Tu bổ di tích - Nhà nước và nhân dân cùng làm
Ngày đăng: 28/09/2021Bắc Ninh là tỉnh giàu có về di sản văn hóa. Tính riêng di sản văn hóa vật thể, hiện tỉnh đang sở hữu gần 1.600 di tích là các đình, đền, chùa, miếu, nhà thờ, lăng mộ... Mỗi di tích đều kết tinh giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời của quê hương, dân tộc, ghi đậm dấu ấn tâm sức, tài năng, sự sáng tạo của cha ông. Việc tu bổ, tôn tạo di tích không chỉ với ý nghĩa trước mắt là bảo vệ, chống xuống cấp mà còn có giá trị lâu dài, thiết thực phục vụ sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân, gắn với việc khai thác để phát triển du lịch.
* “Đòn bẩy” thu hút xã hội hóa
Trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, chưa đủ để đầu tư cho hàng trăm di tích xuống cấp theo thời gian thì việc kết hợp huy động các nguồn lực xã hội hóa là tất yếu và có ý nghĩa quan trọng. Thực tiễn cho thấy, chưa bao giờ và cũng chưa lĩnh vực nào thu hút nguồn lực xã hội hóa mạnh mẽ, hiệu quả như hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích trong những năm gần đây.
Nhà nước đầu tư 200 triệu, nhân dân đóng góp 9 tỷ đồng
Thực hiện tâm nguyện của nhân dân mong muốn tu bổ, tôn tạo ngôi đình làng xứng tầm di tích lịch sử văn hóa để tri ân công đức các vị Thành Hoàng làng có công với dân với nước, tháng 8-2018, được sự đồng ý của các cấp, ngành chức năng, nhân dân thôn Xuân Lai (xã Xuân Lai, Gia Bình) triển khai dự án tu bổ đình làng. Sau gần 2 năm thi công, tháng 12-2019, ngôi đình bề thế, uy nghiêm, tố hảo được khánh thành với tổng mức đầu tư 9,2 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ 200 triệu đồng, còn lại 9 tỷ đồng là kinh phí xã hội hóa từ sự kêu gọi đóng góp của người dân và tấm lòng hảo tâm công đức của các tổ chức, doanh nghiệp, con em quê hương... Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Nam, Trưởng thôn Xuân Lai phấn khởi: Ngôi đình khánh thành đưa vào sử dụng, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân trong thôn là sự kết tinh của lòng Dân và ý Đảng, là niềm tự hào như dấu son của tinh thần đoàn kết toàn dân với ý thức trân trọng, bảo vệ di sản văn hóa của các bậc tiền nhân.
Chúng tôi về đình làng Huề Đông (xã Đại Lai), di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đang được tiến hành tu bổ phần hậu cung. Ngôi đình thờ Thành Hoàng làng là tướng Doãn Công và Lữ Gia. Năm 2021, di tích này được tỉnh hỗ trợ 300 triệu đồng để tu sửa phần hậu cung nhưng theo dự án thiết kế tu bổ đã phê duyệt có tổng mức đầu tư là 1,5 tỷ đồng, vì vậy, phần kinh phí còn lại địa phương phải tuyên truyền, vận động người dân, các tổ chức, cá nhân ủng hộ. Đến nay, địa phương huy động được khoảng 600 triệu đồng. Các ban, ngành, đoàn thể địa phương vẫn đang tích cực kêu gọi, vận động ủng hộ.
Dẫn chúng tôi tham quan hiện trường thi công công trình, ông Nguyễn Văn Đãi, Trưởng ban giám sát cộng đồng tâm sự: Cũng nhờ có nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh mà cán bộ và nhân dân trong thôn có thêm quyết tâm đồng lòng chung sức tu bổ ngôi đình. Ngoài đóng góp tiền của, hiện vật, nhân dân còn góp sức, góp công tham gia hạ giải, túc trực giám sát, bảo đảm việc thi công đúng chất lượng, kĩ thuật, mỹ thuật, góp phần gìn giữ di sản cho thế hệ mai sau...
