Một vài nét khái quát về tín ngưỡng thờ Tổ nghề ở Ninh Bình
Ngày đăng: 29/10/2024
Người dân làng Văn Lâm thực hiện nghi lễ giỗ Tổ nghề
Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình số cơ sở tín ngưỡng thờ Tổ nghề không nhiều, nhưng mang nét đặc trưng riêng của các nghề truyền thống, như nghề thêu, nghề mộc, nghề đá… gắn liền với lịch sử, văn hóa của vùng đất và người Ninh Bình.

Đối với việc thờ Tổ nghề thêu, ra đời từ thời Trần, vào thế kỷ thứ XIII, trong khu vực Hành cung Vũ Lâm, căn cứ kháng chiến được các vua nhà Trần xây dựng để chống quân xâm lược Nguyên Mông. Tương truyền, bà Trần Thị Dung, vợ Thái sư Trần Thủ Độ đã cho các cung nữ truyền dạy nghề thêu ren cho người dân làng Văn Lâm phục vụ nghi thức, nghi lễ trong đời sống văn hóa tâm linh. Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, người dân Văn Lâm đã kế thừa di sản đời xưa để lại, không ngừng sáng tạo, làm ra nhiều sản phẩm độc đáo. Để tri ân, tưởng nhớ công đức của các vua Trần và bà Trần Thị Dung, Nhân dân trên địa bàn xã Ninh Hải đã xây dựng công trình đền thờ Tổ nghề thêu. Đến nay, nghề thủ công truyền thống - nghề thêu ren Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2024. Đây là sự ghi nhận, đánh giá cao về giá trị, bề dày lịch sử, nét độc đáo riêng có của nghề thêu ren vùng đất gắn liền với di sản Tràng An, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống.

Đối với việc thờ Tổ nghề mộc, nghề mộc được phát triển khá sớm ở Ninh Bình, nổi bật là làng nghề Phúc Lộc, phường Ninh Phong, thành phố Ninh Bình. Tại đây, nghề mộc được phát triển ngay từ thời Đinh - Tiền Lê, theo hình thức cha truyền con nối. Những người nghệ nhân làng Phúc Lộc đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm mộc với những nét trạm trổ tinh xảo phục vụ trong việc xây dựng chùa, đền, đình và nhiều công trình khác. Để tri ân người có công truyền dạy nghề mộc, Nhân dân làng Phúc Lộc, phường Ninh Phong đã xây dựng công trình thờ Tổ nghề mộc (đền Phúc Lộc). Làng nghề mộc Phúc Lộc được Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình công nhận làng nghề cấp tỉnh năm 2006 được đánh giá là nơi lưu giữ và bảo tồn những tinh hoa của nghề mộc truyền thống, được khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến và lựa chọn. Cùng với đó, nghề mộc được truyền dạy và phát triển ở các khu vực khác trên địa bàn tỉnh, những nơi này đã được Nhân dân xây dựng các công trình thờ Tổ nghề mộc như: đền Bin, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư; đình Quỳnh Phong, xã Sơn Hà, huyện Nho Quan.

https://storage-vnportal.vnpt.vn/nbh-ubnd/2304/2023/13/3-thon2.jpg

Lễ hội làng nghề truyền thống Phúc Lộc

Đối với việc thờ Tổ nghề đá, trước đây, làng nghề đá ở Ninh Vân, Hoa Lư không gắn trực tiếp với một vị Tổ nghề cụ thể mà thờ “Bách nghệ Tổ sư” - Sơn Tinh, như một vị thần bảo trợ cho nghề nghiệp. Trong những năm gần đây, Nhân dân trên địa bàn xã Ninh Vân đã thờ Tổ nghề có tính chất là một nhân vật có công trong việc truyền dạy nghề đá tại địa phương, cụ thể: làng Hệ xây dựng đền thờ năm 2012; làng Xuân Vũ bố trí thờ Tổ nghề đá từ năm 2007 tại đình làng. Mặc dù, còn có tranh luận, nhưng đa số những người thợ đá ở làng Hệ và làng Xuân Vũ cho rằng, Tổ nghề đá là cụ Hoàng Sùng, một thợ đá ở làng Nhồi, Thanh Hóa vào thế kỷ XVI-XVII đến Ninh Vân lập nghiệp và truyền nghề, lễ giỗ Tổ được tổ chức vào ngày 15-16/8 Âm lịch hằng năm, để tưởng nhớ và biết ơn đến vị Tổ nghề đã truyền nghề cho con cháu. Dấu ấn đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng đá mỹ nghệ Ninh Vân để lại trên những khối đá được chế tác tinh xảo, ở những công trình nổi tiếng như: nhà thờ đá Phát Diệm (Ninh Bình), Lăng Khải Định (Thừa Thiên Huế), Lăng Bà Chúa Liễu (Nam Định), tượng đài Mẹ Suốt (Quảng Bình), công trình tượng đài Mười cô gái ở ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), cụm tượng đài Bà mẹ Tổ quốc (Thành phố Hồ Chí Minh)…

