Tọa đàm: Tôn giáo đồng hành cùng dân tộc
Ngày đăng: 18/11/2021
Báo VietNamNet tổ chức cuộc Tọa đàm trực tuyến với chủ đề Tôn giáo đồng hành cùng dân tộc với sự tham gia của hai khách mời: Tiến sĩ Lê Thị Liên và Tiến sĩ Nguyễn Văn Thanh.

Đảng và Nhà nước luôn chú trọng phát huy các nguồn lực tôn giáo trong quá trình phát triển đất nước. Nhờ đó, nhiều giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo đã và đang được phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vào chăm lo đời sống, an sinh xã hội.

Là lực lượng xã hội đông đảo, những năm qua, đồng bào các tôn giáo cả nước luôn là nhân tố tích cực trong công tác xã hội, hoạt động từ thiện - bác ái. Giáo lý cũng như tôn chỉ mục đích của các tổ chức tôn giáo đều chú trọng đến những việc làm thiện lành để giúp người, giúp đời và xây dựng đất nước.

Từ đường hướng đồng hành cùng dân tộc, gắn bó với quê hương, đất nước, các tổ chức tôn giáo đã chủ động tham gia hoạt động từ thiện - xã hội, công tác cứu trợ thiên tai, phòng, chống dịch bệnh. Những hoạt động này phát triển mạnh mẽ và lan tỏa rộng khắp, phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của tôn giáo trong công cuộc xây dựng xã hội mới.

Báo VietNamNet tổ chức cuộc Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: Tôn giáo đồng hành cùng dân tộc với sự tham gia của hai khách mời: Tiến sĩ Lê Thị Liên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ; Tiến sĩ Nguyễn Văn Thanh, Trưởng ban Tôn giáo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tiến sĩ Lê Thị Liên

Xin hỏi Tiến sĩ Lê Thị Liên, chính sách tôn giáo và đảm bảo quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước ta đã tạo điều kiện thuận lợi như thế nào để các tổ chức tôn giáo cùng tín đồ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội?

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những chính sách đặc biệt của Việt Nam đã được xác định từ rất lâu. Khi trình bày “Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3/9/1945, Bác Hồ đã khẳng định: “Tín ngưỡng tự do và Lương giáo đoàn kết”. Quan điểm này trở thành kim chỉ nam cho Đảng, Nhà nước trong vấn đề hoạch định và thực thi chính sách tín ngưỡng, tôn giáo.

Việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã thẩm thấu trong đời sống của đồng bào tôn giáo và toàn xã hội. Điều này khiến đồng bào tôn giáo yên tâm tin tưởng vào chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước. Trong mỗi giai đoạn phát triển đất nước, thời kỳ đất nước đổi mới thì chủ trương chính sách ấy càng được phát huy và lan tỏa.

Cùng với đó, bà con các tôn giáo sẽ có nhiều cơ hội, yên tâm hơn để đóng góp nguồn lực trong hoạt động xã hội. Ở bất cứ giai đoạn nào, bất cứ hoàn cảnh nào, các hoạt động từ thiện xã hội, giá trị đạo đức tôn giáo cũng như đóng góp của chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo đều có sự lan tỏa. Chính những chủ trương, chính sách về đảm bảo quyền tự do tôn giáo của Đảng, Nhà nước là bệ đỡ, là đường ray, tạo động lực để đồng bào có đạo ở Việt Nam lan tỏa giá trị đó.

Thưa Tiến sĩ Nguyễn Văn Thanh, từ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội đã phát động các chương trình, các cuộc vận động thi đua yêu nước trong đồng bào các tôn giáo ra sao?

Đảng, Nhà nước ta luôn coi đồng bào các tôn giáo là một bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng bào các tôn giáo ở nước ta có truyền thống gắn bó, đồng hành với dân tộc, sống tốt đời, đẹp đạo.

Trong những năm qua, có rất nhiều chương trình và phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động được triển khai chung trong các tôn giáo cũng như trong toàn dân. Đồng thời có những phong trào, cuộc vận động triển khai trong phạm vi địa phương, vùng miền; có những phong trào, cuộc vận động triển khai mang tính đặc thù riêng của từng tôn giáo.

