Tín ngưỡng, tôn giáo và thực thi chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam
Ngày đăng: 27/09/2024
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng trao Quyết định công nhận tổ chức tôn giáo cho Hội thánh Tin Lành Liên hiệp Truyền giáo Việt Nam
Việt Nam nằm ở khu vực châu Á, là nơi giao lưu giữa các nền văn hóa Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Quốc và sau này là các nền văn minh phương Tây. Với vị trí địa lý hội tụ đồi núi, đồng bằng, sông ngòi, biển cả trải dài khắp đất nước, khí hậu thuận lợi cho phát triển nông nghiệp nhưng cũng là nước chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh. Điều kiện đó đã hình thành nên hệ thống tín ngưỡng phong phú của người Việt mong cầu cho đất nước bình an, mưa thuận gió hòa cuộc sống ấm no. Quá trình phát triển với sự giao lưu tiếp biến văn hóa, Việt Nam đã hình thành thêm một hệ thống các tôn giáo ở khắp các vùng, miền, phản ánh sự phong phú, đa dạng nhu cầu tâm linh của người Việt Nam trong truyền thống cũng như hiện tại. Là quốc gia đa dạng tôn giáo nên Việt Nam đã sớm hình thành chủ trương, chính sách, pháp luật để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, ngăn chặn những hoạt động tôn giáo vi phạm pháp luật làm phương hại đến đời sống của người dân và ổn định xã hội của đất nước.

Từ khóa: tín ngưỡng, tôn giáo; chủ trương, chính sách, pháp luật; công tác tín ngưỡng, tôn giáo; Việt Nam

1. Tình hình tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam

1.1. Tình hình tín ngưỡng 

Việt Nam hiện có khoảng 95% dân số có niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo. Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Việt Nam hiện có hơn 8.000 lễ hội, trong đó có: 7.039 lễ hội dân gian, 544 lễ hội tôn giáo, 332 lễ hội lịch sử cách mạng; 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài; hơn 40 lễ hội khác. Việt Nam có hàng chục nghìn di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có: 6.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh; gần 4.000 di tích xếp hạng cấp quốc gia; 72 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt; 7 di sản thế giới.

Việt Nam có đa dạng các loại hình tín ngưỡng có tín ngưỡng truyền thống và tín ngưỡng du nhập từ nước ngoài. Đối tượng thờ đa dạng có Nhân thân (người) và Nhiên thần (vật). Tín ngưỡng truyền thống của người Việt Nam được chia thành 04 loại chính: 1) Loại thờ cúng Tổ tiên, bao gồm tín ngưỡng thờ vật tổ, thờ Vua Hùng, Thành hoàng làng (thần làng), thờ gia tiên (Tổ tiên); 2) Loại tín ngưỡng liên quan đến vòng đời con người với các nghi lễ từ khi sinh ra, trưởng thành và khi chết đi; 3) Loại tín ngưỡng nghề nghiệp: nghề nông, tín ngưỡng phồn thực, tổ nghề (thờ thánh sư), thần tài, ngư thần (nghề biển)…; 4) Loại tín ngưỡng thờ thần, thánh: Thổ công, Thổ địa, Tản Viên Sơn Thần, Thủy Thần, Thánh Gióng, Thánh Trần, Thánh Mẫu…

Tín ngưỡng Việt Nam mang những đặc điểm cơ bản sau: (1) Thờ cúng rất nhiều loại thần (đa thần, phiếm thần), thần gắn với con người hiện sinh, thần gắn với người đã chết, thần gắn với nơi ăn ở, thần gắn với sự vật hiện tượng xung quanh; (2) Nhân thần hóa và nhiên thần hóa con người lịch sử và các sự vật hiện tượng tự nhiên. Các vị thần được tôn thờ bình đẳng như nhau và mỗi vị đều có những vai trò riêng đối với đời sống tinh thần của người dân. Chính vì vậy, trong các cơ sở tín ngưỡng người Việt thường thờ đa thần, đan xen nhiều vị thần. (3) Trong tín ngưỡng Việt Nam tính Mẫu nổi trội trong hệ thống thần thánh. Thờ Mẫu (Tam phủ, Tứ phủ) là tín ngưỡng điển hình, độc đáo của Việt Nam. Loại hình này ngày càng mở rộng về không gian và quy mô thờ cúng.

Các hoạt động liên quan đến tín ngưỡng được người dân tổ chức bài bản hơn cả phần lễ và phần hội thu hút đông đảo Nhân dân tham gia, đặc biệt vào các dịp lễ hội. Nhiều lễ hội tín ngưỡng được khôi phục, thu hút đông đảo người dân và du khách tham dự như: lễ hội Côn Sơn Kiếp Bạc (Hải Dương), lễ Đức Thánh Trần (Nam Định), lễ hội Cổ Loa, lễ hội Hai Bà Trưng (Hà Nội), lễ hội Bà Chúa Xứ (An Giang),... Phần lớn các lễ hội tín ngưỡng được tổ chức trang trọng với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của Nhân dân, gìn giữ nét truyền thống tốt đẹp của lễ hội. Giá trị tích cực của đạo lý và truyền thống thờ cúng Tổ tiên, tôn vinh và nhớ ơn những người có công với đất nước được phát huy. 

Hiện nay, hoạt động tín ngưỡng không ngừng được phục hồi, phát triển, nhiều lễ, hội được tổ chức bài bản, quy mô với các cấp độ khác nhau, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc. Người dân tham gia các lễ, hội vừa để kính nhớ, tôn vinh các vị thần có công với đất nước, vừa cầu mong sự che chở của các vị thần với người dân. Qua đó nhắc, nhớ củng cố, phát huy giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống yêu nước, đoàn kết dân tộc cho các thế hệ con cháu.

