Vận động chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo tích cực tham gia cuộc bầu cử thông qua các hội nghị tuyên truyền
Ngày đăng: 20/05/2021Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện trọng đại đối với cử tri cả nước, trong đó có đông đảo chức sắc, tín đồ các tôn giáo. Đây là đợt sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân để lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho Nhân dân tại Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp.
Ngày 17/11/2020, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 133/2020/QH14 về Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; theo đó, ngày bầu cử sẽ được tiến hành vào Chủ nhật, ngày 23/5/2021. Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng đối với cả nước và từng địa phương; được tổ chức vào thời điểm kế thừa 35 năm đổi mới, đất nước đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, toàn diện, đặc biệt là giai đoạn 2016-2020 với những dấu ấn nổi bật trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, Việt Nam nói chung và tỉnh Bắc Ninh nói riêng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19; các thế lực thù địch trong và ngoài nước, các đối tượng cực đoan, chống đối trong các tôn giáo vẫn tiếp tục tìm mọi cách chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, chống phá công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Kể từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay, Quốc hội Việt Nam đã trải qua 14 nhiệm kỳ xây dựng và phát triển và từ khóa I đến khóa XIV đều có chức sắc, chức việc, nhà tu hành của các tôn giáo tham gia. Các vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành của các tôn giáo được Giáo hội giới thiệu, Nhân dân lựa chọn bầu vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là những người ưu tú, có nhiều đóng góp trong công tác lập pháp và sự nghiệp xây dựng đất nước, luôn thể hiện rõ trách nhiệm của người đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân nói chung và của đồng bào tôn giáo nói riêng.
Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Nội vụ, UBND tỉnh, trên cơ sở kế hoạch đã xây dựng, trong thời gian 02 tháng (tháng 3 và tháng 4/2021), Ban Tôn giáo - Sở Nội vụ đã tiến hành triển khai tổ chức được 07 lớp (tại các huyện: Yên Phong (01 lớp), Thuận Thành (02 lớp), thành phố Bắc Ninh (01 lớp), Lương Tài (01 lớp), Quế Võ (01 lớp), Từ Sơn (01 lớp)) tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-202615 cho đối tượng là chức sắc, chức việc và tín đồ tôn giáo tham dự.
Nội dung hội nghị tuyên truyền chủ yếu là về các quy định của Pháp luật liên quan đến cuộc Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; về vị trí, vai trò của Quốc hội và Hội đồng nhân dân trong bộ máy nhà nước; về vị trí, vai trò của người đại biểu nhân dân; về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân trong việc xây dựng bộ máy nhà nước; quyền ứng cử, quyền bầu cử của công dân theo quy định của Hiến pháp, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; góp phần nâng cao ý thức tự giác của chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tổ chức tôn giáo trong thực hiện công tác bầu cử.
Bên cạnh đó, hướng dẫn lãnh đạo các tổ chức tôn giáo tuyên truyền trên các trang truyền thông của Giáo hội để mọi cử tri là chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo tự giác, tích cực và chủ động tham gia các Hội nghị cử tri, lựa chọn và giới thiệu người ứng cử có đủ tiêu chuẩn, trình độ; đồng thời, vận động lãnh đạo Giáo hội các tổ chức tôn giáo phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp trong việc tổ chức hiệp thương lựa chọn, giới thiệu những người theo đạo có đạo hạnh và uy tín, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, có tinh thần dân tộc, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có năng lực, điều kiện thực hiện nhiệm vụ đại biểu ra ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, đảm bảo có tỷ lệ đại biểu các tôn giáo phù hợp với quy định của Nhà nước.
Việc triển khai thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trong các tôn giáo đảm bảo đúng sự chỉ đạo, định hướng chính trị của Đảng, Hội đồng Bầu cử quốc gia và của Ủy ban Bầu cử các cấp. Tuyên truyền sâu rộng, tạo sự thống nhất về nhận thức, sự đồng thuận trong các tổ chức, cá nhân tôn giáo và trong toàn xã hội để Cuộc bầu cử được tổ chức đạt kết quả cao, bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân.
Tăng cường vận động và tạo điều kiện thuận lợi cho các chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình trong việc lựa chọn, giới thiệu ứng cử, bầu người có uy tín, đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân tham gia vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh Bắc Ninh; vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo nắm vững quy định về mục đích, ý nghĩa của ứng cử, bầu cử; nêu cao ý thức và trách nhiệm công dân, thực hiện nghiêm túc quyền lợi, nghĩa vụ trong công tác bầu cử; tự giác, tích cực, chủ động tham gia bầu cử.
Đồng thời, hướng dẫn lãnh đạo Giáo hội các tổ chức tôn giáo thông qua các buổi giảng lễ, các sinh hoạt tôn giáo để vận động tín đồ tích cực tham gia bầu cử. Công tác tuyên truyền cuộc bầu cử dần được tiến hành song song với lộ trình, bước đi của Cuộc bầu cử (trước, trong và sau khi bầu cử), đồng thời bám sát vào kế hoạch của Hội đồng bầu cử Quốc gia, Ủy ban Bầu cử các cấp tỉnh Bắc Ninh.
Tuyên truyền tới chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử; khẳng định rõ đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và của mọi tầng lớp Nhân dân; là nơi để cử tri (trong đó có chức sắc chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo) phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân, lựa chọn ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của mình trong cơ quan quyền lực Nhà nước ở Trung ương và địa phương.
Thông qua các Hội nghị tập huấn, công tác vận động chức sắc, chức việc các tôn giáo tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã có hiệu ứng tích cực. Việc vận động, tranh thủ lãnh đạo các tổ chức tôn giáo ủng hộ đối với số chức sắc, chức việc tham gia ứng cử, tạo được sự đồng thuận. Có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn không để số đối tượng xấu, chức sắc cực đoan chống phá, hạ uy tín của số chức sắc tham gia ứng cử; trang bị kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại cuộc bầu cử, chống phá Đảng, Nhà nước và chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết các tôn giáo.
Ban Tôn giáo phối hợp với người đứng đầu, lãnh đạo Giáo hội các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh để nắm chắc diễn biến tình hình, kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp quản lý nhà nước, không để bị động, bất ngờ, không để phát sinh điểm phức tạp liên quan đến tôn giáo, ảnh hưởng tới công tác bầu cử; chủ động làm việc với lãnh đạo Giáo hội các tổ chức tôn giáo để tác động, vận động chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo tham gia ứng cử, bầu cử.
Làm tốt công tác tranh thủ, vận động lãnh đạo Giáo hội các tổ chức tôn giáo ở địa phương để tác động chức sắc, chức việc, tín đồ tham gia ứng cử, bầu cử; không nghe, không tin luận điệu xuyên tạc của thế lực xấu, lôi kéo kích động tín đồ không đi bầu cử. Kịp thời nắm dư luận, thái độ của chức sắc tôn giáo, tham mưu xử lý, không để phát sinh diễn biến phức tạp tại địa phương.
Công tác tuyên truyền được triển khai tổ chức thực hiện trước thềm cuộc bầu cử với mục đích trang bị cho chức sắc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo hiểu thêm các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng và cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân góp phần tích cực vào xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Việc tham gia bầu cử không chỉ là quyền lợi mà còn là nghĩa vụ, trách nhiệm lớn lao của mỗi công dân Việt Nam, trong đó có chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo. Quyền và nghĩa vụ đó không chỉ thể hiện trong ngày bầu cử, mà còn được minh chứng trong suốt quá trình tham gia đề cử, giới thiệu người ứng cử và bỏ phiếu.
Nguyễn Hằng