https://tttt.ninhbinh.gov.vn/uploads/images/NHUNG/Du%20l%E1%BB%8Bch/Bai%2076.jpg

Công trình nhà thờ đá Phát Diệm, tỉnh Ninh Bình có sự góp sức xây dựng của các nghệ nhân làng đá mỹ nghệ Ninh Vân

Đối với việc thờ Tổ nghề gốm, Ninh Bình là vùng đất cổ, nơi đã phát minh ra đồ gốm đất nung từ sớm (gốm Bồ Bát) và gốm truyền thống Gia Thủy, huyện Nho Quan. Làng gốm Bồ Bát nay là thôn Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô đã nổi danh cách đây hàng nghìn năm với những sản phẩm gốm độc đáo nhưng trên địa bàn hiện chưa có thông tin về cơ sở tín ngưỡng có thờ Tổ nghề gốm. Điều này, xuất phát từ yếu tố lịch sử, khi khi Vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long (năm 1010), các nghệ nhân tại làng nghề Bồ Bát đã di dời theo về đất Thăng Long xây dựng kinh đô mới, sản xuất các sản phẩm gốm sứ phục vụ triều đình và dân sinh. Những nghệ nhân này đã đến định cư tại vùng đất ven sông Hồng, nơi có đất sét tốt để sản xuất gốm sứ và thành lập nên làng nghề Bát Tràng. Sau khi những nghệ nhân giỏi theo triều đình về đất Thăng Long, người dân Bồ Bát không còn giữ được nghề truyền thống và dần bị lãng quên. Hiện nay, tỉnh Ninh Bình đang chủ trương khôi phục, phát triển nghề gốm Bồ Bát, gắn với việc xây dựng khu di chỉ khảo cổ học Mán Bạc, đền thờ Tổ nghề gốm để tri ân với Tổ nghề và tạo ra các sản phẩm du lịch mới, đa dạng. Đối với làng nghề gốm Gia Thủy, huyện Nho Quan, mặc dù, đã hình thành làng nghề nhưng người dân nơi đây làm nghề truyền thống này cũng chỉ mới bắt đầu khoảng từ thập niên 50 của thế kỷ XX…

Có thể khẳng định, thờ Tổ nghề ở Ninh Bình là một truyền thống tốt đẹp, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, biết ơn những vị sáng lập, mở mang tri thức ngành nghề cho nhân dân. Những người làm nghề thường sinh sống quần tụ với nhau thành nhóm nghề, làng nghề. Họ nhớ ơn những vị sáng lập truyền nghề cho mình, các vị Tổ của nghề mình đang làm, có nơi vị Tổ nghề còn được thờ là Thành hoàng làng, do đó, việc thờ Tổ nghề vừa là tín ngưỡng, vừa là đạo lý sống của hậu thế đối với bậc tiền bối có công với làng xóm, cộng đồng, đất nước góp phần giữ gìn giá trị văn hóa tốt đẹp của làng nghề truyền thống, tạo lập mối liên kết về đời sống tín ngưỡng, tâm linh chặt chẽ. Trong một năm, lễ cúng Tổ nghề quan trọng nhất là ngày kỵ nhật của vị Tổ nghề hoặc là một ngày nhất định mà mọi người trong cộng đồng dân cư cùng theo một nghề kể là ngày kỵ nhật của Tổ nghề mình. Việc thờ Tổ nghề còn nhằm cầu mong công việc được suôn sẻ, buôn may bán đắt hoặc lúc đi xa tránh được rủi ro; sau khi công việc có kết quả thì làm lễ tạ ơn.

Xuân Phương