Tạo chuyển biến trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng
Ngày đăng: 24/08/2021Ban Tôn giáo thành phố Hà Nội vừa sơ kết 3 năm thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Trao đổi với phóng viên Báo Hà Nội mới về nội dung này, Tiến sĩ Phạm Tiến Dũng, Trưởng Ban Tôn giáo thành phố Hà Nội đánh giá, sau 3 năm thực hiện, Luật đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng ở Thủ đô.
- Trước tiên, xin ông cho biết đôi nét về hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn Hà Nội hiện nay?
- Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm văn hóa, khoa học giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của đất nước. Với sự giao thoa về văn hóa cả trong và ngoài nước, hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng luôn là vấn đề quan trọng, có ảnh hưởng đến việc chấp hành chính sách pháp luật và tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở Thủ đô.
Hiện nay, Hà Nội có 7 tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân (Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hồi giáo, Baha’i, Minh sư đạo) và 3 tổ chức, hệ phái Tin Lành được cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo gồm: Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giê su Ky tô Việt Nam; Phúc âm Toàn vẹn Việt Nam; Liên hiệp truyền giáo Việt Nam. Toàn thành phố có hơn 80 vạn tín đồ, 2.500 chức sắc, hơn 5.000 chức việc, trên 2.400 cơ sở thờ tự tôn giáo, trên 4.500 cơ sở tín ngưỡng cùng với hoạt động của các hiện tượng tôn giáo mới góp phần làm sinh động thêm bức tranh tôn giáo, tín ngưỡng Thủ đô.
- Vậy, sau hơn 3 năm triển khai, Luật tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản liên quan đã tác động thế nào đến đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của người dân Thủ đô, thưa ông?
- Ngày 18-11-2016, Quốc hội thông qua Luật tín ngưỡng, tôn giáo và có hiệu lực từ ngày 1-1-2018. Với sự vào cuộc tích cực của các đơn vị chức năng, đến nay công tác Quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo tại Hà Nội đạt kết quả đáng ghi nhận. Nhu cầu sinh hoạt tôn giáo chính đáng và hợp pháp của người dân được bảo đảm theo pháp luật. Hoạt động tôn giáo thường niên cơ bản được thực hiện theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo và phù hợp với pháp luật. Trong khi đó, các lễ hội tín ngưỡng có chuyển biến tích cực, giảm thiểu mê tín dị đoan.
Các tôn giáo còn chung tay cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chăm lo tốt an sinh xã hội. Gần đây, các tôn giáo thể hiện và phát huy tinh thần “đạo đời hòa hợp”, thực hiện tốt phong trào toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19.
- Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn xuất hiện các hiện tượng tôn giáo mới, tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về an ninh. Vậy, công tác Quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo của thành phố được triển khai như thế nào cho phù hợp thực tiễn?
- Thực tế trên địa bàn thành phố không chỉ xuất hiện các hiện tượng tôn giáo mới mà còn có tình trạng mâu thuẫn trong nội bộ tôn giáo; lợi dụng tự do tôn giáo lấn lướt chính quyền… Vì thế, công tác tôn giáo luôn được thành phố xác định là một nhiệm vụ quan trọng được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đã có những kinh nghiệm về nhiều mặt.
Chúng tôi luôn quán triệt chủ trương của Đảng, Nhà nước thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng bình thường theo đúng pháp luật. Các tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật. Trong đó, nghiêm cấm lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, trái pháp luật. Đồng thời, tăng cường đoàn kết đồng bào các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
- Để góp phần thực hiện tốt phương châm “sống tốt đời, đẹp đạo” cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng lành mạnh, Ban Tôn giáo thành phố có kiến nghị cụ thể nào?
- Trước hết, chúng tôi đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trung ương sớm chủ trì, phối hợp với các cơ quan trung ương khảo sát, làm việc với các địa phương, trong đó có thành phố Hà Nội để đánh giá toàn diện tình hình thực thi Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Từ đó có cơ sở đề xuất chủ trương, giải pháp phát huy mặt tích cực, khắc phục mặt hạn chế. Đặc biệt, việc lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi (kinh tế), hay xuyên tạc chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tuy đã được quy định tại Điều 5, Luật tín ngưỡng, tôn giáo, nhưng cần có quy định về xử phạt vi phạm hành chính; có chế tài cho việc xử lý. Cùng với đó, một số vấn đề liên quan đến đất đai cần được sự quan tâm của Ban Tôn giáo Chính phủ, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm nghiên cứu, hướng dẫn để tháo gỡ.
Về phía thành phố Hà Nội, để thống nhất về đầu mối và chủ động hơn trong giải quyết điểm nóng về tôn giáo - dân tộc, chúng tôi kiến nghị thành phố cân nhắc, có cơ chế đặc thù về mô hình tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc, theo hướng sáp nhập, tinh gọn, hiệu quả cho phù hợp với thực tiễn.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: hanoimoi.com.vn