Tín ngưỡng thờ thần Nam Hải, nét văn hóa độc đáo của người dân ven biển
Ngày đăng: 26/10/2021Tương truyền cá voi nhiều lần giúp ngư dân vùng Nam Trung Bộ vượt qua hiểm nạn trên biển và được người dân tôn làm bậc thần Nam Hải. Tín ngưỡng thờ thần Nam Hải có từ khi nào vẫn chưa có tài liệu nào xác định chính xác mốc thời gian. Tuy nhiên theo các vị cao niên cư dân miền biển cho biết, tục lệ này có từ xa xưa và đã trở thành tín ngưỡng văn hóa trong dân gian.
Tục thờ thần Nam Hải có từ lâu đời
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay, ở khắp vùng ven biển Nam Trung Bộ người dân đều dựng lăng thờ tự cá voi - Ông Nam Hải để báo đáp ơn thần. Trong tâm niệm của người dân vùng biển, thần Nam Hải được xem như những vị thần Thành Hoàng phò giúp ngư dân được sóng yên biển lặng, mưa thuận gió hòa. Công đức của thần còn được ca ngợi, khắc ghi tại nhiều di tích hiện nay. Những hoành phi, câu đối, văn tế, sắc phong ở các di tích hiện còn ở Khánh Hòa, và một số địa phương các tỉnh Nam Trung Bộ đã phần nào nói lên điều đó.
Nghi thức cúng tế tại lăng thờ thần Nam Hải
Theo nhà nghiên cứu Hán Nôm Đỗ Văn Khoái (Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa), cho biết: Qua khảo sát cho thấy, hoành biển, đại tự, câu đối, văn tế có ở hầu khắp các di tích thờ thần Nam Hải. Riêng đối với loại hình tư liệu sắc phong cho thần Nam Hải, còn xuất hiện tại các di tích có lịch sử hình thành làng xã xuất hiện sớm trong địa chí tỉnh Khánh Hòa. Điều này cho thấy tín ngưỡng thờ thần Nam Hải của cư dân vùng biển Khánh Hòa có từ rất lâu đời. Hiện nay, tín ngưỡng thờ cúng thần Nam Hải (cá voi) chủ yếu dựa vào các truyền thuyết, chuyện kể gắn với các nhân vật: Phật bà Quan Âm, Quan Công, vị thần sóng biển Pô Riyak của người Chăm…
Cũng theo nhà nghiên cứu Đỗ Văn Khoái, thần Nam Hải ở địa bàn Khánh Hòa và các tỉnh ven biển miền Trung được thờ tự rất đa dạng ở những loại hình di tích như: Lăng, Đình, Miếu, Điện. Cùng với đó, thần Nam Hải có thể được thờ tự độc lập, cũng có thể được phối thờ với các vị thần khác trong cùng một di tích. Việc nhận diện chính xác tên thần Nam Hải và cơ sở thờ tự có ý nghĩa quan trọng cho việc xác định chủ thể được thờ tại di tích và thực hành tín ngưỡng của người dân đặc biệt là mỗi khi có lễ hội diễn ra.
Theo kết quả khảo sát di tích cho thấy, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Khánh Hòa hiện có 52 cơ sở/di tích/điểm thờ tự thần Nam Hải. Trong số đó có 13 di tích có sắc phong với tổng số 62 lượt sắc phong cho thần Nam Hải. Các sắc phong sớm nhất cho thần Nam Hải ở địa bàn tỉnh Khánh Hòa được tìm thấy vào niên đại Minh Mệnh 3(1822) ở các di tích như: Đình Bình Tân, đình Xương Huân (Nha Trang); đình Lăng Trường Tây (Ninh Hòa), đây là các làng, xã sớm có lịch sử hình thành trong bản đồ địa chí của tỉnh. Các sắc phong có niên đại muộn nhất phong cho thần Nam Hải ở Khánh Hòa ở vào niên đại Khải Định 9 (1924).
Nét đẹp văn hóa dân gian
Hằng năm khi vào mùa biển mới, ngư dân các tỉnh duyên hải miền Trung lại tổ chức lễ hội Cầu Ngư. Theo đó, lễ hội Cầu Ngư được ngư dân vùng biển tổ chức vào khoảng thời gian sau Tết Nguyên Đán hằng năm, khi bước vào mùa biển mới, nhằm tạ ơn thần Nam Hải (cá voi) đã phù trợ cho ngư dân trong những chuyến ra khơi, tưởng nhớ các bậc tiền nhân, đồng thời cầu quốc thái dân an, mong được mùa trong vụ biển mới.
Lễ hội Cầu Ngư trên vùng biển vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa
Phần quan trọng nhất của lễ hội Cầu Ngư là nghi thức cúng tế tại lăng thờ thần Nam Hải. Chủ trì nghi thức này gồm có 4 ông: chánh tế, bồi tế, tả ban và hữu ban cùng 4 học trò lễ dâng rượu và đèn. Lễ hội Cầu Ngư mở đầu bằng rước thần Nam Hải về lăng. Kết thúc lễ hội là lễ cúng Tống Na, tức tiễn thần đi. Lễ hội Cầu Ngư là một hoạt động văn hóa mang tính tín ngưỡng trong đời sống tâm linh của người dân vùng biển, đặc biệt là vùng duyên hải Nam Trung Bộ, bắt nguồn từ tục thờ thần Nam Hải. Tháng 6.2014, Lễ hội Cầu Ngư ở Khánh Hòa đã được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ông Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở VHTT tỉnh Khánh Hòa, cho biết: Lễ hội Cầu Ngư và tục thờ thần Nam Hải đã thể hiện được nét đẹp văn hóa dân gian của cư dân miền biển. Lễ hội này còn hội tụ các loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống, diễn xướng dân gian như: Hát bộ, Hò Bá trạo, múa Siêu và các trò chơi dân gian tạo thành một bức tranh sinh động, đa sắc của ngày hội làng biển. Hơn thế nữa, các tuồng tích, trò diễn được trình diễn trong lễ hội này đều là những vốn quý được nhân dân Nam Trung Bộ sáng tạo, trao truyền và gìn giữ bao đời nay.
Lê rước thần Nam Hải của ngư dân TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa
Lễ hội Cầu Ngư được tái hiện dưới hình thức tế lễ, trò diễn dân gian, các loại hình nghệ thuật truyền thống và cũng từ đó nó trở thành chiếc nôi, nguồn sữa nuôi dưỡng vốn văn hóa dân gian, truyền thống của miền đất Nam Trung Bộ nói chung và Khánh Hòa nói riêng, góp phần tạo nên nền tảng để xây dựng bản sắc văn hóa miền đất Nam Trung Bộ.
Theo vanhoa.vn