Không riêng ở Xuân Lai hay Huề Đông, thời gian qua nhiều di tích lịch sử văn hóa ở huyện Gia Bình nhận được sự quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị bằng nhiều hoạt động ý nghĩa. Ông Nguyễn Hồng Phúc, Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện cho biết: Gia Bình hiện có gần 200 di tích, trong đó 70 di tích được xếp hạng (10 di tích cấp Quốc gia và 60 di tích cấp tỉnh). Từ năm 2015 đến nay, toàn huyện có khoảng 30 lượt di tích được tu bổ, tôn tạo bằng vốn ngân sách hỗ trợ của nhà nước và xã hội hóa, trong đó phần lớn là huy động trong nhân dân, các nhà hảo tâm, con em quê hương phương xa, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài địa phương. Một số di tích thu hút xã hội hóa hiệu quả như: Đình thôn Xuân Lai huy động được 9 tỷ đồng, đình Du Tràng (xã Giang Sơn) 2,5 tỷ; đình Huề Đông (xã Đại Lai) huy động được 600 triệu đồng...
Dự án tu bổ di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đình làng Huề Đông (xã Đại Lai, Gia Bình) dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2021
Hiệu quả từ chủ trương đúng đắn
Với niềm tự hào, tôn trọng di sản văn hóa của ông cha, cộng đồng dân cư các địa phương trong tỉnh ngày càng quan tâm, tham gia đóng góp, ủng hộ kinh phí để trùng tu di tích. Chưa bao giờ và chưa thấy lĩnh vực nào lại thu hút nguồn lực xã hội hóa mạnh mẽ, hiệu quả như trong hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích thời gian qua.
Ông Nguyễn Văn Đáp, Trưởng phòng Văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhận định: Dù không quá lớn song nguồn kinh phí hỗ trợ chống xuống cấp của tỉnh hàng năm tạo động lực, làm “đòn bẩy” để địa phương kêu gọi, huy động các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp, ủng hộ bảo vệ di dích.
Theo số liệu thống kê của Ban Quản lý di tích tỉnh, từ năm 2015 đến năm 2021, toàn tỉnh có 349 lượt di tích được tu bổ tôn tạo với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 140 tỷ đồng từ ngân sách của Trung ương và của tỉnh (chưa tính các di tích trọng điểm được đầu tư kinh phí theo đề án, dự án riêng).
Điều đáng nói, bên cạnh nguồn kinh phí của nhà nước, nhân dân các địa phương tự nguyện đóng góp và tích cực huy động các nguồn lực xã hội hóa với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng cho việc tu bổ tôn tạo di tích. Một số công trình thu hút nguồn vốn xã hội hóa lớn như: Chùa Dạm (thành phố Bắc Ninh) hơn 200 tỷ đồng; chùa Bách Môn (Tiên Du) gần 57 tỷ đồng; đình Đa Hội (thị xã Từ Sơn) hơn 27 tỷ đồng; chùa An Động (Tiên Du) huy động được 25 tỷ đồng; đình Đồng Kỵ (thị xã Từ Sơn) kêu gọi được hơn 33 tỷ đồng; đình Chi Hồ (Tiên Du) hơn 20 tỷ đồng; chùa Cung Kiệm (Quế Võ) hơn 17 tỷ đồng; đình Ngọc Trì (Lương Tài) có gần 16 tỷ đồng xã hội hóa; đền Xà (Yên Phong) huy động được 15 tỷ đồng; đình Đoan Bái (Gia Bình) hơn 10 tỷ đồng; đình Đa Tiện (Thuận Thành) là 10 tỷ đồng…
Về cơ bản, công tác tu bổ tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh đang được thực hiện đúng Luật Di sản, tuân thủ nghiêm các trình tự thủ tục lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nhận thức của chính quyền, người dân địa phương về công tác tu bổ di tích từng bước được nâng cao. Đặc biệt với sự đồng thuận, ủng hộ của chính quyền và nhân dân các địa phương trong việc kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các mạnh thường quân chung tay góp sức vào hoạt động tu bổ đã giúp hàng trăm di tích tránh được nguy cơ bị hủy hoại.
