn cảnh khó khăn. Hoạt động ghi dấu ấn đậm nét nhất trong công tác an sinh xã hội của Phật giáo ở đó là tham gia vào hoạt động “xóa đói, giảm nghèo” cho người dân. Trong 5 năm qua, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh kết hợp với chức sắc, tăng, ni cùng Phật tử làm tốt công tác từ thiện nhân đạo tại địa phương, bằng nhiều hình thức để liên kết mọi thành phần trong xã hội cùng tham gia công tác từ thiện, cứu trợ nhân đạo, giúp đỡ gia đình chính sách, thương binh liệt sĩ, nạn nhân chất độc da cam, trẻ em nghèo vượt khó, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn... với kinh phí gần 16 tỷ đồng. Trong đó, Ban Trị sự Phật giáo huyện Đức Thọ đã làm từ thiện 1,9 tỷ đồng bao gồm các hoạt động phát quà cho trẻ mồ côi, người tàn tật; gia đình chính sách ảnh hưởng chất độc da cam; khám chữa bệnh cho người nghèo; nấu cháo từ thiện tại Bệnh viện Đa khoa Đức Thọ, hỗ trợ bệnh nhân chạy thận và bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ban Trị sự Phật giáo Thành phố và phật tử kết hợp với Ủy ban mặt trận Tổ quốc thành phố tổ chức chương trình “Tết ấm tình người” tặng quà cho trại trẻ mồ côi SOS, tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam, Hội người mù của tỉnh mỗi khi tết đến xuân về; Ban Trị sự Phật giáo huyện Kỳ Anh, huyện Can Lộc chú ý đến hoạt động làm nhà nhân ái, đã xây dựng 06 nhà tình thương cho người nghèo, tặng xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó, ủng hộ quỹ khuyến học, ủng hộ tặng quà cho các xã xây dựng nông thôn mới…

Ban Trị sự Phật giáo tỉnh tặng quà hỗ trợ người dân vùng lũ, năm 2020

Hà Tĩnh là địa phương có thời tiết khắc nghiệt, nhiều trận bão, lũ liếp xảy ra trong những năm gần đây làm ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, nhà cửa của Nhân dân tại các địa phương. Giáo hội Phật giáo tỉnh đã kết nối các đoàn từ thiện trong nước và nước ngoài về hỗ trợ lũ lụt với số tiền hơn 19 tỉ đồng, tổ chức các hoạt động cứu trợ lũ lụt kịp thời như: phát gạo, mì tôm, nước uống cho nhân dân địa phương vùng lũ. Khi lũ đi qua, tăng ni, phật tử huyện Hương Khê, Hồng Lĩnh, Đức Thọ, Nghi Xuân kêu gọi nguồn kinh phí để tặng kinh phí cho các gia đình bị lũ cuốn nhà và tài sản; gói hàng ngàn chiếc bánh chưng gửi tặng đồng bào Hà Tĩnh, Quảng Bình bị thiên tai lũ lụt.

Nhân dịp ngày 27/7 hàng năm, để tưởng nhớ đến các anh hùng Liệt sĩ đã hy sinh thân mình để bảo vệ nền độc lập tự do cho dân tộc, Ban trị sự Phật giáo Tỉnh và Ban trị sự các huyện thị đã kết hợp cùng với các ban ngành đoàn thể các cấp tổ chức dâng hương ở nghĩa trang Liệt sĩ Núi Nài (thành phố Hà Tĩnh), nghĩa trang Nầm (huyện Hương Sơn), tổ chức lễ cầu siêu “Thắp nến tri ân” ở khu di tích nghĩa trang ngã Ba Đồng Lộc, nghĩa trang Trường Sơn và các nghĩa trang liệt sĩ cấp huyện. Năm 2019, 2022 tại nghĩa trang liệt sỹ Nầm huyện Hương Sơn, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh tổ lễ Đại lễ cầu siêu cho các chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam đã hy sinh cho công tác nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Lào qua đó thể hiện được tinh thần đạo pháp luôn đồng hành cùng dân tộc. Bên cạnh đó, Ban Trị sự Phật giáo đã kêu gọi ủng hộ xây dựng nghĩa trang liệt sĩ,  tặng quà đến các gia đình chính sách, thăm và động viên các gia đình chiến sĩ hi sinh tại Rào Trăng 3.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ủy ban mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh về ủng hộ Quỹ Vaccin phòng chống dịch Covid-19, Ban Trị sự Phật giáo cấp tỉnh đã trao 70 triệu đồng và 5.000 khẩu trang y tế cho đội ngũ nhân viên y tế làm công tác phòng chống dịch. Trong công tác phòng, chống dịch bệnh, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo các cấp đã trao tặng tiền và nhiều trang thiết bị, nhu yếu phẩm ước tính trị giá hơn 1,5 tỷ đồng, nấu hàng ngàn suất cơm chay tặng  người cách ly y tế… góp phần chung sức cùng toàn xã hội phòng chống dịch Covid-19.