1.2. Khái quát về tình hình tôn giáo ở Việt Nam

Việt Nam là quốc gia đa dạng tôn giáo, có 41 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động bao gồm 02 khối. Khối du nhập từ nước ngoài vào có 09 tôn giáo: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Hồi giáo (Islam), Bà-la-môn, Baha’i, Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam, Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giê-su Ky-tô Việt Nam, Minh Sư đạo. Khối hình thành ở Việt Nam có 07 tôn giáo: Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, Minh Lý đạo Tam Tông Miếu, Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn.

Các tổ chức tôn giáo này có thể chia thành hai nhóm. Nhóm tôn giáo chỉ có 01 tổ chức giáo hội gồm: Phật giáo có 01 tổ chức là Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Công giáo có 01 tổ chức là Giáo hội Công giáo Việt Nam; Phật giáo Hòa Hảo có 01 tổ chức là Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo; Tôn giáo Baha’i có 01 tổ chức là Cộng đồng Tôn giáo Baha’i Việt Nam; Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam có 01 tổ chức là Giáo hội Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam; Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa có 01 tổ chức là Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa; Minh Sư đạo có 01 tổ chức là Giáo hội Phật đường Nam tông Minh Sư đạo; Minh Lý đạo Tam Tông Miếu có 01 tổ chức là Hội thánh Minh Lý đạo - Tam Tông Miếu; Cơ đốc Phục lâm có 01 tổ chức là Giáo hội Cơ đốc Phục lâm; Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn có 01 tổ chức là Phật hội Hiếu Nghĩa Tà Lơn; Mặc Môn có 01 tổ chức là Giáo hội các Thánh hữu ngày sau Chúa Giê-su Ky-tô (cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo).

Nhóm tôn giáo có nhiều tổ chức gồm: 

Đạo Tin Lành có 11 hội thánh được Nhà nước công nhận gồm: Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam), Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc), Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam; Tổng hội Báp-tít Việt Nam, Giáo hội Báp-tít Việt Nam; Hội thánh Tin Lành Trưởng lão Việt Nam; Hội thánh Mennonite Việt Nam; Hội thánh Liên hữu Cơ đốc Việt Nam; Giáo hội Phúc âm Ngũ tuần Việt Nam; Hội thánh Phúc âm Toàn vẹn Việt Nam; Hội thánh Tin Lành Liên hiệp Truyền giáo Việt Nam.

Đạo Cao Đài có 10 hội thánh gồm: Hội thánh Cao Đài Tây Ninh, Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo, Hội thánh Cao Đài Tiên Thiên, Hội thánh Cao Đài Minh Chơn đạo, Hội thánh Truyền giáo Cao Đài, Hội thánh Cao Đài Chiếu Minh Long Châu, Hội thánh Cao Đài Bạch Y, Hội thánh Cao Đài Cầu Kho Tam Quan, Hội thánh Cao Đài Chơn Lý, Giáo hội Cao Đài Việt Nam (Bình Đức); 01 Pháp môn Cao Đài Chiếu Minh Tam Thanh Vô vi được cấp chứng nhận hoạt động tôn giáo.

Hồi giáo (Islam) có 05 tổ chức được Nhà nước công nhận gồm: Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo Thành phố Hồ Chí Minh; Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo (Islam) tỉnh An Giang; Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo (Islam) tỉnh Tây Ninh; Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo (Islam) tỉnh Ninh Thuận; Ban Quản trị thánh đường Al Noor (Hà Nội).

Hồi giáo Bà-ni có 02 tổ chức được Nhà nước công nhận gồm: Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bà-ni tỉnh Ninh Thuận; Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bà-ni tỉnh Bình Thuận.

Đạo Bà-la-môn có 02 tổ chức được Nhà nước công nhận gồm: Hội đồng Chức sắc Chăm Bà-la-môn tỉnh Ninh Thuận; Hội đồng Chức sắc Bà-la-môn giáo tỉnh Bình Thuận.

Số tín đồ của 41 tổ chức được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động hiện nay là 27,7 triệu, chiếm 27,7% dân số; trên 54,5 nghìn chức sắc; trên 144 nghìn chức việc; hơn 29,8 nghìn cơ sở thờ tự[1]. Các tổ chức tôn giáo được bảo đảm hoạt động theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ, xây dựng đường hướng hành đạo phù hợp, tích cực trong các hoạt động an sinh xã hội và từ thiện nhân đạo của đất nước. Mở rộng phạm vi truyền giáo vào những vùng đô thị, khu công nghiệp - nơi có nhiều công nhân, người lao động, sinh viên sinh sống và học tập. Tiếp tục truyền giáo ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển tín đồ, gia tăng số lượng chức sắc, chức việc tạo lập tổ chức và cơ sở thờ tự mới. Đại bộ phận chức sắc, tín đồ tôn giáo tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước Việt Nam, ủng hộ và đóng góp tích cực trong sự nghiệp đổi mới, quá trình xây dựng và phát triển đất nước. 

