Quản lý đất cho công trình văn hóa tâm linh thiếu chặt chẽ, chưa tách bạch
Ngày đăng: 15/10/2021
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra tờ trình của Chính phủ
Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc quản lý đất đai sử dụng cho một số dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa tâm linh còn thiếu chặt chẽ, chưa tách bạch rõ giữa đất tôn giáo, tín ngưỡng với đất thương mại, dịch vụ.

Chiều 13.10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).

Báo cáo thẩm tra tờ trình của Chính phủ về vấn đề này, Ủy ban Kinh tế đồng tình với đề xuất của Chính phủ, Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ giữ 3,568 triệu ha đất trồng lúa, trong đó, có thể cho phép quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng linh hoạt với diện tích khoảng 300.000 ha.

Ủy ban Kinh tế cho rằng, đất chuyên trồng lúa là loại đất đặc biệt có đặc trưng riêng về thành phần lý hóa tính, cùng với hệ thống thủy lợi được đầu tư rất lớn, trong thời gian dài. Khi đã sử dụng đất lúa cho mục đích phi nông nghiệp hoặc đất nông nghiệp khác thì cũng không dễ chuyển lại thành đất lúa.

Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình chuyển đổi trở lại đất trồng lúa sau khi đã chuyển đổi sang cây trồng khác trong giai đoạn 2011 - 2020; đồng thời, xác định nguyên tắc, tiêu chí cho phép chuyển đổi, khu vực có thể chuyển đổi, khu vực không cho chuyển đổi.

Bên cạnh đó, theo dự thảo quy hoạch, diện tích đất lúa đến năm 2030 giảm 348.770 ha nhưng giảm tập trung tại vùng đồng bằng Sông Hồng (101.800 ha), vùng đồng bằng Sông Cửu Long (88.560 ha)… và nhiều diện tích sẽ được chuyển sang đất phi nông nghiệp (trong đó có khu công nghiệp).

Từ đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát, hạn chế việc chuyển đổi đất lúa (nhất là đất chuyên trồng lúa) tại các vùng có tiềm năng trồng lúa sang các mục đích phi nông nghiệp.

Về đất rừng phòng hộ, theo phương án quy hoạch, trong 6 vùng kinh tế - xã hội có 2 vùng bị giảm diện tích đất rừng phòng hộ là vùng bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung (giảm 30.400 ha so với năm 2020) và vùng đông Nam bộ (giảm 5.540 ha), trong khi thực tế đây là những địa bàn chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ hằng năm, rất cần củng cố và mở rộng phát triển diện tích rừng phòng hộ.

Do đó, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ làm rõ, có giải trình cụ thể nội dung này.

Ủy ban Kinh tế cũng cho biết, thời gian qua, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, một số địa phương tiến hành lấn biển để xây dựng hạ tầng giao thông, nhà ở.

Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc quan điểm phát triển quỹ đất theo hướng lấn biển trong bối cảnh diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và thiên tai, cần đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội, chi phí và lợi ích, tác động môi trường, quy định tiêu chí và xác định vị trí cụ thể.

Bên cạnh đó, báo cáo của Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, việc quản lý đất đai sử dụng cho một số dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa tâm linh còn thiếu chặt chẽ, sử dụng quỹ đất lớn, nhưng chưa tách bạch rõ giữa đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng với đất thương mại, dịch vụ.

Từ đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá rõ hơn vấn đề này thời gian qua và định hướng cho giai đoạn tới.

Theo thanhnien.vn