Ðiểm sáng công tác dân vận vùng dân tộc, tôn giáo
Ngày đăng: 27/05/2020
Dân vận và công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người theo đạo trong giai đoạn hiện nay vẫn đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Là một địa bàn có nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó có trên 26% là người theo đạo, xã Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) đã áp dụng nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế và trở thành một điểm sáng trong công tác dân vận ở huyện vùng cao biên giới.

Ðể làm tốt công tác dân vận, trước hết cán bộ phải là người có uy tín, gần dân, hiểu dân và là cầu nối giữa người dân với Ðảng, với chính quyền. Khi đó, công tác dân vận mới thực sự được phát huy, mang lại hiệu quả. Ðặc biệt ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào theo đạo thì công tác dân vận đòi hỏi phải có những cách làm linh hoạt, vừa đảm bảo thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, lại vừa đảm bảo được quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng của người dân. Từ đó giúp dân sống tốt đời, đẹp đạo, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ðó là khẳng định của ông Vàng A Kỷ, Bí thư Ðảng ủy xã Phìn Hồ (huyện Nam Pồ, tỉnh Điện Biên).

Một trong những người được ông Kỷ nhắc đến nhiều nhất khi nói về công tác dân vận của địa phương là Phó Bí thư Ðảng ủy xã Tô Hiến Quyên, anh là Ðại úy Biên phòng được tăng cường về xã từ năm 2015. Thời điểm đó, xã Phìn Hồ còn gặp nhiều khó khăn trong xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. Toàn Ðảng bộ xã chỉ có 72 đảng viên, sinh hoạt ở 7 chi bộ, còn 5 bản chưa có chi bộ. Trước thực trạng ấy, Phó Bí thư Quyên luôn sát cánh cùng Thường trực Ðảng ủy xã bàn nhiều giải pháp và lên kế hoạch để từng bước tháo gỡ khó khăn. Trước hết là trong công tác xây dựng đảng, củng cố hệ thống chính trị. Khi đó, Phìn Hồ một trong những bản khó khăn nhất xã chưa có chi bộ. Ðây là bản có trên 95% người dân theo đạo và là nơi có “điểm nhóm đăng ký sinh hoạt tập trung” đầu tiên trên địa bàn huyện Nậm Pồ (mô hình thí điểm từ năm 2009 khi xã Phìn Hồ còn thuộc huyện Mường Chà). Bên cạnh đó, Phìn Hồ còn là bản có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, địa bàn xa nhất và tỷ lệ học sinh ra lớp thấp nhất...

Ðứng trước những khó khăn như vậy, cấp ủy đã bàn bạc và đi đến thống nhất cử ông Tô Hiến Quyên và trưởng công an xã về sinh hoạt tại bản để giúp người dân phát triển kinh tế và thành lập chi bộ. Lúc này, một mình Phó Bí thư Quyên phải gánh trên vai 3 nhiệm vụ: Sĩ quan Biên phòng, Phó Bí thư Ðảng ủy xã, Bí thư Chi bộ bản Phìn Hồ. Ðây là một thử thách vô cùng lớn. Do không phải người địa phương lại không biết tiếng của đồng bào nên việc đầu tiên ông Quyên làm là tìm nhân sự để người dân bầu trưởng bản. Qua một thời gian tìm hiểu, nắm bắt ông nhận thấy trưởng nhóm đạo Tráng A Chư là ứng cử viên tốt nhất vì anh là người được người dân và các tín đồ tín nhiệm cao. Trước đây anh Tráng A Chư có nhiều năm làm công an viên của xã nên cũng đã quen với công việc về mặt chính quyền. Tuy nhiên, sau nhiều lần vận động anh Chư vẫn không đồng ý để người dân bầu làm trưởng bản. Sau nhiều lần đích thân Bí thư Ðảng ủy và Chủ tịch UBND xã đi bộ vào bản cùng Phó Bí thư Quyên vận động, anh Chư mới đồng ý để người dân bầu làm trưởng bản.

Cũng kể từ đó, bản Phìn Hồ đã có một ê-kíp lãnh đạo uy tín, đoàn kết sát cánh cùng người dân trong mọi mặt của đời sống. Các chủ trương, chính sách luôn được người dân thực hiện nghiêm túc. Ðến nay, anh Tráng A Chư đang làm rất tốt vai trò của một trưởng bản đồng thời làm “quản nhiệm trưởng nhóm” của nhóm đạo ở bản Phìn Hồ. Mặc dù anh là một trong những trưởng bản hiếm hoi không phải là đảng viên.

Với cách làm tương tự, tại bản Mại Hốc, anh Sùng A Vảng trước đây làm từng tham gia công tác bán chuyên trách đã được cấp ủy, chính quyền xã vận động và được người dân tín nhiệm bầu làm trưởng bản. Tại đây cũng có điểm nhóm đạo đã được đăng ký sinh hoạt tập trung năm 2019 và anh Vảng là người trực tiếp tham gia trong ban chấp sự của nhóm.

Song song với việc kiện toàn hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền xã cũng luôn chú trọng công tác tuyên truyền vận động để người dân nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, công tác cải cách thủ tục hành chính cũng được đặc biệt chú trọng để tạo thuận lợi cho mọi người dân; việc triển khai các chế độ chính sách liên quan đến quyền lợi của người dân luôn được thực hiện kịp thời, chính xác, công bằng… Sau 5 năm nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp xây dựng cơ sở chính trị và củng cố hệ thống chính quyền, đến nay Phìn Hồ đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận về nhiều mặt. Năm 2015 toàn xã chỉ có 72 đảng viên với 7 chi bộ thì đến nay đã phát triển lên 134 đảng viên sinh hoạt ở 12 chi bộ, không còn bản chưa có đảng viên. Ðảng bộ xã nhiều năm liền đạt danh hiệu đảng bộ trong sạch vững mạnh, đời sống của người dân từng bước được nâng cao. Người dân trong xã đã dần từ bỏ các tập quán canh tác lạc hậu, tận dụng đất dốc, bạc màu để khai hoang ruộng bậc thang hoặc chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng chăn nuôi gia súc, gia cầm; áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt. Nhiều người dân tham gia các lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp và đi làm ăn ở các địa phương khác để có thu nhập cao, ổn định…

Dân vận không chỉ là vận động Nhân dân thực hiện các đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà hiểu theo góc độ toàn diện thì dân vận chính là việc xây dựng, củng cố, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Ðảng với Nhân dân. Nhờ nỗ lực triển khai nhiều giải pháp linh hoạt và đồng bộ nên đến nay xã Phìn Hồ đã trở thành một điểm sáng trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn./.

 

Theo dienbienphu.info.vn