Ví dụ như Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư hiện lấy tên là Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đây là cuộc vận động mang tính chất toàn dân, toàn diện và lâu dài, trong đó có tất cả đồng bào các tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, chức sắc, chức việc, nhà tu hành và đồng bào các tôn giáo hưởng ứng tích cực. Qua đó làm thay đổi rất nhiều bộ mặt đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các tôn giáo.

Trên cơ sở cuộc vận động này, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã triển khai Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo trong tất cả khu dân cư vùng đồng bào công giáo. Bên Phật giáo có phong trào “Xây dựng chùa cảnh tinh tiến gương mẫu”. Đạo Cao Đài có phong trào Nồi cháo tình thương. Phật giáo Hòa Hảo có phong trào tổ chức các chuyến xe cứu thương thiện nguyện…

Có những phong trào mà tất cả tổ chức tôn giáo tham gia, cùng Mặt trận Tổ quốc, cơ quan quản lý nhà nước ký kết chương trình và triển khai bài bản trong toàn quốc. Chẳng hạn năm 2015, Chương trình Phát huy vai trò của tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được ký kết với tất cả lãnh đạo 40 tổ chức thuộc 14 tôn giáo. Hiện đã có trên 2.000 mô hình điểm của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được triển khai trên cả nước, lan tỏa và thu hút không chỉ đồng bào các tôn giáo mà còn ra ngoài xã hội, ở các khu dân cư, kể cả những người không tôn giáo.

Đặc biệt khi xảy ra thiên tai, lũ lụt, Mặt trận Tổ quốc phát động các phong trào Hướng về miền Trung hoặc hướng về đồng bào các tỉnh bị thiên tai thì các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, đông đảo tín đồ các tôn giáo đã rất nhiệt tình hưởng ứng tham gia. Hay khi chúng tôi hệ thống lại phong trào xây dựng Quỹ Vì người nghèo thì thấy rằng tất cả tổ chức tôn giáo các cấp đều đăng ký ủng hộ.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thanh

Truyền thống gắn bó, đồng hành với dân tộc, sống tốt đời, đẹp đạo và cũng là thể hiện truyền thống yêu nước của người Việt Nam, trong đó có đồng bào các tôn giáo đã được tiếp nối, lan tỏa, nhân lên trong thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

Ông có thể chia sẻ thêm về Đề án Tăng cường vận động đoàn kết các tôn giáo của nước ta hiện nay, một đề án quan trọng đã và đang được Mặt trận Tổ quốc chủ trì hướng dẫn các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị thực hiện?

Các nội dung của Đề án có rất nhiều, mang tính chất toàn diện trên mọi lĩnh vực để phát huy, lan tỏa chủ nghĩa yêu nước của người Việt Nam. Trong đó có truyền thống gắn bó, đồng hành với dân tộc và truyền thống sống tốt đời, đẹp đạo của các tôn giáo; biến nó trở thành sức mạnh tổng hợp đưa nước ta tiến nhanh, tiến mạnh với mục tiêu như Đảng, Nhà nước ta xác định. Đó là đổi mới toàn diện đất nước và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế để Việt Nam ngày càng có vị trí xứng đáng trong khu vực và trên thế giới. Đề án xác định 3 nhóm nội dung quan trọng:

Nhóm nội dung thứ nhất liên quan đến cơ chế, chính sách, trong đó đặt ra yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, phát triển và hoàn thiện các lý luận về tôn giáo và công tác tôn giáo.

Nhóm nội dung thứ hai có rất nhiều giải pháp liên quan, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc hoàn thiện các tiêu chuẩn, ổn định số lượng, xây dựng chính sách nhằm nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác tôn giáo.

Cụ thể, trách nhiệm của các tỉnh thành trong việc xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, trong sạch từ cơ sở, nhất là trong vùng có đông đồng bào các tôn giáo. Trách nhiệm của cơ quan hữu quan trong việc chủ trì, phối hợp để định kỳ thông tin kịp thời về chủ trương, chính sách nói chung.

