Xây dựng niềm tin tôn giáo đúng đắn cho đồng bào dân tộc thiểu số
Ngày đăng: 27/10/2021
Vùng đồng bào Mông sinh sống được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khang trang.
Trên tiến trình phát triển của đất nước, nhiều người dân tộc thiểu số đã bị lợi dụng, lôi kéo tham gia các đạo lạ chưa được cấp phép. Việc tuyên truyền đạo trái phép đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm phức tạp tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Do đó, vấn đề đặt ra là phải tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người dân để đồng bào có niềm tin tôn giáo đúng đắn, góp phần thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc, chung tay xây dựng đất nước.

Bài 1: Thôn, bản xáo trộn vì niềm tin mù quáng

Chỉ vì niềm tin mù quáng, rất nhiều người Mông ở khu vực Tây Bắc đã bị đối tượng xấu dụ dỗ, lừa gạt dẫn tới gia đình ly tán, ốm đau bệnh tật. Các đối tượng xấu với sự trợ giúp từ các phần tử phản động nước ngoài đã lợi dụng mê tín dị đoan, thần quyền giáo lý để tuyên truyền, lừa bịp, lôi kéo đồng bào Mông tập trung đông người, “xưng vua”, chống đối chính quyền, gây bất ổn, mất an ninh, trật tự địa bàn.

Gieo rắc niềm tin lệch lạc

Có một thời gian dài, trên địa bàn khu vực Tây Bắc, xuất hiện “đạo Vàng Chứ”. Rất đông người Mông, đặc biệt là ở tỉnh Điện Biên đã tin và theo đạo này. Họ đi cầu nguyện hằng tuần và được gieo niềm tin rằng, theo “đạo Vàng Chứ” không làm cũng có ăn, ốm đau không cần đi bệnh viện mà chỉ cần uống nước của “Vàng Chứ” sẽ khỏi. Có điều lạ là không người dân nào biết “Vàng Chứ” là ai, hình hài thế nào, gốc tích đạo từ đâu ra mà chỉ được nghe các “trưởng đạo” và các “thừa tác viên” tự phong của “đạo Vàng Chứ” thuyết giáo, lôi kéo đi học đạo, bỏ bàn thờ tổ tiên.

Không chỉ tuyên truyền về những điều huyễn hoặc, không có thật, các đối tượng “trưởng đạo” và các “thừa tác viên” đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để dụ dỗ, hù dọa người dân phải vào đạo làm theo những điều chúng bảo kể cả chống lại chính quyền.

Thực tế là khi “đạo Vàng Chứ” hoành hành ở các bản người Mông đã kéo theo các vấn nạn di cư tự do, phá rừng làm nương rẫy, tình trạng gây rối mất an ninh, trật tự gia tăng. Dẫn chúng tôi tới thăm khu tái định cư cho người Mông ở Mường Nhé, đi qua những ngọn núi đã bị “cạo trọc”, một cán bộ Đồn Biên phòng Leng Su Sìn chia sẻ: “Trước kia, khu vực này đều là rừng già, vậy mà chỉ trong thời gian ngắn, người Mông từ nhiều nơi “nhảy dù” về đây đã phá sạch. Tình trạng phá rừng làm nương rẫy xảy ra liên tục. Có những ngọn núi buổi sáng, chúng tôi đi qua vẫn xanh tươi vậy mà chỉ qua một đêm đã bị đốn hạ hoàn toàn. BĐBP và chính quyền địa phương phải căng mình đi tuyên truyền, vận động, xử lý các vụ việc tranh giành đất đai, mâu thuẫn giữa người theo đạo và không theo đạo, giữa người bản địa với người nhập cư rất vất vả. Đau đầu nhất vẫn là việc quy hoạch khu dân cư bố trí đất ở, đất canh tác cho người di cư tự do đến ổn định cuộc sống”.

