Gìn giữ cảnh quan xanh, lan tỏa tấm lòng thiện nguyện nơi cửa Phật
Ngày đăng: 19/08/2022
Chùa Hang tọa lạc tại chân núi Vạn Tác (khu 1, phường Vạn Sơn, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng). Chùa có thế lưng ẩn sâu trong núi và mặt hướng ra biển Đồ Sơn. Đến thăm chùa, du khách được thưởng ngoạn cảnh sắc non nước hữu tình, cây cối xanh mướt bao quanh chùa và vẻ đẹp của công trình tâm linh có tuổi đời hàng thế kỷ.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đây là địa điểm đầu tiên Phật giáo du nhập vào nước ta, trước khi tới vùng Luy Lâu – Dâu, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh.

Chùa Hang có tên chữ là Cốc tự, xưa thuộc địa bàn Vạn Tác, xã Đồ Sơn, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, đạo Hải Dương. Chùa cũng là nơi ghi dấu tích của vị sư Bần người Ấn Độ, đã đến lập bàn thờ Phật và tu trong hang, cuối đời viên tịch tại nơi đây. Hiện tại, trước cửa chùa có một bảng chữ lớn giới thiệu về tích này.

Chùa Hang Đồ Sơn cùng với miếu Thị Đa ở Cốc Liễn, Kiến Thụy gần đó, thờ Chử Đồng Tử, là những chứng tích quý báu liên quan đến quá trình đạo Phật du nhập vào nước ta khoảng những năm trước Công Nguyên.

Khu vực thờ Tổ sư Bần - Phật Quang trong vách núi tại chùa Hang

Trải qua thời gian và thăng trầm lịch sử, chùa đã được cải tạo, tu sửa lại. Cùng với chùa tháp Tường Long, đền Vạn Ngang, chùa Thiên Phúc, đền Bà Đế, danh thắng chùa Hang góp phần tạo nên quần thể thắng cảnh, tâm linh đặc sắc, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến du lịch Đồ Sơn, Hải Phòng ghé thăm.

Chùa Hang được đặt trong lòng hang đá bên sườn núi cao 35m, rộng 7m và được chia thành hai bậc thềm trong - ngoài. Về tổng quan, chùa có cấu trúc hình thang, xuyên thẳng vào núi với độ dài khoảng 25m. Càng vào sâu, chùa Hang càng thấp và hẹp với độ cao trong cùng khoảng 1,2m và rộng 1,3m.

Hiện nay, chùa có ba tầng, tầng thấp nhất là tiền đường, phòng khách, tầng thứ hai là tòa Tam Bảo thờ Phật Thích Ca, địa tạng vương Bồ Tát, thánh Anan và Thánh Ông. Tầng trên cùng là Tây Phương điện, thờ Phật Adiđà.

Bên ngoài có tượng Phật Quan Âm, phía phải là nhà thờ tổ, rồi đến tòa tháp. Trên núi có tượng rồng phượng, chân núi là tượng rùa thần và cá chép. Cùng các pho tượng La Hán được làm bằng đá với nhiều tư thế và biểu cảm sắc thái khác nhau, hay tứ linh Long - Ly - Quy - Phụng đặt rải rác ẩn hiện trên các vách núi đá, tôn lên vẻ uy nghiêm của ngôi chùa.

Các pho tượng La Hán xen kẽ trong những tán cây xanh được đặt trước cửa chùa

Lễ hội Chùa Hang được tổ chức hàng năm từ ngày mùng 1 đến mùng 6 tháng Giêng Âm lịch, gồm phần lễ và hội, với mong muốn cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đời sống yên lành, hạnh phúc. Phần lễ gồm nghi thức dâng hương lễ Phật trong chùa và đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm Anh hùng liệt sỹ của quận. Phần hội thu hút đông đảo người tham gia với các trò chơi dân gian quen thuộc, như bắt vịt, chọi gà, kéo co…

Không chỉ là địa danh lịch sử văn hóa, lưu giữ chứng tích về con đường du nhập của Phật giáo, chùa Hang Đồ Sơn ngày nay là điểm đến quen thuộc của nhiều người dân địa phương và vùng lân cận bởi cảnh sắc hữu tình, không gian sạch, xanh, mát và “tiếng lành đồn xa” từ các hoạt động Phật sự, từ thiện xã hội do Đại đức Thích Giác Hiệu, Đương gia chùa Hang khởi xướng và duy trì trong suốt 20 năm qua.