Trong đó có các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, chính sách đối ngoại, tình hình của đất nước để đồng bào các tôn giáo nắm bắt các thông tin chính thống, tránh tránh tác động từ dư luận và các thông tin xấu độc trên mạng.

Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc trong việc tập hợp tâm tư, nguyện vọng, vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo. Xây dựng, phát huy vai trò của người tiêu biểu trong các tôn giáo; tập hợp, thu hút những tổ chức tôn giáo đã được công nhận tham gia là tổ chức thành viên của Mặt trận. Vận động, thu hút cá nhân, chức sắc, chức việc, nhà tu hành tiêu biểu của các tôn giáo tham gia Ủy ban Mặt trận, tham gia Ban chấp hành của các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức thành viên khác của Mặt trận… Từ đó phát huy tốt các xu hướng tốt đời đẹp đạo, góp phần thúc đẩy tinh thần dân tộc, chủ nghĩa yêu nước và lòng tự hào dân tộc trong mỗi quý vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành…

Nhóm nội dung thứ ba liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc phối hợp, hỗ trợ các tổ chức tôn giáo và tổ chức tôn giáo trực thuộc triển khai nhiệm vụ mang tính chất là các công việc góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện và lan tỏa tốt hơn với tinh thần tốt đời, đẹp đạo, gắn bó đồng hành với dân tộc. Trong đó, Mặt trận Tổ quốc định kỳ chủ trì, phối hợp tổ chức để người đứng đầu cấp ủy và đứng đầu chính quyền tiếp xúc, đối thoại với lãnh đạo của các tổ chức tôn giáo, các tổ chức tôn giáo trực thuộc.

Qua tiếp xúc, đối thoại, các tâm tư, nguyện vọng, những nhu cầu hợp pháp, chính đáng của các tổ chức tôn giáo được truyền đạt trực tiếp tới người đứng đầu cấp ủy. Từ đó có thể căn cứ chính sách pháp luật và các chính sách của địa phương để giải đáp, chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời các yêu cầu, nguyện vọng chính đáng ấy, góp phần tăng cường đoàn kết của các tôn giáo trong khối đoàn kết toàn dân tộc.

Thưa Tiến sĩ Lê Thị Liên, là chuyên gia có bề dày trong công tác nghiên cứu về tôn giáo, bà đánh giá thế nào về các nguồn lực tôn giáo tham gia xã hội hóa trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội, dạy nghề, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh cũng như bảo vệ môi trường…?

Nguồn lực tôn giáo thông thường biểu hiện ở 3 nội dung lớn. Thứ nhất là nguồn lực nhân lực. Nguồn nhân lực này đang đóng góp vào quá trình phát triển đất nước. Thứ hai là nguồn lực tinh thần. Đây là giá trị đạo đức qua triết lý tôn giáo, triết lý dạy cho con người ta làm điều tốt, hướng thiện và cũng là giá trị bền vững mà tôn giáo nào cũng hướng đến. Thứ ba là nguồn lực giá trị vật chất, thể hiện qua các hoạt động y tế, giáo dục, từ thiện, nhân đạo, xây dựng nông thôn mới, dạy nghề, xóa đói giảm nghèo…

Đối với các tổ chức tôn giáo thì hoạt động từ thiện trong các lĩnh vực y tế, giáo dục là truyền thống. Công giáo, Phật giáo và các tôn giáo khác đã mở rất nhiều trường, lớp từ thiện dạy văn hóa, ngoại ngữ, nhất là trường mầm non của tôn giáo trở thành trường chuẩn Quốc gia. Hay những cơ sở thờ tự trở thành phòng khám, phòng thuốc nam hay các chuyến xe cứu thương từ thiện… Những hoạt động này được thực hiện hàng ngày chứ không chỉ trong lúc xảy ra thiên tai dịch bệnh. Các tổ chức tôn giáo chung tay các hoạt động xã hội, hoạt động từ thiện bằng giá trị đạo đức tôn giáo và phục vụ người dân một cách không vụ lợi.

