Xây dựng niềm tin tôn giáo đúng đắn cho đồng bào dân tộc thiểu số (bài 3)
Ngày đăng: 27/10/2021
Lực lượng BĐBP luôn đồng hành, giúp đỡ đồng bào các dân tộc thiểu số thuộc các tín ngưỡng tôn giáo khác nhau ổn định cuộc sống, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hoạt động của các tổ chức tà đạo, đạo lạ đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đời sống của một bộ phận người dân, đặc biệt là ở vùng dân tộc thiểu số, gây bất ổn về chính trị - xã hội ở một số địa phương trong một số thời điểm nhất định. Do đó, việc nâng cao nhận thức để người dân nhận rõ tà đạo, có niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo lành mạnh, đúng đắn là hết sức cần thiết. Đó cũng là cách để chủ động phòng ngừa từ xa, đấu tranh có hiệu quả với tà đạo, đạo lạ, đảm bảo sự ổn định chính trị - xã hội ở nước ta.

Bài 3: Nâng cao nhận thức để người dân không “lạc lối”

Người dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Trước hết, cần phải khẳng định, chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân thực hiện quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Từ khi thành lập nước đến nay, Việt Nam hết sức coi trọng chính sách đoàn kết và hòa hợp giữa các tôn giáo, đảm bảo sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng, bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật.

Quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo của công dân Việt Nam được quy định trong Hiến pháp và được bảo đảm trên thực tế. Ngay trong Hiến pháp đầu tiên của nước ta (năm 1946, Điều 10 đã nhấn mạnh: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận; tự do xuất bản; tự do tổ chức và hội họp; tự do tín ngưỡng; tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”. Tiếp đó, Hiến pháp năm 1959 quy định “Công dân nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa có các quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào” (Điều 26). Điều 68, Hiến pháp năm 1980 tiếp tục khẳng định: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào; không ai được lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”.

Tại Điều 24, Hiến pháp năm 2013 (sửa đổi) của nước ta ghi rõ: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.

Cho đến nay, đến thời điểm Tổng điều tra năm 2019, có 16 tôn giáo được phép hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

Cùng với các hệ phái tôn giáo đã được công nhận, có nhiều tôn giáo mới, đạo lạ với nhiều tên gọi và nguồn gốc khác nhau xâm nhập vào nước ta, tồn tại bên cạnh các tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống. Theo thống kê chưa đầy đủ của Ban Tôn giáo Chính phủ, tính đến tháng 4-2021, cả nước có 85 đạo lạ. Điều đáng nói là trong số các đạo lạ, có những đạo hoạt động trái với chuẩn mực đạo đức xã hội và truyền thống văn hóa, chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo, thậm chí mang màu sắc chính trị, hoạt động vi phạm pháp luật, tác động xấu đến an ninh trật tự, được gọi chung là tà đạo. Sự hình thành, phát triển cùng những hoạt động phức tạp của đạo lạ, tà đạo ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều mặt của đời sống xã hội như đã nói ở các bài viết trước.

Hiện nay, Việt Nam có 16 tôn giáo đang hoạt động. Ảnh: Nguyễn Vân

 

Vấn đề quan trọng là làm thế nào để tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của đạo lạ, tà đạo nhằm phù hợp với luật pháp hiện hành và thực tế xã hội. Đồng thời, định hướng công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu rõ, nhận diện đúng; góp phần đấu tranh phản bác các hoạt động lợi dụng đạo lạ, tà đạo để vi phạm pháp luật, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc.

Tăng “sức đề kháng” cho người dân

Trong những năm qua, các cơ quan chức năng đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật, trong đó có tà đạo. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn sự hình thành, phát triển của các tà đạo trong thời gian tới cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số - vốn được coi là “vùng lõm” thông tin của cả nước.

Trước hết, cần tăng cường công tác tuyên truyền về hoạt động tôn giáo và đường lối, chính sách đúng đắn về tôn giáo của Đảng, Nhà nước, nhất là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP, ngày 30-12-2017, của Chính phủ, về “Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo” để cán bộ, người dân và tổ chức, cá nhân theo tôn giáo hiểu, nâng cao nhận thức và chủ động thực hiện đúng. Khi người dân có hiểu biết, nhận thức đúng đắn, họ sẽ tự mình phân biệt được đúng sai, nhận rõ những điều phi lý, hoang đường mà các đối tượng xấu thường tuyên truyền, tự tạo “lá chắn” miễn nhiễm với các tà đạo. Với nhận thức đúng đắn người dân cũng sẽ thấy được giá trị tốt đẹp của các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống. Từ đó, có hành động bảo vệ, giữ gìn và phát huy thay vì phá bỏ như những lời dụ dỗ của các tà đạo.

Bên cạnh đó, cần chú trọng hơn tới công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, đẩy mạnh hướng dẫn các tổ chức tôn giáo hoạt động theo hiến chương, điều lệ đã được Nhà nước công nhận và theo quy định của pháp luật. Định hướng các sinh hoạt, hoạt động tín ngưỡng theo thuần phong mỹ tục của dân tộc và phù hợp với luật pháp. Đồng thời, tăng cường xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần phong phú, lành mạnh cho mọi người dân nhằm tạo “sức đề kháng”, “miễn dịch” mạnh mẽ trước hoạt động của các tà đạo.

Các nữ tu công giáo Nam Định đi bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Tuấn Hoàng

Mặt khác cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thực hiện công bằng xã hội, không ngừng nâng cao trình độ dân trí, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm ổn định an ninh chính trị - trật tự, an toàn xã hội, nhất là ở các khu vực, địa bàn trọng điểm, nơi có hoạt động phức tạp của tà đạo. Kịp thời phát hiện và đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả với các hoạt động lợi dụng tôn giáo và các hiện tượng tôn giáo mới hoạt động chống đối, ly khai, có màu sắc chính trị, không để hình thành tổ chức.

Cùng với các hoạt động trên, cần thông tin rộng rãi cho người dân, các tổ chức tôn giáo về các thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo, lợi dụng niềm tin của đồng bào nhằm chia rẽ đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc, kích động li khai, thành lập nhà nước riêng. Những thông tin chính thống sẽ giúp người dân cảnh giác, không tin và không nghe theo các luận điệu xuyên tạc, không tham gia các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật.

Ngoài ra, nên phát huy tối đa vai trò của hệ thống chính trị ở cơ sở trong vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo tuân thủ pháp luật và tham gia phong trào xây dựng, bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nêu gương điển hình tiên tiến thực hiện tốt hoạt động “sống tốt đời, đẹp đạo”; vận động các tín đồ, tín hữu tôn giáo tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ở các địa phương.

 Nguồn: https://www.bienphong.com.vn/