Khi “đạo Vàng Chứ” xâm nhập vào cộng đồng người Mông, những truyền thống tốt đẹp, tinh thần đoàn kết của dân tộc Mông cũng bị phá vỡ, thậm chí, nảy sinh mâu thuẫn giữa những người theo đạo và không theo đạo. Một trong những vụ việc điển hình là cụ Giàng Sè Páo, bố của ông Giàng A Vừ, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Nà Bủng, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên bị sát hại vào tháng 7-2010. Dù bị lôi kéo nhiều lần nhưng cụ Páo và gia đình kiên quyết không theo đạo trái phép. Vì lý do đấy, lại thấy cụ hay trò chuyện với cán bộ Biên phòng, vào một đêm tối, các đối tượng quá khích đã dùng súng bắn chết cụ Páo và bỏ trốn khỏi địa bàn.

Cũng trên địa bàn huyện Mường Nhé, năm 2010, tên Vàng A Ía, ở bản Nậm Mỳ, xã Mường Toong, huyện Mường Nhé cùng một số đối tượng cực đoan người dân tộc Mông ở các tỉnh Điện Biên, Đắk Lắk phối hợp lôi kéo người Mông trên các địa bàn tham gia hoạt động chống phá Nhà nước. Chúng triệt để lợi dụng việc mê tín dị đoan, thần quyền giáo lý để dụ dỗ, hù dọa, ép buộc người Mông ở khắp nơi theo mình, kích động người dân làm nhiều việc trái pháp luật để phục vụ lợi ích và mục đích chính trị của chúng.

Một gia đình người Mông từng bị kẻ xấu lừa phỉnh di cư ra nước ngoài khi trở về địa phương được chính quyền tỉnh Điện Biên hỗ trợ nhiều mặt để ổn định cuộc sống. Ảnh: Bích Nguyên

 

Một ngày tháng 5-2011, đối tượng Vàng A Ía tung tin ngày 21-5-2011 là "ngày tận thế”, đất sẽ sụp, cháy khắp nơi, mọi người sẽ chết hết. Sau khi hù dọa người dân, Ía mở ra một “con đường sống” cho mọi người bằng luận điện: “Bà con yên tâm, cứ đến Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé vì lúc đó “đấng cứu thế”, “vua Mông” sẽ xuất hiện ở bản Huổi Khon. Những ai đến Huổi Khon sẽ được chúa cứu giúp; sẽ có thế lực siêu nhiên xuất hiện, dùng đám mây bốc tất cả đến một nơi ấm no, hạnh phúc, một miền đất hứa. Mọi người sẽ được cho đất, cho vàng, thậm chí được ban phép lạ, được sống sung sướng”…

Tin theo những điều hoang đường này, hàng nghìn người Mông ở các tỉnh Tây Bắc, thậm chí từ các tỉnh Tây Nguyên đã về tụ tập trên khu đồi trọc đầu bản Huổi Khon chờ “chúa trời đón đi”. Nhiều hộ gia đình bỏ cả ruộng nương, bán tháo tài sản, tích trữ lương thực, xăng dầu tập trung nhau về Huổi Khon. Theo tài liệu của Công an Điện Biên, từ ngày 30-4 đến ngày 6-5-2011, đã có khoảng 7.000 người Mông ồ ạt kéo về bản Huổi Khon tụ tập. Các đối tượng phản động dựng sẵn 300 lều, lán bằng bạt để từng hộ dân vào ở, lập barie tại hai đầu bản Huổi Khon và bố trí người canh gác, khiến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn diễn biến phức tạp.