Hiệu quả từ việc xã hội hóa các nguồn lực tu bổ để bảo vệ và kéo dài tuổi thọ di tích là không thể phủ nhận. Dẫu vậy, đây là hoạt động mang tính đặc thù, phức tạp, nhạy cảm và nhiều thách thức, do đó không thể tránh khỏi những vấn đề sai lệch cần tiếp tục tìm ra giải pháp tối ưu.
Đừng “Làm bừa, làm ẩu”
Thực tế cho thấy, xã hội hóa được xem là giải pháp then chốt trong huy động nguồn lực để trùng tu, tu bổ các di tích. Song không phải cứ có tiền là muốn làm gì cũng được! Theo PGS.TS Trần Lâm Biền: Muốn tu bổ di sản văn hoá trước hết phải hiểu di sản văn hoá từ chân tơ, kẽ tóc. Bởi di tích văn hoá được tu bổ không thể áp dụng theo lối xây dựng nhà cửa được. Nếu cứ làm bừa, làm ẩu thì dù chất liệu có đắt tiền, có tốt thế nào đi nữa thì đấy cũng là hành động phá hoại.
Mặc dù đã có quy định cụ thể nhưng thực tế ở Bắc Ninh vẫn còn một số di tích không thực hiện hoặc chưa thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích. Một số nơi vi phạm quy định về tu bổ di tích, không tuân thủ nghiêm theo thiết kế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Có nơi người dân tự ý đưa hiện vật mới vào di tích mà chưa xin phép hoặc không phù hợp, gây bức xúc trong nhân dân địa phương, dẫn đến khiếu kiện. Nhiều địa phương còn để xảy ra tình trạng lấn chiếm diện tích được khoanh vùng bảo vệ di tích...
Đình làng Đình Bảng (thị xã Từ Sơn) là điểm sáng tiêu biểu trong hoạt động tu bổ tôn tạo di tích
Đánh giá thực trạng vi phạm trong hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích, theo ông Nguyễn Duy Nhất, nguyên Trưởng Ban Quản lý di tích tỉnh, vi phạm chủ yếu xảy ra tại các di tích được tu bổ bằng nguồn xã hội hóa. Trước đây, di tích Quốc gia Đình Phú Mẫn (Yên Phong) nhân dân tự xây dựng mới cả vật liệu và địa điểm, không xin phép cấp có thẩm quyền, làm biến dạng hoàn toàn di tích gốc. Di tích Quốc gia Đình làng Đông Cốc (Thuận Thành), nhân dân địa phương tự ý xây dựng một ngôi chùa quy mô lớn trong khu vực bảo vệ của Đình. Di tích Quốc gia chùa Tiêu (thị xã Từ Sơn), nhà sư trụ trì tự ý xây dựng nhà tổ, nhà khách, tháp chuông, tháp đặt xá lỵ cao 9 tầng chất liệu bê tông cốt thép trong khuôn viên di tích mà không xin phép cơ quan có thẩm quyền, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý nhà nước và mỹ quan ngôi chùa. Di tích Quốc gia đền-chùa Phả Lại (Quế Võ), năm 2014, nhân dân địa phương tự ý xây dựng ngôi chùa to lớn trong khuôn viên di tích mà không báo cáo cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương cũng buông lỏng quản lý dẫn đến sự việc đã rồi, khó khăn trong công tác giải quyết.
Bên cạnh các địa phương có nguồn kinh phí xã hội hóa dồi dào, đầu tư xây dựng di tích bề thế, hoành tráng thì cũng có không ít địa phương vì điều kiện người dân chưa cho phép nên gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tu bổ và thường sẽ tiến hành sửa chữa theo kiểu có đến đâu làm đến đó, chắp vá, tạm bợ, thiếu thống nhất...
