Chùa Khmer với việc nâng cao đời sống văn hóa cộng đồng
Ngày đăng: 27/10/2021
Huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng có 3 dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc Khmer trên 32.560 người, chiếm 28,56%. Toàn huyện có 5 ngôi chùa Khmer, với hơn 120 vị sư, trong đó có 4 vị Thượng tọa, 5 vị Đại đức, trên 40 vị tỳ khưu, hơn 60 vị sa di, 122 vị trong Ban quản trị chùa và có khoảng 22.000 người là phật tử. Trong đời sống của đồng bào Khmer, ngôi chùa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa cộng đồng.

Trong đời sống hàng ngày, người Khmer rất coi trọng vấn đề tinh thần. Họ luôn quan tâm đến việc xây dựng, tu bổ cho ngôi chùa chung và coi đó là bộ mặt văn hóa của thôn xóm. Mỗi ngôi chùa là một di tích văn hóa, lịch sử và kiến trúc, đó là nơi lưu giữ và phổ biến kinh sách Phật giáo cũng như các tác phẩm văn học, nghệ thuật; là trung tâm đào tạo giáo lý cho các sư sãi, dạy chữ Khmer cho con em đồng bào dân tộc; là trung tâm sinh hoạt văn hóa - xã hội gắn với tập tục, nơi hoạt động văn nghệ, thể thao truyền thống và phổ biến thông tin của cộng đồng.

Thượng tọa Thạch Thươl - Chi hội trưởng, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Long Phú cho biết: “Chùa không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo mà còn là trường học, nơi sinh hoạt, thưởng thức và sáng tạo các giá trị văn hóa của đồng bào Khmer. Thanh niên Khmer vào chùa để tu học và rèn luyện đạo đức, nhân phẩm, học tập khoa học - kỹ thuật, học cách sống, cách ứng xử với gia đình và xã hội. Vì vậy, có thể nói, Phật giáo Nam tông có vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách của các thanh niên Khmer, của người Khmer”.

Mỗi năm, người Khmer có 8 lần lễ và đều cử hành ở chùa, gồm: Méakabauchia, lễ Đức Phật cho biết 3 tháng nữa sẽ nhập niết bàn, khoảng đầu tháng hai Dương lịch; Chôl Chnăm Thmây, lễ vào năm mới (tết), giữa tháng 4; Visakabuachia lễ Phật Đản, đầu tháng 5; Chôl Vô Sa, lễ nhập hạ (các sư sãi ở trong chùa 3 tháng, không ra ngoài), đầu tháng 7; lễ Phchum banh hay ĐôlTa (lễ xá tội vong nhân, giữa tháng 9) Chênh Vô Sa, lễ xuất hạ (hết thời kỳ nhập hạ) đầu tháng 10; Oóc om boc (lễ cúng trăng) cuối tháng 10; Ka Thanh  (lễ dâng y cho sư sãi) từ đầu tháng 10 đến giữa tháng 11…

Ngày nay, trong quá trình đổi mới, hội nhập và giao lưu, chùa vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với đời sống của người Khmer, mang những giá trị thiết thực, đặc biệt là việc tổ chức các hoạt động văn hóa - xã hội. Vì vậy, trong thời gian qua, các địa phương luôn quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật cho chùa Khmer để tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng trên địa bàn. Ngoài ra, chùa còn là nơi tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền về xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, cách thức làm ăn… cho bà con phật tử Khmer.

Với tinh thần đó, chùa Khmer góp phần gìn giữ và phát huy có hiệu quả giá trị lịch sử - văn hóa của chùa cũng như các giá trị văn hóa phi vật thể, là nơi tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thể thao của nhân dân, nhất là đồng bào Khmer, qua đó, vận động người dân, các phật tử tham gia tích cực phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong từng xóm ấp và cộng đồng…

Theo soctrang.vn