Chùa Vạn Phúc, huyện Sóc Sơn làm tốt công tác bảo vệ môi trường
Ngày đăng: 02/11/2021Nằm ở thôn Đoài, xã Phủ Lỗ, huyện Sóc Sơn, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 25km về phía Bắc, chùa Vạn Phúc được xây dựng cuối thời nhà Lý, đầu thời nhà Trần, từng là nơi bao bọc nghĩa quân của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn trong kháng chiến chống giặc Nguyên Mông lần thứ nhất.
Đến thế kỷ XVIII, ngôi chùa lại trở thành nơi ẩn tu của vị quan Ngô Thì Nhậm. Về sau, khi trở thành trung thần lỗi lạc phò tá vua Quang Trung, năm 1798, Ngô Thì Nhậm đã đúc tặng đại hồng chung để tỏ lòng ghi nhớ công đức năm xưa của nhà chùa.
Thời kỳ cách mạng chống Pháp, chùa tiếp tục là nơi trú ẩn của nhiều chiến sĩ cách mạng trung kiên. Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, chùa từng bị phá hủy hoàn toàn và được xây dựng lại trên nền ngôi chùa cũ vào năm 1997. Công trình xây mới vẫn lưu giữ nhiều nét kiến trúc truyền thống, vừa uy nghi tráng lệ, vừa hài hòa, xanh mát bên bờ dòng sông Cà Lồ.
Trụ trì ngôi chùa hiện tại là Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương, Trưởng ban Hoằng pháp Phật giáo thành phố Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học Hà Nội. Trong 20 năm qua, Thượng tọa luôn dành sự quan tâm cho công tác kiến thiết để ngôi chùa vừa đáp ứng nhu cầu tu học của chư tăng, Phật tử, vừa đóng góp vào việc lan tỏa các giá trị của Phật pháp trong đời sống xã hội.
Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ, Trưởng ban Hoằng pháp Phật giáo thành phố Hà Nội, Trụ trì chùa Vạn Phúc
Nhận thấy đây là vùng đất sơn thủy hữu tình, thế đất vượng khí, nhưng đang phải đối diện với thách thức về môi trường khi tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng ở khu vực ven đô và sự xuất hiện ngày càng nhiều các nhà máy, cụm công nghiệp, Thượng tọa đã đã cùng các cụ cao niên trong làng kêu gọi người dân, Phật tử chung tay gìn giữ môi trường sạch sẽ và trồng nhiều cây xanh. Cảnh quan ngôi chùa cũng nhờ vậy trở nên khang trang, sạch đẹp hơn từng ngày.
Trong khuôn viên chùa duy trì thói quen phân loại rác thải thành rác hữu cơ và rác tái chế. Rác tái chế được nhà chùa đem đổi lấy chi phí phục vụ công tác vệ sinh môi trường, rác hữu cơ được đem ủ thành phân bón cho cây. Mô hình này cũng được nhà chùa phát động, khuyến khích bà con, Phật tử cùng thực hiện tại hộ gia đình để giảm thiểu việc xả rác ra môi trường.
Bên cạnh đó, sư trụ trì tích cực phát động trồng cây xanh bao quanh và trong khuôn viên chùa để tạo bóng mát và lan tỏa năng lượng an lành chốn thiền môn. Nhà chùa đã có cách làm sáng tạo là xin rơm rạ của bà con nông dân sau thu hoạch, cùng với vỏ dừa được đem về, chặt nhỏ bón vào các gốc cây, vừa có tác dụng giữ nước cho đất, vừa như phân bón hữu cơ cung cấp dinh dưỡng cho cây. Chính bởi vậy, toàn bộ cây xanh được trồng tại chùa Vạn Phúc đều phát triển khỏe mạnh, trồng cây nào xanh tốt cây đó. Giữa vườn hoa, cây cỏ xanh mát, nhà chùa còn bố trí đan xen các công trình hòn non bộ, hồ thả cá, khiến Phật tử, du khách khi tới tham quan, chiêm bái vô cùng thích thú như đang lạc vào chốn thần tiên.