Như di tích cấp tỉnh Nghè làng Thanh Hoài (xã Thanh Khương, Thuận Thành) hiện các hạng mục chính Tiền tế, Đại bái, Hậu cung đều xuống cấp nghiêm trọng, mái ngói xô lệch, thấm dột; hệ thống hoành rui mối mục, đa phần hư hỏng nặng, không bảo đảm chịu lực; nhiều cột gãy phải gia cố bằng gông thép; tường bao nứt gãy, rêu mốc; nền sụt lún, bong tróc... Năm 2021, dự án thiết kế tu bổ di tích Nghè làng Thanh Hoài được cấp có thẩm quyền phê duyệt với tổng mức đầu tư là 5,9 tỷ đồng. Địa phương đang hoàn thiện hồ sơ để từng bước khởi công tu bổ. Nhưng ngoài nguồn vốn hỗ trợ chống xuống cấp của tỉnh là 300 triệu đồng, phần kinh phí còn lại phải huy động từ nguồn xã hội hóa mà việc kêu gọi đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nếu không huy động kinh phí kịp thời thì việc tu bổ di tích Nghè làng Thanh Hoài rất có khả năng sẽ lại rơi vào tình trạng chắp vá...
Khai thác đúng cách để phát huy giá trị di tích
Di tích không chỉ là tài sản của cộng đồng dân cư, của Quốc gia mà trước hết là tài sản văn hóa tinh thần của thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau. Do đó, chính cộng đồng dân cư là chủ thể bảo vệ, phát huy vai trò di tích. Khi nào và ở đâu mà cả chính quyền và người dân cùng tham gia quản lý, bảo tồn di tích, cùng biết cách khai thác đúng cách, đúng mục đích thì khi đó di tích sẽ được bảo tồn và phát huy giá trị lâu dài.
Đình làng Đình Bảng là điển hình, được nhiều địa phương đến tham quan, học tập. Trong quá trình tu bổ, hầu như tất cả yếu tố gốc cấu thành di tích đều được trân trọng gìn giữ mà di tích vẫn đáp ứng tốt nhu cầu xã hội hiện đại đặt ra. Hệ thống sàn gỗ của ngôi đình vẫn được bảo quản trong tình trạng kỹ thuật chắc chắn. Đặc biệt, sau khi tu bổ, nhân dân địa phương vẫn cắt cử người trông coi, hàng ngày thường xuyên kiểm tra từng cây cột, từng tấm ván, nếu phát hiện thấy có dấu hiệu mối mọt thì báo cáo để có phương án xử lý kịp thời.
Cổng chùa Yên Mẫn (phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh)
Theo quy định, khi thực hiện một dự án trùng tu, tôn tạo di tích đều phải thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục lập hồ sơ như các dự án của lĩnh vực xây dựng, đồng thời còn bị điều chỉnh bởi Luật Di sản. Chẳng hạn, nếu là di tích Quốc gia đặc biệt khi trùng tu tôn tạo phải thực hiện quy trình, thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hay với di tích Quốc gia phải lập hồ sơ, thủ tục trình Bộ Trưởng Bộ VHTT&DL. Còn với di tích cấp tỉnh phải được sự đồng ý phê duyệt của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hơn nữa, không phải đơn vị thi công nào cũng có thể tham gia mà phải bảo đảm năng lực chuyên môn về hành nghề tu bổ di tích.
Tháng 5-2021, Quyết định số 10 của UBND tỉnh về việc quản lý di tích, di vật, cổ vật, bảo vật Quốc gia trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh ban hành đã phân cấp quản lý di tích về cơ sở, tạo điều kiện cho các địa phương và cộng đồng dân cư chủ động hơn trong việc bảo vệ, tu bổ và phát huy giá trị di tích. Như vậy, nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng di tích bị xâm hại hoặc vi phạm Luật Di sản thì chính quyền địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Quyết định mới này là một trong những giải pháp quan trọng để hạn chế những vi phạm không đáng có trong quá trình tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích.
Ngoài ra, cần tăng cường bồi dưỡng nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn, tu bổ di tích, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý và những người trực tiếp trông coi di tích; ngành văn hóa thường xuyên thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm, tránh hiện tượng vi phạm rồi mới phát hiện sẽ rất khó khăn cho xử lý. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; tăng cường tuyên truyền, giới thiệu quảng bá di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng...
Theo bacninh.vn