UBMTTQVN tỉnh Cà Mau giám sát thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn huyện Trần Văn Thời
Ngày đăng: 05/09/2022Thực hiện Kế hoạch số 164/KH-UBMTTQVN ngày 24/6/2022 của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) tỉnh Cà Mau về tổ chức Đoàn giám sát thực hiện pháp luật về tôn giáo trên địa bàn huyện Trần Văn Thời.
Ngày 31/8/2022, Đoàn giám sát do ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Cà Mau cùng các thành viên là đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Văn hóa – Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban Tôn giáo - Sở Nội vụ, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật và Văn hóa – Xã hội của UBMTTQVN. Cùng tham gia Đoàn còn có các ông, bà là Ủy viên Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh Cà Mau. Thông qua đợt giám sát lần này, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Góp phần xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Phát huy mặt tích cực, khắc phục những hạn chế, yếu kém và kiến nghị sửa đổi, bổ sung những vấn đề còn bất cập để các chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội.
Theo Báo cáo số 553/BC-UBND ngày 12/7/2022 của Ủy ban nhân dân huyện Trần Văn Thời hiện nay địa bàn của huyện có 11 xã, 02 thị trấn, 153 ấp, khóm. Toàn huyện có 57 cơ sở tín ngưỡng dân gian, thuộc các loại hình tín ngưỡng, như: Thờ Bà Chúa xứ, Bà Thiên hậu, Lăng Ông, Đình. Địa bàn của huyện có 06 tôn giáo, với 16 tổ chức tôn giáo trực thuộc, 10.153 tín đồ các tôn giáo (có 1.875 tín đồ là người dân tộc thiểu số); có 35 chức sắc, 173 chức việc và 07 điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung thuộc đạo Công giáo và các hệ phái Tin Lành. Địa bàn của huyện có một Đình thần thuộc xã Phong Lạc, chùa Tam Hiệp, xã Khánh Hưng đã được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2019 và lễ hội Nghinh Ông thị trấn Sông Đốc được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia vào năm 2021.
Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh tại chùa Tam Hiệp
Bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, trong thời gian (từ tháng 01/2018 đến nay) tình hình hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn huyện Trần Văn Thời cơ bản ổn định, tuân thủ quy định của pháp luật. Công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật về tôn giáo trên địa bàn của huyện luôn được quan tâm. Hằng năm, các cơ quan, đơn vị trên đại bàn huyện tổ chức hơn 30 cuộc lồng ghép, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thu hút gần 9.200 lượt người tham dự. Riêng tuyên truyền về Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản có liên quan được 124 cuộc, trong đó: cán bộ, công chức 420 người, chức sắc tôn giáo 56 người, chức việc 09 người.
Thông qua đợt giám sát, Đoàn đã ghi nhận một số kiến nghị của UBND huyện, như: (1) Trung ương sớm ban hành nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. (2) UBND tỉnh quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức phụ trách công tác tôn giáo đi tham quan một số hình hoạt động tôn giáo ở những nơi có sinh hoạt tôn giáo phổ biến để trao đổi, học hỏi cách thức quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; quan tâm có chính sách đặc thù cho cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo ở cơ sở. (3) Tỉnh thường xuyên mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng tạo điều kiện để cán bộ, công chức cấp huyện, xã tiếp thu kiến thức trong quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo đảm bảo thực hiện tốt nhất nhiệm vụ được giao./.
Trần Lưu