Với tinh thần nhập thế độ đời, tăng, ni trụ trì một số chùa trên địa bàn trong tỉnh đã tổ chức các hoạt động dạy học Tiếng Anh, học võ thuật miễn phí dành cho trẻ em nghèo hiếu học, cầu nguyện tiếp sức mùa thi cho các sĩ tử an tâm bước vào ngày thi. Mỗi dịp vào kỳ nghỉ hè, một số chùa, như: Chùa Hữu Lạc (huyện Kỳ Anh), chùa Phúc Linh (huyện Thạch Hà), chùa Đà Liễu (huyện Nghi Xuân), Chùa Giai Lam (huyện Thạch Hà), chùa Nhiễu Long (huyện Hương Sơn) đã tổ chức các “Khóa tu mùa hè” cho các thanh thiếu niên. Qua khóa tu, các bạn thanh thiếu nhi được rèn luyện kỹ năng sống, học và thực hành các đức tính hiếu thuận với cha mẹ, tính hướng thiện của Phật giáo. Đây là sân chơi bổ ích, các con tạm quên máy tính, mạng xã hội để tâp làm người có ích cho cộng đồng. Đến nay đã có 1.000 thanh thiếu niên tham gia, khóa tu đã để lại ấn tượng tốt đẹp cho các phụ huynh học sinh và cộng đồng xã hội. Hiện nay, với mong muốn hướng đến đời sống lành mạnh, trong sáng trong hôn nhân gia đình và giữ gìn Tam quy ngũ giới của Phật dạy, giúp cho thế hệ trẻ thăng tiến trong đời sống hạnh phúc gia đình, một số chùa đã tổ chức lễ hằng thuận theo phát tâm của Phật tử.

Với những đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội, có thể khẳng định rằng Phật giáo luôn có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội hiện nay. Mặc dù còn những hạn chế nhất định song về cơ bản đã góp phần cùng cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể ổn định đời sống nhân dân, đặc biệt là giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn thay đổi cuộc sống. Hoạt động an sinh xã hội của Phật giáo ngày càng rộng lớn, phong phú và có chiều sâu.

Để phát huy hơn nữa vai trò của chức sắc, tín đồ Phật giáo trong công tác an sinh xã hội, thời gian tới cấp ủy, chính quyền các địa phương cần quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Thực hiện tốt các chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với tôn giáo. Chủ trương, chính sách của Đảng đối với tôn giáo đã được cụ thể hóa trong Hiến pháp, pháp luật, đặc biệt là trong Luật Tín ngưỡng tôn giáo, tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo phát triển và vừa khẳng định quan điểm nhất quán là tông trọng, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, xây dựng khối đoàn kết dân tộc, phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp trong tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo theo quan điểm trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ “Phát huy những nhân tố tích cực, nhân văn trong các tôn giáo, tín ngưỡng”, những văn hóa đạo đức tốt đẹp của tôn giáo vào giữ gìn và nâng cao đạo đức truyền thống xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư, góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội, phê phán và ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, mê tín, dị đoan; Tăng cường công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức về vai trò của Phật giáo đối với thực hiện an sinh xã hội bằng cách sử dụng các phương tiện truyền thông, tiền hành các hoạt động từ thiện công khai minh bạch, có tổ chức, truyền thông cho mọi người dân và phật tử hiểu thêm Phật giáo là đạo của từ bi, của lòng nhân ái và đồng hành cùng dân tộc. Phật giáo cùng Nhà nước và xã hội đã và đang nỗ lực giải quyết những vấn đề trong xã hội góp phần xây dựng cuộc sống ngày một ấm no, hạnh phúc. Mặt trận Tổ quốc và các ngành liên quan tiến hành sơ, tổng kết các chương trình phối hợp với các tổ chức tôn giáo trong công tác an sinh xã hội để có cơ sở đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nhân rộng các mô hình tiêu biểu./.

Chu Thanh Hoài

Ban Dân vận Tỉnh ủy Hà Tĩnh