Một trong những hoạt động rất bổ ích ở chùa, đó là khóa tu mùa hè, định kỳ diễn ra mỗi năm một lần đã 10 năm nay, ngày càng thu hút đông đảo các bạn trẻ tham dự, đến nay mỗi khóa tu đã lên tới con số trên 1.000 thanh, thiếu niên, Phật tử.

Theo Đại đức Thích Giác Hiệu, việc tổ chức các khóa tu hàng năm nhằm mục đích giúp các bạn trẻ nuôi dưỡng tâm từ bi, yêu thương, biết lắng nghe, biết bao dung độ lượng, tư duy tích cực với cuộc sống xung quanh. Bên cạnh đó, những khóa tu ở chùa giúp gắn kết các thanh, thiếu niên Phật tử bằng các hoạt động giao lưu, kết bạn, chia sẻ và trau dồi kỹ năng sống để bản thân hoàn thiện hơn.

“Các khóa tu này góp phần xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, nghĩ điều thiện, nói điều thiện, làm việc thiện, đem lại lợi ích thiết thực cho tự thân các em và nhân rộng ra làm lợi ích cho tuổi trẻ trong cộng đồng xã hội”, Đại đức chùa Hang chia sẻ.

Tại khóa tu mùa hè, thanh, thiếu niên Phật tử được tham gia các thời khóa tụng kinh Vu Lan, nghe pháp thoại, hướng dẫn tập khí công, thi tài năng, cắm hoa, các chương trình giao lưu Phật pháp, văn nghệ…

Lồng ghép trong các hoạt động ngoài trời tại khóa tu mùa hè, sư tăng chùa Hang còn tích cực chỉ bày, giảng giải cho thanh thiếu niên, trẻ em, Phật tử về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường sống, gìn giữ màu xanh của cây cối trên hành tinh chung của nhân loại.

Với địa thế nằm ven biển Đồ Sơn, cùng với các chùa trên địa bàn, Đại đức Thích Giác Hiệu cũng thường xuyên trò chuyện, hướng dẫn bà con Phật tử tại các khóa tu một ngày, định kỳ diễn ra vào các Chủ Nhật và ngày Rằm, mồng Một, cùng đồng hành với bản tự trong việc gìn giữ cảnh quan xung quanh chùa và tại hộ gia đình, trồng và chăm sóc cây cối, thu gom rác, vứt rác đúng nơi quy định và chung tay bảo vệ môi trường biển Đồ Sơn sạch, đẹp.

Một điểm đáng chú ý là mặc dù nhà chùa có bố trí khu vực hóa vàng cho bà con, Phật tử đến lễ bái, tuy nhiên, nhiều năm qua, các sư tăng ở đây đã kiên trì vận động, thuyết phục người dân hạn chế tối đa việc sử dụng, đốt tiền, vàng mã, khuyến khích Phật tử làm các việc từ thiện, cứu giúp người nghèo khó.

“Giáo dục để sư tăng, Phật tử, nhân dân và du khách cùng yêu và bảo vệ môi trường sống là định hướng sống thiện, giúp hình thành thói quen có ý thức, trước hết vì chính sức khoẻ của bản thân và sau là vì môi trường trong lành cho xã hội”, Đại đức Thích Giác Hiệu cho biết thêm.