Bên cạnh hoạt động tôn giáo ổn định, thuần túy thì tình hình tôn giáo ở Việt Nam cũng luôn tồn tại và xuất hiện những vấn đề cần được quan tâm làm ảnh hưởng đến môi trường tôn giáo và ổn định xã hội. Mất đoàn kết nội bộ trong hầu hết các tổ chức tôn giáo tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp và ngày càng biểu hiện gay gắt. Xuất hiện tình trạng ly khai để thành lập các tổ chức mới nhất là các điểm nhóm Tin Lành người Mông do mâu thuẫn nội bộ, không đồng thuận trong lãnh đạo điều hành. Sự tha hóa về đạo hạnh của một số chức sắc tôn giáo chạy theo danh lợi tổ chức các hoạt động mê tín nhằm trục lợi như vụ việc “thỉnh vong giải oan gia trái chủ”, vụ “sợi tóc Đức Phật - xá lợi tóc tự chuyển động”; một số chức sắc lợi dụng lòng tin của tín đồ để huy động tài chính xây dựng cơ sở vật chất to, lớn, ảnh hướng đến đời sống của người dân. Một số nơi vi phạm pháp luật về đất đai như tranh chấp, khiếu kiện, mua bán, hiến nhượng, vi phạm pháp luật về xây dựng gây khó khăn trong việc quản lý, xử lý... Các “hiện tượng tôn giáo mới, tà đạo, hội nhóm” lợi dụng tôn giáo đẩy mạnh tuyên truyền hoạt động diễn biến phức tạp, vi phạm pháp luật. Các đối tượng xấu đã lợi dụng những bất ổn để xuyên tạc tình hình tôn giáo và công tác thực thi chính sách tôn giáo ở một số địa phương.

1.3. Những đặc điểm cơ bản của tôn giáo ở Việt Nam

Một là, Việt Nam là đất nước có nhiều tôn giáo nhưng không có tôn giáo nào là quốc đạo

Việt Nam hiện có 41 tổ chức thuộc 16 tôn giáo đã được Nhà nước công nhận tổ chức tôn giáo và cấp đăng ký hoạt động, bên cạnh đó, còn nhiều tổ chức, hệ phái đang hoạt động chưa đủ điều kiện công nhận. Trong thời gian tới, số lượng tổ chức tôn giáo và tôn giáo ở Việt Nam sẽ tăng lên.

Việt Nam hiện diện khá đầy đủ các tôn giáo mà thế giới có như: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Phật giáo, Baha’i, Hồi giáo, Mặc Môn, Cơ đốc Phục lâm, Chính Thống giáo… Phật giáo còn có sự đa dạng các hệ phái (Nam tông Kinh, Nam tông Khmer, Bắc tông, Khất sĩ); Tin Lành đa dạng các hệ phái (hiện nay có 11 hệ phái đã được Nhà nước công nhận).

Việt Nam có khá nhiều tôn giáo nội sinh: Cao Đài, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Minh Sư đạo, Minh Lý đạo - Tam Tông Miếu, Bà-la-môn giáo, Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn, Bửu Sơn Kỳ Hương. Riêng Cao Đài lại có sự đa dạng về hệ phái (hiện có 11 hệ phái đã được Nhà nước công nhận tổ chức tôn giáo và cấp chứng nhận hoạt động tôn giáo, bên cạnh đó, còn có 21 hệ phái hoạt động độc lập).

Trong quá trình đổi mới, hội nhập của đất nước, các hiện tượng tôn giáo, tà đạo, đạo lạ không ngừng hình thành và phát triển. Việt Nam hiện có khoảng 80 loại, trong đó có nhiều loại đang đề nghị Nhà nước được đăng ký sinh hoạt tôn giáo và công nhận tổ chức tôn giáo, cũng có loại hoạt động mang tính tà giáo, vi phạm pháp luật.

Với sự đa dạng tôn giáo, mỗi tôn giáo lại có những đặc điểm riêng sẽ là thách thức trong công tác quản lý hoạt động tôn giáo và áp dụng pháp luật để xử lý các hoạt động vi phạm pháp luật có liên quan.

Hai là, tôn giáo ở Việt Nam có mối quan hệ quốc tế đa dạng

Một số tôn giáo ở Việt Nam như: Công giáo, Tin Lành, Hồi giáo, Baha’i… có cơ quan Trung ương (giáo hội mẹ) ở nước ngoài, có mối quan hệ hữu cơ, mật thiết và không thể tách rời. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các tôn giáo đều chịu sự chỉ đạo, chi phối từ bên ngoài trong hoạt động tôn giáo. 

Bên cạnh đó, trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập, kỹ thuật số các tôn giáo ở Việt Nam tìm kiếm, mở rộng các quan hệ quốc tế như Cao Đài Việt Nam tại Mỹ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam truyền giáo ở nhiều quốc gia… hiện nay, Việt Nam đang là thị trường cung cấp lực lượng truyền giáo ra nước ngoài khá lớn. 

Việt Nam hiện có khoảng 2,5 triệu tín đồ các tôn giáo sinh sống và làm việc ở nước ngoài, đông nhất là ở Mỹ, Pháp, Đức... Trong xu thế mở cửa và hội nhập của đất nước đang tạo điều kiện cho kiều bào là tín đồ các tôn giáo về nước thăm thân, làm ăn, du lịch, sinh hoạt tôn giáo. Điều này không chỉ tạo thêm các mối quan hệ quốc tế mà còn tạo ra nhiều hoạt động tôn giáo gắn kết kiều bào với quê hương, đất nước. 

Quan hệ Việt Nam và Vatican tiến triển tốt đẹp. Thông qua các vòng đàm phán, các chuyến viếng thăm của các đoàn lãnh đạo, đến nay, đã thống nhất nâng cấp quan hệ lên Đặc phái viên Thường trú, mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ cũng như giải quyết các vấn đề liên quan đến Công giáo ở Việt Nam.

Ba là, lịch sử hình thành, phát triển tôn giáo ở Việt Nam luôn bị các thế lực xấu lợi dụng tôn giáo để chống phá đất nước

Hầu hết các tôn giáo lớn của Việt Nam đều du nhập từ nước ngoài và có mối quan hệ với nhiều tổ chức ở nước ngoài, lợi dụng điều đó, một số thế lực xấu tranh thủ sử dụng tôn giáo như là con bài chính trị để chống phá Nhà nước và Nhân dân. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch, trong và ngoài nước cũng luôn tìm mọi cách lợi dụng, sử dụng tôn giáo vào âm mưu chống lại thành quả phát triển của đất nước.

