Quảng bá các giá trị của di tích và Lễ hội đình Trà Cổ, Quảng Ninh
Ngày đăng: 30/06/2022
Phó Chủ tịch UBND thành phố Móng Cái Đỗ Văn Tuấn đánh trống khai hội
Ngày 29/6 (tức 1/6 âm lịch), thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh khai hội đình Trà Cổ. Đây là một trong những lễ hội dân gian tiêu biểu không chỉ của người dân địa phương mà còn là biểu tượng có ý nghĩa văn hóa, tinh thần nơi địa đầu Đông Bắc Tổ quốc.

Lễ hội đình Trà Cổ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019.

Đình Trà Cổ tọa lạc tại khu Nam Thọ, phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, được xây dựng từ thời Hậu Lê đến nay vẫn còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị. Đây là một trong những di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của thành phố Móng Cái đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp quốc gia năm 1974. Năm 2020, Lễ hội đình Trà Cổ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Sự kiện này là mốc son trong hành trình bảo tồn, phát huy giá trị của di sản; là sự ghi nhận, tôn vinh những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng của Lễ hội đình Trà Cổ để di sản tiếp tục được tỏa sáng trong dòng chảy văn hóa của dân tộc.

Nghi thức nghênh thần tại Lễ hội Đình Trà Cổ

Lễ hội đình Trà Cổ được khôi phục từ năm 1993 và được tổ chức thường niên (từ ngày 30/5 - 3/6 âm lịch), là dịp để tưởng nhớ công ơn các vị tiền nhân, các vị Anh hùng dân tộc đã có công dựng làng, lập ấp, đánh đuổi giặc ngoại xâm; giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Đây cũng là dịp để quảng bá các giá trị của di tích và Lễ hội đình Trà Cổ nói riêng và các nét đẹp văn hóa của thành phố Móng Cái nói chung đến du khách trong và ngoài nước.

Quang cảnh Lễ khai hội Đình Trà Cổ

Phát biểu khai mạc lễ hội, ông Đỗ Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Móng Cái, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội cho biết, Lễ hội năm nay được tổ chức trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, gắn với tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, phục hồi và phát triển ngành du lịch dịch vụ. Nhiều nghi lễ và hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian mang đậm dấu ấn riêng của mảnh đất địa đầu của Tổ quốc, như hội thi ông Voi, nghi lễ nghênh thần trên biển, các trò chơi đi cà kheo, đi chèo tải… Thời gian tới, thành phố Móng Cái tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đặc biệt có giá trị này, xây dựng nơi đây trở thành một trong những điểm du lịch tâm linh thế mạnh của địa phương.

Theo TTXVN