Đảng và Nhà nước ta ban hành nhiều chủ trương liên quan đến quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Đây chính là động lực thúc đẩy, phát huy các nguồn lực tôn giáo phát triển. Các cơ quan làm công tác tôn giáo và liên quan đến công tác tôn giáo luôn hỗ trợ, tạo điều kiện khuyến khích, ghi nhận và lan tỏa những đóng góp của các tổ chức tôn giáo. Từ đó tạo thêm động lực cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành nói riêng và các tổ chức tôn giáo nói chung tiếp tục đường hướng góp phần phát triển hệ thống an sinh xã hội.

Đại dịch Covid-19 xảy ra gây ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội đất nước trong đó có hoạt động tôn giáo. Theo ông Thanh, cơ quan chức năng đã hướng dẫn, phối hợp kịp thời với các tổ chức tôn giáo trong phòng chống dịch ra sao?

Khi xảy ra đại dịch, thực hiện lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc trong đoàn kết toàn dân tham gia phòng chống đại dịch, nhân dan cả nước trong đó có đồng bào tôn giáo đã tham gia hưởng ứng và thực hiện rất tốt. Thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu diễn ra vào mùa xuân và mở đầu năm 2020 cũng là lúc trên đất nước có rất nhiều lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo. Rất nhiều chương trình, kế hoạch hoạt động của các tôn giáo đã tạm dừng, chuyển sang hình thức trực tuyến.

Tôi cũng thấy chưa có hoạt động xã hội hay hoạt động an sinh nào mà có sự tham gia ngay từ đầu và quyết liệt của nhiều tổ chức tôn giáo đến vậy. Tất cả 43 tổ chức tôn giáo đều có văn bản chỉ đạo các cơ sở, hệ thống tôn giáo của mình hưởng ứng và phối hợp với toàn dân tham gia thực hiện phòng, chống đại dịch.

Bên cạnh đó, các tổ chức tôn giáo thực hiện rất nhiều hoạt động cụ thể ủng hộ Quỹ Phòng, chống Covid-19, Quỹ Vắc xin phòng, chống Covid-19 Quốc gia, rồi các chương trình hỗ trợ hàng hóa, cứu trợ an sinh xã hội hay tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch… Các tổ chức tôn giáo đều có sự phối hợp đồng bộ, nhuần nhuyễn với các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị để thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc trong đoàn kết toàn dân phòng, chống đại dịch Covid- 19.

Tiến sĩ Lê Thị Liên: Tôi xin chia sẻ thêm, sau khi Thủ tướng chỉ đạo và Bộ Y tế hướng dẫn phòng chống dịch thì Ban Tôn giáo Chính phủ là cơ quan nhà nước quản lý trực tiếp về tôn giáo đã rất chủ động ban hành văn bản đề nghị các tổ chức tôn giáo thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng cũng như hướng dẫn của ngành y tế. Chúng tôi cũng yêu cầu các tỉnh, thành nắm tình hình liên quan đến dịch bệnh trong cộng đồng, trong tổ chức tôn giáo, đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ, thăm hỏi, động viên, khuyến khích các tổ chức tôn giáo có đóng góp, cống hiến trong phòng chống đại dịch.

Tiến sĩ Lê Thị Liên nhìn nhận thế nào về việc các tổ chức tôn giáo đã cùng nhau phát huy nguồn lực, lan tỏa, yêu thương và đồng hành cùng cả nước chống đại dịch?

Việt Nam chúng ta là một đất nước đa tôn giáo, tín ngưỡng. Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thể hiện rất rõ rằng mọi tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Chúng ta không có tôn giáo lớn, tôn giáo nhỏ mà chỉ có tôn giáo ít tín đồ, tôn giáo đông tín đồ, về mặt ứng xử hay pháp luật đều như nhau. Đây chính là động lực để các tôn giáo hòa quyện với nhau và phát huy nguồn lực.

Trong phòng chống đại dịch, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam không có sự phân biệt, cá nhân cũng không phân biệt là người tôn giáo hay không tôn giáo. Mọi tổ chức đều hòa đồng và cống hiến, đồng cảm cùng chia sẻ mọi nguồn lực mình có. Tất cả đều hòa quyện trong công tác phòng, chống dịch; lấy con người, lấy người nghèo, lấy dân tộc là điểm đến, điểm chung. Vì vậy, sự đóng góp trong cuộc chiến chống đại dịch này là không giới hạn, không phân biệt.