Bốn là, các tôn giáo ở Việt Nam có tổ chức chặt chẽ

Các tôn giáo ở Việt Nam đều có tổ chức chặt chẽ, có hệ thống từ Trung ương đến cơ sở, một số có hệ thống tổ chức từ nước ngoài. Các tôn giáo có sự gắn bó mật thiết theo quy định của giáo lý, giáo luật, có tính liên thông, truyền thông nhanh chóng trong toàn cộng đồng tôn giáo. Đơn cử Công giáo có hệ thống tổ chức 03 cấp: Vatican, giáo phận, giáo xứ. Việt Nam hiện có 27 giáo phận thuộc 03 Tổng Giáo phận, 3.266 giáo xứ, 10 đại chủng viện và học viện, 5.000 chủng sinh đang theo học; 51 giám mục (22 giám mục hưu), 5.990 linh mục. Hội đồng Giám mục Việt Nam có 17 ủy ban đặc trách các lĩnh vực khác nhau của Giáo hội. Công giáo có hệ thống dòng tu đa dạng: 163 dòng quốc tế, 106 dòng giáo phận, 1.678 linh mục dòng, 33.087 tu sỹ[2].

Phật giáo có 01 tổ chức giáo hội là Giáo hội Phật giáo Việt Nam (có Hội đồng Trị sự và Hội đồng Chứng minh). Hệ thống tổ chức gồm 04 cấp: Trung ương, tỉnh, huyện và cơ sở.

Năm là, chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo ở Việt Nam đông đảo, có ảnh hưởng đối với xã hội và giáo hội 

Niềm tin tôn giáo sâu sắc là đặc điểm quan trọng nhất của chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo ở Việt Nam. Họ tin một cách mạnh mẽ, sâu sắc vào đấng sáng lập, tin vào những giáo lý, chủ thuyết của giáo hội, từ đó tin và theo, chấp hành một cách tự nguyện.

Chức sắc, chức việc, nhà tu hành của các tôn giáo ở Việt Nam đông có trình độ đạo học ngày một tốt hơn. Đại đa số các chức sắc, chức việc, nhà tu hành đều đáp ứng đủ các bậc học về tôn giáo theo quy định của giáo hội trước khi được tấn phong, bổ nhiệm, suy cử, bầu cử tuy theo quy định của giáo hội và pháp luật của Nhà nước. Các tôn giáo như Công giáo, Phật giáo đào tạo rất căn bản cả trong các lĩnh vực xã hội. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng được quan tâm nên luôn có nguồn chức sắc kế cận và có sự nhận thức, hiểu biết nhất định về các lĩnh vực của đời sống xã hội. Công giáo, chức sắc ở bậc giám mục đương nhiệm hiện nay 100% là tiến sĩ, được đào tạo tại nước ngoài và thông thạo từ 1 đến 2 ngoại ngữ. Tất cả các linh mục, tu sỹ hiện nay có trình độ cử nhân trở lên, trong đó, đa số có trình độ thạc sĩ. Giáo hội Phật giáo hiện có hơn 600 chức sắc, nhà tu hành có trình độ tiến sĩ, 2.000 vị có trình độ thạc sĩ, có khoảng 250 tăng, ni sinh đang theo học ở nước ngoài. Nhiều chức sắc có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ được đào tạo ở các trường tại Việt Nam.

Chức sắc, chức việc, nhà tu hành có vai trò, vị trí quan trọng đối với tổ chức tôn giáo và tín đồ. Họ là người sáng lập, duy trì, phát triển tôn giáo mà họ tin theo. Là những người hình thành, phát triển hệ thống giáo lý, triết lý tôn giáo; là những người truyền bá triết lý đó vào trong đời sống của tín đồ. Là trụ cột trong công tác truyền đạo, phát triển tín đồ, là những người đào tạo ra đội ngũ lãnh đạo các tôn giáo kế cận. Đại diện cho tổ chức tôn giáo trong hoạt động tôn giáo mang tính quốc tế. 

Vai trò, vị trí của chức sắc, chức việc ở mỗi tôn giáo thể hiện khác nhau, có tôn giáo họ thể hiện vai trò “thần quyền” như Công giáo cả cuộc đời người tín đồ gắn liền với các lễ nghi tôn giáo, tín đồ từ khi ra đời đến khi chết được thực hiện thông qua chức sắc; có tôn giáo chỉ là người hướng dẫn việc đạo như Tin Lành, Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Phật giáo… Tuy nhiên, trong hoạt động tôn giáo họ luôn thể hiện vai trò là người “thay mặt cho đấng tối cao, đấng sáng lập đạo” trong hướng dẫn sinh hoạt tôn giáo cho tín đồ. Luôn tạo ra khoảng cách với tín đồ để thể hiện vai trò là người có “chức vị”. Họ được tín đồ tin cậy vừa vì “phẩm trật”, vừa vì nhân cách, đạo đức. 

Chức sắc tôn giáo có vị thế trong xã hội Việt Nam. Họ là cầu nối giữa tôn giáo và chính quyền, thực hiện vai trò kép vừa là người thuộc một tổ chức tôn giáo cụ thể vừa thực hiện vai trò công dân của một đất nước. Mối quan hệ này vừa phải tuân theo Hiến pháp, pháp luật vừa phải tuân theo hiến chương, điều lệ của giáo hội. Với đặc điểm trên, chức sắc, chức việc, nhà tu hành là những người được tín đồ và ủng hộ, đồng nghĩa là họ có thế mạnh về mặt tinh thần. Họ là những người có vai trò quyết định trong xây dựng mối quan hệ giữa tôn giáo và Nhà nước. 

