Phục hồi nhà Rông để bảo tồn giá trị di sản văn hóa dân tộc
Ngày đăng: 09/08/2021Tỉnh Kon Tum phấn đấu đến năm 2022, 100% thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh có nhà Rông văn hóa.
Di sản văn hóa đặc biệt
Theo TS. Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, nhà Rông là một trong những di sản văn hóa truyền thống đặc sắc nhất của đồng bào các dân tộc vùng Trường Sơn – Tây Nguyên, một di sản văn hóa có giá trị đặc biệt trong kho tàng di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Về mặt tinh thần, nhà Rông là chốn thiêng liêng, cao quý đặc biệt đối với từng cá nhân và với cả cộng đồng dân làng.
Về giá trị sử dụng, nhà Rông là một công trình đa chức năng, có tới 11 chức năng cơ bản gồm: Trụ sở của tổ chức quản trị làng; Trung tâm chỉ huy chiến đấu khi có chiến sự; Trung tâm chỉ đạo sản xuất trong làng; Nhà khách của làng; Hội trường của làng; Nhà tập thể của các trai làng chưa có vợ; Trường học của trai làng theo nếp giáo dục cổ truyền; Câu lạc bộ của làng; Nhà truyền thống của làng; Trung tâm sinh hoạt tôn giáo của làng; Trung tâm cộng cảm của làng.
Giảm số lượng nhà Rông truyền thống
Thống kê mới đây cho thấy, tính đến tháng 3/2021, toàn tỉnh Kon Tum có 462/503 thôn đồng bào DTTS tại chỗ có nhà Rông, trong đó, 408/462 thôn đang duy trì sử dụng nhà Rông, đạt tỷ lệ 88,3% thôn DTTS có nhà Rông. Những địa phương có tỷ lệ nhà Rông lớn nhất so với số làng đồng bào DTTS là huyện Đăk Hà, huyện Đăk Tô… Đáng chú ý, ở huyện Kon Rẫy, 100% số làng có nhà Rông, thậm chí có làng có tới 2 nhà Rông.
Cũng theo thống kê, 435 nhà Rông truyền thống đang được gìn giữ, sử dụng. 218 nhà Rông làm bằng vật liệu truyền thống, 217 nhà Rông làm bằng vật liệu vừa truyền thống vừa hiện đại.
Trong giai đoạn 2016 - 2021, nhà rông truyền thống của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm cả về số lượng và tính truyền thống (xây dựng bằng vật liệu gỗ, tranh, tre, nứa, lá theo đúng nguyên mẫu), nhưng tăng về tính hiện đại (xây dựng bằng các vật liệu bê tông, sắt, thép). Cụ thể, đã giảm 105 nhà Rông làm bằng vật liệu truyền thống, nhưng tăng 115 nhà Rông làm bằng vật liệu vừa truyền thống vừa hiện đại.
Tại nhiều làng thiếu vắng nhà Rông truyền thống, một trong những nguyên nhân là do đã xây dựng được nhà sinh hoạt cộng đồng từ nguồn kinh phí của các dự án giảm nghèo.
Nỗ lực bảo tồn để phát huy giá trị di sản
Ngay từ năm 1999, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Chỉ thị số 21 về việc duy trì và khôi phục nhà Rông truyền thống vùng đồng bào DTTS. Những năm sau đó, công tác xây dựng, sửa chữa nhà Rông của đồng bào các DTTS đã được địa phương này quan tâm triển khai.
Trong giai đoạn 2016 - 2021, từ nguồn ngân sách Nhà nước và sự đóng góp của người dân, 262 nhà Rông đã được sửa chữa và xây dựng mới (xây dựng mới 176 nhà, sửa chữa 86 nhà).
Tuy nhiên, nhu cầu xây dựng và sửa chữa nhà Rông trên địa bàn tỉnh Kon Tum vẫn còn rất lớn. Phục hồi, bảo tồn nhà Rông vẫn là công việc lâu dài.
Mới đây, tại cuộc họp ngày 20/7 của UBND tỉnh Kon Tum, đại diện Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo và đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương để xây dựng Đề án “Hỗ trợ xây dựng, sửa chữa các nhà Rông truyền thống tại thôn, làng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 – 2025” nhằm hỗ trợ, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các thôn đồng bào DTTS.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Ngọc đã thống nhất đề xuất và giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì tham mưu xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện hỗ trợ xây dựng, sửa chữa các nhà Rông truyền thống tại thôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, đến năm 2022, 100% thôn đồng bào DTTS có nhà Rông đảm bảo cho sinh hoạt cộng đồng tại địa phương; từ năm 2023 đến năm 2025 sẽ rà soát đề xuất bổ sung, duy tu, sửa chữa, nâng cấp nhà Rông xuống cấp.
Theo infonet.vietnamnet.vn