Không thấy vua đâu, chỉ thấy khổ sở

Thực chất, Vàng A Ía là đối tượng cầm đầu của Tổ chức phản động “Ngôi sao 6 cánh” nuôi dưỡng âm mưu thành lập “Vương quốc Mông” lôi kéo người Mông trên các địa bàn tham gia hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước ta. Chúng kích động người Mông về Huổi Khon nhằm gây áp lực đòi chính quyền cắt đất, mục đích thành lập “Vương quốc Mông”. Khi dụ dỗ được hàng nghìn người Mông chân chất về Huồi Khon, chúng thiết lập các trạm gác trên con đường độc đạo vảo bản, thực hiện chế độ “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, cử lực lượng có trang bị súng kíp canh gác, tuần tra.

Trong một không gian sinh hoạt chật hẹp, người già, trẻ em thì ốm đau vật vạ. Nhiều người Mông đã phải chờ đợi trong cảnh thiếu thốn lương thực, nước uống mà mãi không thấy “vua” xuất hiện. Họ muốn trở lại quê hương nhưng lại bị các đối tượng trong tổ chức của Vàng A Ía dọa nạt, o ép. Bọn chúng cũng không cho lực lượng chức năng vào giải quyết, thậm chí còn bắt giữ cán bộ để đòi yêu sách, đồng thời loan tin bị đàn áp để các tổ chức nhân quyền tạo sức ép với chính quyền địa phương.

Chứng kiến những sự kiện ở Huổi Khon, ông Sùng A Kỷ, người dân bản Huổi Khon 1 không khỏi xót xa cảnh khốn khổ của những người Mông đã tụ họp về đây. Ông kể: “Hàng nghìn người Mông tụ họp về đây ăn ở tạm bợ, vật vạ, thiếu nước uống. Khổ nhất là trẻ em và người già. Nhiều người đau ốm, bệnh tật mà không được tới trạm y tế khám bệnh, uống thuốc. Những kẻ xấu chặn các ngả đường không cho dân bản chúng tôi đi lại. Vụ tụ tập đông người đã kiến cuộc sống của chúng tôi bị đảo lộn hoàn toàn. Chúng còn lôi kéo, ép người dân trong bản tôi nghe theo những điều hoang đường, không có thật. Tôi nhất quyết không nghe”.

Cán bộ BĐBP Điện Biên tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật kết hợp hướng dẫn bà con thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Anh Dũng

 

Trước tình hình trên, lực lượng BĐBP đã phối hợp với Công an và chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân không tin theo luận điệu giả dối của Vàng A Ía và đồng bọn. Cả tuần chờ đợi mòn mỏi, không thấy sung sướng, của cải ở đâu và chỉ có đói khát, bệnh tật, cùng với sự giải thích của lực lượng chức năng, những người tụ tập về Huổi Khon đã nhận ra dã tâm của Vàng A Ía. Lực lượng chức năng đã bắt giữ 127 đối tượng có hành vi cản trở người thi hành công vụ, thu được nhiều quả nổ tự chế, súng kíp, bao đựng thuốc nổ, đạn, súng AK, cung nỏ, dao kiếm, hàng chục tấn lương thực, máy xát, máy phát điện.

Về phần người dân đã được BĐBP và chính quyền địa phương giúp đỡ, trở về quê hương bản quán tiếp tục lao động sản xuất. Giữa lúc khó khăn nhất, họ được chính quyền và bộ đội hỗ trợ cây con giống để làm ăn, Nhà nước tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế, cho vay vốn xóa nghèo, miễn giảm học phí… Ông Kỷ cho hay: “Lúc này, người Mông mới tỉnh ngộ và nhận rõ âm mưu lừa phỉnh của Vàng A Ía. Không có vua nào cả, cũng không có người nào của bọn thằng Ía giúp đỡ bà con cả mà chỉ có BĐBP và chính quyền địa phương ở bên cạnh hỗ trợ mọi thứ để bà con ổn định cuộc sống. Tôi vẫn nói với bà con là phải chăm chỉ lao động sản xuất mới có ăn, chỉ có Đảng và Nhà nước quan tâm tới người Mông chúng ta, chứ không có vua chúa nào cả”.

 Nguồn: https://www.bienphong.com.vn/