Sáu là, tín đồ có niềm tin tôn giáo sâu sắc, nhưng hiểu biết ít về giáo lý, giáo luật và pháp luật

Tín đồ các tôn giáo ở Việt Nam đại đa số là người dân lao động gắn với nông nghiệp, nông dân, nông thôn cư trú xen kẽ, hoặc theo vùng nên đời sống nghèo còn khó khăn so với mặt bằng chung của xã hội. Đa dạng trong phân bố, có khu vực tập trung đông tín đồ của một tôn giáo như Công giáo ở Nam Định, Đồng Nai, Thanh Hóa; Cao Đài ở Tây Ninh, Phật giáo Nam tông ở Cà Mau, Kiên Giang…; có nơi tín đồ các tôn giáo như Công giáo, Phật giáo, Tin Lành xen kẽ nhau ở Bắc Ninh, Hà Nội…; có nơi xen kẽ giữa tôn giáo và tín ngưỡng tạo ra sự giao thoa trong đời sống xã hội cũng như sinh hoạt tôn giáo. 

So với mặt bằng chung của xã hội thì trình độ nhận thức và dân trí chưa cao dễ bị kích động, dụ dỗ tin theo các hoạt động mê tín, cuồng tín, làm theo tâm lý đám đông. Hạn chế trong hiểu biết về giáo lý, giáo luật và pháp luật, nhưng có niềm tin tôn giáo sâu sắc, vâng phục đội ngũ chức sắc.

2. Chủ trương, chính sách, pháp luật và công tác tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam

2.1. Chủ trương, chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo

Việc tham mưu ban hành chủ trương, chính sách, pháp luật là thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, là cơ sở ổn định tình hình tôn giáo trong quá trình phát triển đất nước. Mỗi một giai đoạn, công tác tham mưu ban hành chủ trương, chính sách đều có sự kế thừa, phát triển để phù hợp với tình hình đổi mới đất nước và sự phát triển của các tín ngưỡng, tôn giáo.

Năm 1986, Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, đến năm 1990 bắt đầu đổi mới nhận thức về tôn giáo và công tác tôn giáo. Sau 23 năm thực hiện đổi mới chính sách tôn giáo, ngày 12/3/2003, tại Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Trung ương khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 25/NQ-TW Về công tác tôn giáo trong tình hình mới. Nội dung cốt lõi của Nghị quyết 25 tập trung ở 05 quan điểm, 06 nhiệm vụ và 04 giải pháp. Nghị quyết đánh giá toàn diện về tình hình tôn giáo và công tác tôn giáo; xác định những quan điểm, chính sách đối với tôn giáo, đề ra nhiệm vụ, các giải pháp chủ yếu và tổ chức thực hiện công tác tôn giáo trong tình hình mới với các nội dung căn bản: (1) Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. (2) Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. (3) Giữ gìn và phát huy giá trị đạo đức, văn hóa, nguồn lực của tôn giáo cho phát triển đất nước. (4) Nghiêm cấm lợi dụng tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động trái pháp luật và chống phá đất nước. (5) Nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng. (6) Công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. 

Từ việc phát triển nhận thức, Đảng và Nhà nước đề ra 05 nhiệm vụ, 04 giải pháp cho công tác tôn giáo giai đoạn này, nhằm đưa quan điểm về tôn giáo và công tác tôn giáo thấm sâu vào đời sống tôn giáo của đồng bào tôn giáo và người dân.

Trên cơ sở những văn bản pháp luật quy định chung về tôn giáo, giai đoạn này Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành còn ban hành các nghị quyết, chỉ thị, thông tư quy định đối với một số tôn giáo, hoặc các lĩnh vực quản lý cụ thể, như: Chỉ thị số 1940/CT-TTg ngày 31/12/2008 của Chính phủ về nhà, đất liên quan đến tôn giáo; Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg về một số công tác đối với đạo Tin Lành. 

Cùng với Nghị quyết số 25/NQ-TW thì quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tiếp tục được Việt Nam khẳng định trong Hiến pháp năm 2013, Điều 24 “mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được Nhà nước tôn trọng và bảo hộ”[3]. Trong báo cáo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục kế thừa và phát triển những quan điểm lớn của Đảng về tôn giáo, trong đó nhấn mạnh 03 quan điểm: (1) Thực hiện tốt mục tiêu đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc. (2) Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người theo quy định của pháp luật. (3) Phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo vào giữ gìn và nâng cao truyền thống xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội. Để thực hiện tốt quan điểm trên, Văn kiện đề ra 04 phương hướng nhiệm vụ và giải pháp thực hiện trong giai đoạn 05 năm 2021-2025: (1) Tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt đúng quy định của pháp luật; (2) Chủ động giúp đỡ, giải quyết các nhu cầu hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh của  quần chúng; (3) Chủ động, phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; (4) Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác tôn giáo.

Thể chế hóa các quan điểm của Đảng, đáp ứng nhu cầu hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của người dân và yêu cầu trong công tác quản lý nhà nước ngày 01/12/2016 Quốc hội đã bàn hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2018) vừa tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết 25/NQ-TW, khắc phục những hạn chế trong Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời, thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 - quyền con người với phục vụ mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; đảm bảo tương thích với luật pháp quốc tế về tôn giáo; đảm bảo tính thống nhất, khả thi trong thực thi. Hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của tín ngưỡng, tôn giáo đối với đời sống xã hội, cũng phát huy giá trị văn hóa, đạo đức và nguồn lực của tín ngưỡng, tôn giáo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Trên cơ sở Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, ngày 30/12/2017 Chính phủ ban hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Đến năm 2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 95/2023/NĐ-CP, ngày 29/12/2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo thay thế Nghị định số 162/2017/NĐ-CP. Với các hoạt động xã hội khác của tôn giáo như y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội, đất đai, xây dựng… cũng được các luật chuyên ngành quan tâm sửa đổi theo hướng ngày càng đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các tôn giáo. 