Nhiều bà con Phật tử dành thời gian, công đức cùng các sư ở chùa tưới nước, chăm cây, vệ sinh không gian đường phố xung quanh chùa

Lồng ghép trong các hoạt động ngoài trời, sư tăng chùa Hang phổ biến cho Phật tử, trẻ em về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường sống, gìn giữ trái đất xanh

Khu vực nuôi chim bồ câu nằm kế bên con đường ven biển Đồ Sơn, có khoảng 100 chú chim được nhà chùa nuôi thả tại đây

Chùa tham gia hoạt động phóng sinh cá hàng năm

Chùa còn được biết đến là nơi tiếp nhận các hoàn cảnh khó khăn và tấm lòng của các Phật tử, nhà hảo tâm muốn chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh. Đại đức Thích Giác Hiệu và các sư tăng chùa Hang trong nhiều năm qua đã nỗ lực kêu gọi các nhà hảo tâm, mạnh thường quân, người góp công, người góp của, triển khai các chương trình từ thiện với kinh phí lên tới gần 1 tỷ đồng mỗi năm.

Khó có thể đếm hết số lượng các chương trình thiện nguyện được nhà chùa khởi xướng, triển khai trong vòng 20 năm qua. Đó là các buổi trao tặng quà cho các đối tượng chính sách, gia đình thương binh liệt sỹ, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, không nơi nương tựa, trẻ em nhiễm chất độc dioxin, trẻ em khiếm thính, khiếm thị… trên địa bàn thành phố Hải Phòng và một số tỉnh thành lân cận; hỗ trợ học bổng, tặng sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh nghèo vượt khó; kết hợp cùng nhiều tổ chức thiện nguyện xây dựng hàng chục ngôi nhà tình nghĩa và các chuyến đi thiện nguyện tại vùng cao, biên giới của Tổ quốc…

Chương trình trao quà cho người nghèo, tháng 10/2019

Trong chương trình từ thiện tại xã Đông Thành, huyện Bắc Quang, Hà Giang tháng 12/2016, sư tăng và Phật tử chùa Hang trao tặng 500 phần quà cho các hộ dân nghèo, 200 phần quà cho học sinh tiểu học và mầm non, 30 phần quà cho học sinh THCS, tặng 3 máy lọc nước cho các thầy cô tại các điểm trường trên địa bàn, tổng kinh phí chương trình đạt gần 200 triệu đồng

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Đại đức Thích Giác Hiệu kêu gọi người dân tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu phòng, chống dịch của thành phố, kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ khẩu trang cho địa phương. Số khẩu trang nhận được, nhà chùa chuyển tới UBND quận để chính quyền địa phương phân bổ đến những nơi cần thiết. Ngoài khẩu trang, sư tăng chùa Hang cũng vận động, ủng hộ hàng chục tấn gạo để giúp đỡ các gia đình khó khăn và duy trì việc tặng gạo hàng tháng.

Sư tăng chùa Hang cùng Đoàn viên, thanh niên phát khẩu trang tặng người dân trong mùa dịch Covid-19

Hỗ trợ 2 tấn gạo cho bà con xã Cổ Am và Tam Cường, huyện Vĩnh Bảo dịp tháng 4/2020

Trao 20 triệu hỗ trợ một bệnh nhân nghèo, người dân tộc điều trị tại Bệnh viện Việt Tiệp cơ sở 2

Với tâm nguyện của một người tu hành, Đại đức Thích Giác Hiệu mong muốn vận động, triển khai thêm nhiều chương trình ý nghĩa, lan tỏa tinh thần nhân văn, từ bi, bác ái của Phật giáo tới mọi người, thông qua các hoạt động từ thiện, nhân đạo, các khóa tu để giáo dục, nuôi dưỡng tình yêu thương con người và ý thức sống thiện lành, trân trọng, bảo vệ thiên nhiên và cuộc sống xung quanh mỗi người.

“Mỗi cá nhân sống tốt thì xã hội sẽ tốt đẹp lên. Nhà chùa tích cực kết nối các công việc thiện, ngoài mục đích giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, còn muốn kết nối các bạn trẻ có tấm lòng nhân hậu, hướng thiện lại với nhau để cùng lan tỏa lòng thiện. Gieo nhân sạch, nhận quả lành, đó là Phật pháp được phát sinh từ trong lòng của cuộc đời, được nuôi dưỡng bởi cuộc đời và đang tồn tại vì cuộc đời”, Đại đức Thích Giác Hiệu tâm niệm./.

 

Hữu Hưng