Toàn bộ gốc cây trong khuôn viên chùa Vạn Phúc đều được phủ bằng rơm rạ và xơ dừa, vừa có tác dụng giữ nước, vừa cung cấp dinh dưỡng nuôi cây
Không chỉ là nơi tu tập, an cư của chư tăng trong vùng, nhà chùa còn định kỳ tổ chức các lớp học giáo lý, khóa tu cho Phật tử, nhân dân trong và ngoài huyện. Bên cạnh việc hoằng dương Phật pháp, nội dung về bảo vệ môi trường được chư tăng hướng dẫn, khuyến khích Phật tử và bà con nhân dân thực hiện để chung tay gìn giữ môi trường sống trong lành.
Trao đổi với phóng viên, Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam kết hợp với Bộ Tài nguyên & Môi trường và MTTQ các cấp, tăng, ni, Phật tử trên địa bàn huyện Sóc Sơn nói riêng, thủ đô Hà Nội nói chung ngày càng nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại chùa Vạn Phúc, chúng tôi kêu gọi Phật tử, người dân tích cực tham gia trồng cây xanh trong khuôn viên chùa và tại địa bàn sinh sống để góp phần tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp và giảm thiểu ảnh hưởng của hiệu ứng nhà kính ở đô thị.
Thứ hai là chúng tôi tích cực động viên Phật tử thực hiện việc làm của hạnh Bồ tát, đó là phóng sinh. Việc phóng sinh có tiêu chí rõ ràng, đó là phối hợp với Sở TN&MT để tổ chức các chương trình phóng sinh các loài cá, các loại động vật phù hợp với điều kiện tự nhiên, chứ không phóng sinh mang tính chất tiêu cực, gây hại cho nguồn lợi thủy sản.
Đặc biệt, thời gian qua, chúng tôi đẩy mạnh phong trào “Tang văn minh tiến bộ”tại địa phương. Nhà chùa phối hợp chính quyền các cấp, Hội người cao tuổi, ban, ngành, đoàn thể cấp xã để chia sẻ, tuyên truyền đến đồng bào, nhân dân các giới nhận thức được rằng nên tổ chức tang lễ như thế nào để phù hợp với xã hội hiện đại và hạn chế dần những hủ tục gây lãng phí và ô nhiễm môi trường, mà vẫn giữ được chữ Hiếu hoặc trách nhiệm của người sống với người đã mất.
Chúng tôi nhận thấy số lượng các hộ gia đình có người thân qua đời hướng đến việc tổ chức hỏa thiêu ngày càng tăng. Đây cũng là hoạt động góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới cũng như các phong trào văn hóa, xã hội tại địa bàn huyện”.
Không gian xanh mát tại chùa Vạn Phúc
Nhờ có sự chung tay của chức sắc, tăng, ni chùa Vạn Phúc nói riêng và các cơ sở Phật giáo trên địa bàn huyện nói chung, nhận thức về vấn đề bảo vệ môi trường đã có sự chuyển biến tích cực trong một bộ phận đông đảo người dân và tín đồ trên địa bàn.
Tại hộ gia đình và trong sản xuất, người dân đã hình thành thói quen tốt trong bảo vệ môi trường như phân loại rác thải, tiết kiệm nguồn nước, hạn chế sử dụng than tổ ong, túi nilon, không đốt rơm rạ sau thu hoạch. Cảnh quan nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm được duy trì sạch sẽ, những bãi rác tự phát hai bên đường trước đây được thay thế bằng các luống hoa, cây xanh.
Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ nhấn mạnh, trọng tâm của hoạt động bảo vệ môi trường là công tác tuyên truyền, để người dân và đồng bào Phật tử nhận thức đầy đủ, đúng đắn về ảnh hưởng của môi trường đối với đời sống con người và những việc mỗi cá nhân, gia đình có thể làm nhằm chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế những tác động tiêu cực tới môi trường và hệ sinh thái. Trong thời gian tới, chùa sẽ tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với các cấp chính quyền địa phương, lồng ghép các nội dung tuyên truyền về bảo vệ môi trường trong các lớp học giáo lý, khóa tu do nhà chùa định kỳ tổ chức cũng như tại các sự kiện, lễ hội của Phật giáo trên địa bàn./.
Ngọc Linh