2.2. Thực thi chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam

Một là, về công nhận tổ chức  

Việc xem xét công nhận tổ chức và đăng ký hoạt động cho các tôn giáo đã được quy định trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và là một trong những điểm nổi bật trong thực thi pháp luật của Việt Nam. Điều này vừa bảo đảm quyền của những tổ chức hợp pháp vừa đảm bảo hoạt động tôn giáo của tổ chức và sinh hoạt tôn giáo của tín đồ, vừa đảm bảo môi trường hoạt động tôn giáo ổn định vừa hạn chế hoạt động lợi dụng tôn giáo của các tổ chức, cá nhân phi tôn giáo. Do vậy, đây là công tác được chính quyền quan tâm, đến nay số tổ chức được công nhận và cấp đăng ký hoạt động là 41 thuộc 16 tôn giáo. Với một số các tôn giáo chưa được công nhận tổ chức thì được cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung. Chỉ tính từ năm 2018 (khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực) đến nay Việt Nam đã công nhận thêm 03 tổ chức tôn giáo (Hội thánh Tin Lành Liên hiệp Truyền giáo Việt Nam, Phật hội Hiếu Nghĩa Tà Lơn, Hội thánh Phúc âm Toàn vẹn Việt Nam); cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho 02 tổ chức (Hội thánh Tin Lành Liên hiệp Truyền giáo Việt Nam; Giáo hội các Thánh hữu ngày sau Chúa Giê-su Ky-tô Việt Nam).  

Cùng với việc chấp thuận tổ chức và đăng ký hoạt động là việc chấp thuận cho các tổ chức tôn giáo thành lập trường, mở lớp đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo có đủ nhân sự quản lý và tổ chức các hoạt động tôn giáo. Cả nước có 64 cơ sở chuyên đào tạo chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo ở 38 tỉnh, thành phố. Tính đến tháng 12/2023, cả nước có trên 54 nghìn chức sắc, trên 144 nghìn chức việc đáp ứng ngày một tốt nhu cầu hướng dẫn việc đạo cho tín đồ. Cùng với đó các cơ quan chức năng cũng chủ động hướng dẫn các tổ chức tôn giáo phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, thuyên chuyển, xây dựng sửa đổi hiến chương, điều lệ, hướng dẫn đăng ký sinh hoạt tôn giáo hằng năm theo quy định của pháp luật.

Trong những năm gần đây, cùng với sự mở cửa hội nhập người nước ngoài đến Việt Nam đầu tư, làm ăn sinh sống ngày càng nhiều, theo đó là nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, trong đó có tôn giáo chưa có ở Việt Nam hoặc không cùng tổ chức, hệ phái, nhưng cũng được chính quyền các cấp quan tâm, tạo điều kiện cho phép thuê địa điểm để sinh hoạt tôn giáo tập trung. Xu hướng toàn cầu hóa trong tôn giáo đã làm cho Việt Nam trở thành địa điểm hấp dẫn của các tôn giáo nước ngoài tìm kiếm cơ hội truyền giáo, thành lập các tổ chức mới. 

Việc tiếp tục xem xét công nhận tổ chức, cấp đăng ký hoạt động đối với các tôn giáo đủ điều kiện, một mặt phản ánh sự quan tâm của Việt Nam trong việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền bình đẳng giữa các tôn giáo cũng thuận lợi cho công tác hướng quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của các địa phương.

Hai là, công tác hướng dẫn, quản lý hoạt động, tín ngưỡng, tôn giáo

Hằng năm, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo được thực hiện theo chương trình đã đăng ký với chính quyền. Với các tôn giáo thì căn cứ nghị quyết các đại hội theo nhiệm kỳ, vào hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật. Nhiều hoạt động tôn giáo được tổ chức với quy mô lớn, trang trọng như: lễ Phật đản, lễ Vu lan, lễ Giáng sinh, lễ Phục sinh, lễ Hội Yến Diêu Trì Cung, lễ kỷ niệm ngày khai đạo của các tôn giáo, lễ hội Ka-tê, tháng Ramadan... thu hút đông đảo tín đồ và người dân tham gia. 

Nhiều hoạt động tôn giáo mang tính quốc tế đã được đăng cai, tổ chức tại Việt Nam như: Phật giáo 03 lần đăng cai tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc, Hội nghị thư ký diễn đàn Phật giáo châu Á vì hòa bình (ABCP) lần thứ 14; Công giáo tổ chức thành công Năm Thánh năm 2010, Hội nghị toàn thể Liên Hội đồng Giám mục Á châu lần (FABC) thứ X (năm 2012), năm 2023 với chủ đề “50 năm FABC: nhìn lại các văn kiện và áp dụng”, các Đại hội hành hương La Vang (Quảng Trị)…; Tin Lành tổ chức Đại lễ kỷ niệm 100 năm Tin Lành truyền đến Việt Nam (năm 2011), 500 năm cải chánh Tin Lành, năm 2023 tổ chức chương trình truyền giảng “Xuân yêu thương” do các tổ chức Tin Lành đăng cai, tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh; Cộng đồng Tôn giáo Baha’i Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 200 năm Giáng sinh Giáo chủ Baha’u’llah… thu hút chức sắc, tín đồ trong, ngoài nước học giả, chính khách các nước tham dự. Các đại hội nhiệm kỳ, hội nghị thường niên diễn ra thường xuyên và trở thành hoạt động thường kỳ của tất cả các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam.

Việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo tổ chức thành công các sự kiện tôn giáo quốc tế không chỉ khẳng định Việt Nam thực hiện nhất quán chính sách tự do tôn giáo, quan tâm đến sinh hoạt tôn giáo mà còn góp phần quảng bá hình ảnh một nước Việt Nam đủ lực đăng cai các sự kiện quốc tế, khẳng định môi trường an ninh tốt, một môi trường văn hóa - tâm linh lành mạnh và điểm đến hấp dẫn cả trong đầu tư và du lịch, cũng là cơ sở trong đấu tranh bảo vệ nhân quyền của Việt Nam, hạn chế các thế lực xấu lợi dụng tôn giáo chống lại thành quả đổi mới đất nước.

Ba là, hoạt động đối ngoại liên quan đến tôn giáo của các cơ quan chức năng

Hoạt động đối ngoại liên quan đến tôn giáo là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo. Hoạt động đối ngoại diễn ra ở nhiều lĩnh vực, từ đào tạo, hội nghị, hội thảo đến việc chia sẻ kinh nghiệm cũng như vấn đề truyền giáo… số lượng đoàn ra, đoàn vào nghiên cứu, tìm hiểu về tình hình tôn giáo và chính sách tôn giáo luôn tăng và được đảm bảo theo quy định. Bộ Nội vụ (Ban Tôn giáo Chính phủ) tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng hướng dẫn các tổ chức tôn giáo tham gia các hoạt động quan hệ quốc tế phù hợp. Trong năm 2023 Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ) đã giải quyết cho 48 đoàn các tôn giáo với số lượng 313 người xuất cảnh; 18 đoàn tôn giáo với 340 người và 40 mục sư người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam hoạt động tôn giáo[4]. Hỗ trợ các tổ chức tôn giáo tích cực tham gia các hội nghị diễn đàn tôn giáo khu vực và quốc tế như: Đối thoại liên tín ngưỡng Á - Âu (Asem), Đối thoại liên tín ngưỡng khu vực châu Á - Thái Bình Dương… Hoạt động đối ngoại tôn giáo vừa đáp ứng nhu cầu mở rộng quan hệ quốc tế, vừa tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tôn giáo nâng cao vai trò, vị thế trong hoạt động tôn giáo quốc tế, cũng như tạo điều kiện để các tổ chức nước ngoài hiểu hơn về đất nước, thuận lợi hơn trong công tác tuyên truyền đối ngoại của Việt Nam.

Công tác đối ngoại của các cơ quan chức năng cũng được thúc đẩy, góp phần quan trọng trong công tác tôn giáo và công tác nhân quyền. Năm 2023 Ban Tôn giáo Chính phủ đã công bố “Sách trắng” cung cấp thông tin về thành tựu đảm bảo nhân quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam; phản bác thông tin không đúng về tình hình tôn giáo ở Việt Nam. Tăng cường tiếp xúc với các đoàn khách quốc tế, các cơ quan ngoại giao nước ngoài đến Việt Nam. Năm 2023, Lãnh đạo Bộ Nội vụ tiếp 14 đoàn cơ quan đại diện ngoại giao các nước, các tổ chức quốc tế đến tìm hiểu về tình hình tôn giáo, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam về tôn giáo. Duy trì quan hệ đối thoại với Mỹ, một số nước phương Tây, khối Ả Rập về công tác đối với Hồi giáo phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế; tiếp tục triển khai “Thỏa thuận hợp tác giữa Ban Tôn giáo Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước” giai đoạn 2022-2026; thúc đẩy quan hệ hợp tác với Lào trong lĩnh vực tôn giáo. Duy trì và phát triển quan hệ Việt Nam - Tòa thánh Vatican nâng cấp lên Đại diện Thường trú. Ban Tôn giáo Chính phủ thường xuyên duy trì và tăng cường công tác đối thoại với các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam để cung cấp thông tin về tình hình tôn giáo và chính sách tôn giáo của Việt Nam, phản bác lại những luận điệu xuyên tạc thiếu thiện chí về vấn đề dân chủ nhân quyền và tự do tôn giáo của Việt Nam.

Bốn là, công tác vận động chức sắc tôn giáo tham gia đóng góp vào công tác xã hội

Đảm bảo an sinh xã hội là chính sách và hoạt động lớn của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong công cuộc đổi mới đất nước. Trong lĩnh vực tôn giáo, chủ trương của Đảng là phát huy nguồn lực của tôn giáo trong phát triển đất nước và được cụ thể ở Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng. Trên cơ sở đó các bộ, ngành liên quan đã nỗ lực thể chế hóa thành các quy định của pháp luật nhằm khơi thông nguồn lực tôn giáo cho phát triển đất nước, nhưng cũng là công cụ trong hướng dẫn và quản lý hoạt động an sinh xã hội của tôn giáo. 

Các ngành chức năng đã làm tốt công tác tuyên truyền vận động chức sắc, tín đồ thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tham gia thực hiện các cuộc vận động do chính quyền phát động. Đặc biệt là trong những hoàn cảnh đặc biệt như bão, lũ, dịch bệnh cá nhân, tổ chức tôn giáo không chỉ chấp hành tốt mà còn quyên góp ủng hộ về tiền, vật phẩm, con người rất lớn, góp phần quan trọng cùng với Đảng, Nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác hỗ trợ kịp thời những nơi gặp khó khăn.