Tôi nhớ bức thư của Hội đồng Giám mục Việt Nam có tiêu đề “Thương lắm Sài Gòn ơi”. Lá thư chứa chan tình đồng bào, tình huynh đệ, tình đoàn kết, chủ nghĩa yêu nước của Việt Nam. Đọc lá thư ấy, chúng tôi không còn cảm đấy là của một tôn giáo mà là thư của những người con Việt Nam trong lúc đất nước gặp khó khăn. Tất cả nguồn lực tôn giáo đều đóng góp trong một quỹ chung để tới những nơi cần đến, những điểm cần được nhận. Điều đó lan tỏa yêu thương rất nhiều, tình yêu đất nước, tình dân tộc hòa quyện vào các tôn giáo.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thanh: Chúng tôi chưa có số liệu chính thức nhưng hệ thống sơ bộ trong phòng chống đại dịch Covid 2020, 2021, đóng góp của các tôn giáo Việt Nam nếu tính quy ra giá trị vật chất thì lên đến hàng nghìn tỷ đồng, trong đó tiêu biểu nhất là đóng góp vào Quỹ Phòng, chống Covid của Quốc gia, Quỹ Vắc xin phòng, chống Covid.

Đặc biệt, các giá trị vật chất không chỉ là đóng góp quỹ mà có rất nhiều các mô hình, hoạt động cụ thể. Tất cả các tổ chức tôn giáo tham gia ủng hộ hàng hóa, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm kịp thời cho đồng bào, nhân dân, những người khó khăn ở các vùng tâm dịch, những địa phương bị dịch ảnh hưởng nặng nề.

Các tổ chức tôn giáo cũng đã có hoạt động ủng hộ về trang thiết bị y tế cho cho bệnh viện như máy thở đa năng, máy tạo ô xy, khẩu trang và rất nhiều thuốc men, trang thiết bị khác. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã kêu gọi vận động ủng hộ nhân dân Ấn Độ trong thời điểm nước này bùng phát đại dịch.

Bên cạnh đó, có rất nhiều phong trào thể hiện tình cảm và sự đoàn kết của các tôn giáo Việt Nam như rất nhiều quý vị chức sắc hay tu sĩ Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài… đăng ký tham gia tuyến đầu phục vụ các bệnh viện, trung tâm cách ly để phòng chống dịch. Hoặc mô hình Bếp ăn yêu thương có số lượng tham gia rất nhiều.

Ví dụ từ ngày 27/4 – 26/8 là cao điểm của đợt bùng phát dịch lần thứ tư, riêng Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức được trên 5 triệu suất ăn miễn phí để gửi đến các bệnh viện, các trung tâm cách ly, tuyến đầu phòng chống dịch. Cũng thời điểm này, Hội đồng Giám mục Việt Nam, Tòa Tổng giám mục TP.HCM đã ủng hộ bằng tiền mặt hàng tỷ đồng cho bếp ăn miễn phí của chùa Vĩnh Nghiêm. Hay mô hình các tu sĩ Phật giáo TP.HCM đã phối hợp với Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo thành phố dùng nguồn lực vận động có được cùng đến phát quà, chăm lo cho các hộ gia đình là tín đồ Hồi giáo gặp khó khăn và những người dân khác ở khu dân cư.

Rất nhiều mô hình mà bằng lời nói hay những con số không thể nói lên hết sự được đóng góp của các tôn giáo trong phòng, chống đại dịch. Giá trị lớn nhất là tinh thần nhân văn, tinh thần đoàn kết, truyền thống yêu nước của dân tộc ta được tiếp nối, được phát huy và thể hiện rất sinh động. Đó là nguồn sức mạnh dân tộc mà Đảng, Nhà nước ta tiếp tục bồi đắp, phát huy sức mạnh tổng lực trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

 

Nguồn: vietnamnet.vn