Xã hội hóa tu bổ, tôn tạo di tích
Ngày đăng: 18/01/2018
Những năm gần đây, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) chú trọng công tác xã hội hóa trong tu bổ, tôn tạo di tích và thu được kết quả khích lệ, góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa.

Ngày một đẹp hơn

Sau khi thắp nén nhang thơm báo với tổ tiên có khách viếng thăm, ông Ngọ Văn Tuyến, thôn Thái Thọ, xã Thái Sơn (Hiệp Hòa) hồ hởi dẫn đoàn khách đến khu lăng mộ thờ Quận công Ngọ Công Quế. Cả khu lăng mộ rộng hơn 400 m2 sạch sẽ tinh tươm. Theo ông Đồng Quang Khánh, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện, đây là một trong số ít lăng đá của tỉnh được giữ nguyên vẹn về kiến trúc, hiện vật từ tượng người, vật, khu mộ, nhà bia cho đến hương án thờ, phù điêu... “Để giữ được như ngày hôm nay là do các thành viên trong gia đình, dòng tộc dành nhiều công sức bảo vệ, tôn tạo”, ông Tuyến cho biết.

Ngoài giữ nguyên vẹn đồ vật trong khu lăng mộ, thời gian gần đây, dòng họ Ngọ (cả trong và ngoài huyện) còn đầu tư mua thêm đất, đồng thời xây dựng Từ đường phía sau tạo thành một quần thể không gian thờ cúng, nổi bật trong đó là khu vực thờ Bác Hồ. Theo ông Tuyến, từ ngày có nhà Từ đường, dòng tộc đã chọn nơi đây là điểm báo công cũng như tuyên dương những cá nhân có thành tích trong công tác, lao động, học tập. Bản thân ông Tuyến được dòng tộc chọn là người trông nom, bảo vệ nên thường xuyên có mặt tại đây. Vì vậy nhiều lần ông phát hiện và kịp thời ngăn chặn đối tượng trộm cắp cổ vật.

Cùng thời gian tại khu lăng đá, chúng tôi gặp một đoàn khách tới tham quan. Ông Tuyến tận tình hướng dẫn và thông tin về di tích. Trao đổi với bà Nguyễn Thị Xuân, một thành viên trong đoàn được biết: Tất cả các thành viên đều ở huyện Phú Bình (Thái Nguyên). Có người đến lần đầu, có người đến lần thứ hai. Bản thân bà mới đến lần đầu và rất ngạc nhiên về vẻ đẹp của khu lăng đá.

Cũng như lăng họ Ngọ, vài năm gần đây, chùa Cả, xã Bắc Lý cũng được quan tâm đầu tư tôn tạo. Từ hai căn nhà gỗ bình thường, nay chùa được xây dựng quy mô với bốn dãy nhà khang trang gồm khu tam bảo, gác chuông, nhà sinh hoạt, khu vườn tháp... Đa số đều được làm bằng vật liệu quý như gỗ lim, nghiến, đá xanh... là điểm đến của nhiều người quanh vùng và khách thập phương. Thống kê cho thấy từ năm 2012 đến nay, bằng nhiều nguồn, kinh phí đầu tư vào các di tích trên địa bàn huyện lên tới gần 40 tỷ đồng, phần lớn do người dân đóng góp. Những di tích được đầu tư với số kinh phí lớn gồm: Chùa Cả, xã Bắc Lý; lăng họ Ngọ, xã Thái Sơn; lăng Dinh Hương, xã Đức Thắng; đình Ngọ Xá và Ngũ Phúc, xã Châu Minh; nghè Ngũ Giáp, xã Mai Đình; lăng Đá Bầu, xã Xuân Cẩm...

Đa dạng cách huy động

Từ năm 2012 đến nay, bằng nhiều nguồn, kinh phí đầu tư vào các di tích trên địa bàn huyện lên tới gần 40 tỷ đồng, phần lớn do người dân đóng góp. Năm 2017 có gần 13 nghìn du khách đến tham quan, nghiên cứu tại các di tích, cao gấp gần hai lần so với bình quân những năm trước.

Có được kết quả trên do cấp ủy, chính quyền huyện có nhiều cách huy động nguồn kinh phí đầu tư, tôn tạo. Mỗi di tích một cách huy động, song quan trọng là làm cho mọi người thấy được giá trị của di tích từ đó ủng hộ ngày công, tiền của, đồ vật thờ cúng. Ví như di tích lăng họ Ngọ, ngoài huy động con em trong dòng tộc đóng góp kinh phí còn cử người có trách nhiệm đứng ra hương khói, bảo vệ hằng ngày. Do vậy toàn bộ khu vực lăng luôn sạch sẽ, ấm cúng.

Hay như việc huy động làm chùa Cả, xã Bắc Lý, chính quyền tạo điều kiện để Ban quản lý vận động người dân đóng góp. Do làm tốt công tác tuyên truyền nên người góp vì kèo, cột, dòng họ góp đá... "Mỗi người một hạt đã góp thành thúng gạo đầy, đủ làm chùa khang trang như hôm nay”, nhà sư Thích Nguyên Hòa, trụ trì chùa nói. Xem lại những dòng lưu bút, chúng tôi thấy không chỉ người dân địa phương mà du khách từ Hà Nội, Ninh Bình, TP Hồ Chí Minh cũng đóng góp tiền của tu bổ, tôn tạo ngôi chùa khang trang. Gần đây, lăng Dinh Hương, xã Đức Thắng được đầu tư tu bổ với số tiền gần 10 tỷ đồng cũng từ sự đóng góp của dòng họ La và nhân dân quanh vùng.

Một biện pháp được coi là rất hiệu quả trong vận động người dân đóng góp ủng hộ kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích là công khai, minh bạch nguồn thu cũng như quá trình đầu tư. "Thời gian tu bổ, tôn tạo, Ban quản lý di tích cập nhật, công khai mọi nguồn kinh phí để nhân dân biết và kiểm tra. Khi thấy các khoản đóng góp được sử dụng hữu ích, có ý nghĩa, người dân lại tiếp tục đóng góp tiền của, công sức", nhà sư Thích Nguyên Hòa khẳng định.

Thanh Hải