Phòng chống dịch mùa lễ hội: Trách nhiệm lớn của chính quyền cơ sở
Ngày đăng: 18/03/2021Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về công tác phòng chống dịch bệnh tại các di tích, thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội, bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội khẳng định: Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn phải ký, chịu trách nhiệm các phương án phòng chống dịch. BQL các di tích cần bố trí lực lượng phù hợp hơn, không để người cao tuổi đảm nhiệm sẽ gặp nhiều khó khăn.
Khảo sát của phóng viên Báo điện tử Chính phủ tại chùa Hương cho thấy muốn làm tốt công tác phòng chống dịch, chính quyền cơ sở phải sâu sát, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, không được “khoán trắng”.
Hầu hết các du khách đeo khẩu trang nghiêm túc. Ảnh: VGP |
Ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng Ban quản lý di tích và Thắng cảnh Hương Sơn cho biết, từ ngày 13/3 chùa Hương mở cửa lại để đón du khách và chùa không tổ chức phần hội theo quy định để bảo đảm phòng, chống dịch được tốt nhất. Ban Quản lý (BQL) đã chủ động lập các phương án nêu cao cảnh giác, ứng phó kịp thời với mọi tình huống. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra phòng, chống dịch.
Lượng khách không quá đông giúp công tác phòng chống dịch tại chùa Hương được làm tốt hơn |
“BQL cũng xác định tinh thần sống chung với dịch nên đã tổ chức lại một số khâu trong công tác đón tiếp du khách, tăng cường lực lượng Y tế để kiểm tra cho toàn bộ du khách thông qua việc đo thân nhiệt, khai báo y tế, sát khuẩn tay nhanh và quét mã QR- Code, đồng thời yêu cầu 100% du khách phải đeo khẩu trang trước khi vào di tích”, ông Hiển chia sẻ.
Sát khuẩn trước khi vào khu di tích. Ảnh VGP |
Tại từng điểm di tích, thắng cảnh đội ngũ ứng trực được bố trí thường xuyên nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, về cơ bản mọi người đều chấp hành nghiêm túc, đặc biệt là đeo khẩu trang. Đặc biệt tại các điểm có nguy cơ tập trung đông người như bến xe, đền Trình, chùa Thiên Trù, ga cáp treo và động Hương Tích… Hai phòng cách ly y tế dự phòng đã được bố trí để tổ chức cách ly theo dõi, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ khi có những triệu chứng như sốt, ho, mệt mỏi…
Nhiều cụm panô, băng rôn, khẩu hiệu,… quảng bá trực quan phù hợp để du khách có được những thông tin cần thiết về khu di tích thắng cảnh, lễ hội và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Khai báo y tế điện tử bằng QR Code. Ảnh: VGP |
Các phương tiện hoạt động trong khu vực di tích phải bảo đảm công tác phòng, chống dịch như vệ sinh khử khuẩn, bố trí nước rửa tay, hành khách ngồi trên các phương tiện bảo đảm giãn cách, đeo khẩu trang theo quy định. Còn đối với các phương tiện ra vào khu di tích sẽ có phiếu, tem đã kiểm tra phòng dịch COVID-19.
Tại nơi thờ tự và thực hiện các nghi lễ tôn giáo như đền, chùa bố trí lực lượng hướng dẫn, nhắc nhở du khách thực hiện các biện pháp phòng dịch, rút ngắn thời gian lễ, bố trí người đón lễ bên trong, người trả lễ ra bên ngoài theo một chiều ngay sau khi lễ xong.
Vẫn có những người dân bỏ khẩu trang khi đến chùa Hương. Ảnh VGP |
Xử lý du khách không đeo hẩu trang. Ảnh VGP |
Tại các khách sạn, nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống, cơ sở lưu trú thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với những khách lưu trú, thường xuyên vệ sinh khử khuẩn tại các khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng. Các chủ cơ sở dịch vụ, cơ sở lưu trú phải ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm và các biện pháp phòng chống dịch, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Động Hương Tích không quá đông người đến lễ. Ảnh VGP |
Bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cho biết, từ thông tin báo chí phản ánh, các tồn tại trong việc thực hiện công tác phòng, chống dịch tại: di tích Chùa Hương (huyện Mỹ Đức); đền Quán Thánh (quận Ba Đình), Văn Miếu – Quốc Tử Giám (quận Đống Đa) đã được khắc phục ngay và trong ngày 14/3, Sở đã kiểm tra, giám sát và các cơ sở này đã thực hiện tốt.
Luôn tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch. Ảnh VGP |
Bà Vân Anh cũng ghi nhận 3 quận, huyện trên đã làm tốt công tác cập nhật thông tin và chỉ đạo kịp thời công tác phòng, chống dịch. Phó Giám đốc Sở VHTT thông tin thêm, từ nay hết tháng 2, có ngày 19/2 Âm lịch là ngày lễ trọng của Phật Giáo, lượng khách đến chùa dự kiến sẽ rất đông. Vì vậy, các quận, huyện cần có phương án chi tiết hơn và tổ chức diễn tập để rút kinh nghiệm.
“Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn phải ký, chịu trách nhiệm các phương án phòng chống dịch. BQL các di tích cần bố trí lực lượng phù hợp hơn, không để người cao tuổi đảm nhiệm sẽ gặp nhiều khó khăn”, bà Vân Anh đề nghị.
Thiện Tâm
Nguồn: chinhphu.vn