Trong công tác quản lý, theo chức năng nhiệm vụ các sở, ngành đã tham mưu cho tỉnh ủy, UBND các cấp trong công tác hướng dẫn, quản lý và vận động tôn giáo tham gia thực hiện các hoạt động an sinh xã hội và từ thiện theo quy định. Hướng dẫn, hỗ trợ thủ tục pháp lý cho cá nhân, tổ chức tôn giáo trong việc thành lập các cơ sở giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội; thanh tra, kiểm tra các hoạt động để kịp thời động viên, khuyến khích những kết quả đạt được, nhắc nhở, chấn chỉnh, xử lý các vi phạm, đảm bảo các hoạt động đúng mục đích và quy định. Do đó, số lượng cá nhân, tổ chức tôn giáo tham gia ngày càng nhiều; số lượng các cơ sở hoạt động an sinh xã hội không ngừng gia tăng; nguồn lực tài chính mà các tôn giáo đóng góp năm sau luôn cao hơn năm trước. Nhiều cá nhân, tổ chức tôn giáo đã được Thủ tướng Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc các cấp tuyên dương, khen thưởng vì có nhiều đóng góp, góp phần phát triển hệ thống an sinh xã hội. Cả nước có 415 cơ sở khám chữa bệnh do tôn giáo thành lập chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực Đông y, Đông - Tây y kết hợp; 22 cơ sở dạy nghề, trong đó có 12 cơ sở ở phạm vi trường, trung tâm; khoảng 270 trường mầm non, gần 800 nhóm, lớp mầm non; 125 cơ sở trợ giúp xã hội do các cá nhân tôn giáo thành lập hoạt động hiệu quả[5]

Trong lĩnh vực từ thiện xã hội thì tất cả các tôn giáo đều tham gia theo khả năng với đa dạng các mô hình: xây nhà tình thương, xây cầu đường, đóng góp xây dựng nông thôn mới; bếp ăn từ thiện, hỗ trợ học liệu, học bổng; xây dựng trạm xá, cai nghiện ma túy và tư vấn người nhiễm HIV/AIDS; xe cứu thương; hỗ trợ khẩn cấp khi thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là trong đại dịch COVID-19. Với số tiền mà các tôn giáo đóng góp hàng trăm tỷ mỗi năm, hỗ trợ tích cực vào các hoạt động an sinh xã hội của đất nước. Đóng góp của các tôn giáo đã và đang làm giảm bớt chi ngân sách nhà nước, thu hẹp khoảng cách giữa các nhóm người trong xã hội. 

Công tác vận động, tranh thủ chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tổ chức tôn giáo tham gia đại biểu Quốc hội, HĐND, thành viên của các tổ chức chính trị - xã hội, phát huy vai trò nòng cốt của họ trong tuyên truyền, vận động tín đồ tham gia đóng góp tích cực vào các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, đảm bảo môi trường xã hội lành mạnh trong vùng đồng bào tôn giáo, ngăn chặn việc lợi dụng, kích động tôn giáo để chia rẽ dân tộc, tôn giáo của các thế lực xấu.

Kết luận

Trong quan hệ với tôn giáo, Việt Nam xác định mô hình Nhà nước thế tục, chấp nhận sự đa dạng tôn giáo. Do vậy việc duy trì ổn định tình hình tôn giáo và phát triển chính sách, pháp luật về tôn giáo, về đất đai, y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội… được Việt Nam quan tâm nhằm tạo sự đồng bộ trong các quy định của pháp luật. Tạo cơ sở pháp lý để thúc đẩy các tổ chức tôn giáo có thế mạnh, nguồn lực tham gia đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Cùng với đó là công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về tôn giáo đến chức sắc, tín đồ và người dân nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trong chấp hành pháp luật. Bố trí nguồn lực để hỗ trợ, quản lý các hoạt động tôn giáo đúng quy định. Giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc phức tạp liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo. Chủ động trong phòng ngừa, giải quyết xung đột liên quan đến tôn giáo và việc lợi dụng tôn giáo của các đối tượng xấu nhằm gây mất đoàn kết tôn giáo, dân tộc, phương hại đến đời sống và tình hình đất nước ở Việt Nam.

TS. Lê Thị Liên

Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ

 

Tài liệu tham khảo:

1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2003), Nghị quyết số 25NQ/TW, ngày 12/3/2003 về công tác tôn giáo.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Báo cáo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.

3. Chính phủ (2017), Nghị định Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, số 162/2017/NĐ-CP, ngày 30/12/2017.

4. Chính phủ (2023), Nghị định Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật tín ngưỡng, tôn giáo, số 95/2023/NĐ-CP, ngày 29/12/2023.

5. Thảo Nguyên (2012), Kết quả thực hiện Chỉ thị số 1940/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nhà, đất liên quan đến tôn giáo tại tỉnh Thái Bình, Tạp chí Công tác Tôn giáo số 6.

6. Quốc hội (2013), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

7. Quốc hội (2016), Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, số 02/2016/QH14, ngày 18/11/2016.

8. Quốc hội (2013), Luật Đất đai, số 45/2013/QH13, ngày 29/11/2013.

9. Vũ Chiến Thắng (2021), Cơ sở lý luận và thực tiễn về phát huy nguồn lực tôn giáo trong quá trình xây dựng và phát triển bền vững đất nước, đề tài khoa học cấp Bộ.

10. Thủ tướng Chính phủ (2008), Chỉ thị 1940/CT-TTg về nhà, đất liên quan đến tôn giáo.

11. Nguyễn Thanh Xuân - Lê Tâm Đắc (2019), Đời sống tôn giáo ở Việt Nam thời kỳ đổi mới, Nxb, Tôn giáo, Hà Nội.

Chú thích:

1. Thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ) năm 2023.

2. Số liệu thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ.

3. Hiến pháp năm 2013, Điều 24.

4. Số liệu thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ năm 2023.

5. Số liệu thống kê của Viện Nghiên cứu Chính sách Tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ đến tháng 12/2022.