Ninh Thuận: Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa
Ngày đăng: 16/12/2021
Tính đến nay, toàn tỉnh Ninh Thuận đã có 239 di tích được kiểm kê, gồm các loại hình: Đình làng 48 di tích; chùa 86 di tích, miếu 18 di tích; nhà thờ 24 di tích; lăng (lăng thờ cá Voi/cá Ông) 12 di tích; tháp Chăm 3 di tích; thánh đường Hồi giáo 10 di tích; đền thờ của người Chăm 13 di tích; phế tích và bia ký Chăm 6 di tích; di tích lịch sử cách mạng 11 di tích; danh thắng 8 di tích…

Nghi thức rước y trang tại Lễ hội Katê Ninh Thuận

Toàn tỉnh đã có 58 di sản văn hóa được các cấp công nhận và xếp hạng, bao gồm: 14 di tích cấp quốc gia (trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt (tháp Pô Klong Garai và tháp Hòa Lai); 2 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia gồm Lễ hội Katê của người Chăm và Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc; 42 di tích cấp tỉnh. Trong đó, Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thểđại diện của nhân loại. Ninh Thuận vinh dự nằm trong danh sách 21 tỉnh, thành được công nhận danh hiệu này. Việc phát huy giá trị di sản văn hóa, thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế - xã hội tại đây là hết sức cần thiết và được các cấp, các ngành quan tâm.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận cho biết: Nhận thấy tầm quan trọng của di sản văn hóa đối với phát triển kinh tế -xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở VHTTDL phối hợp các Sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo tồn di sản văn hóa.

Trong đó, chú trọng công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh, giữ gìn phong tục tập quán truyền thống của cộng đồng, dòng họ; nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu phố văn hóa. Xây dựng và thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; hoàn thiện hệ thống thể chế và thiết chế văn hóa; tạo điều kiện hỗ trợ phát triển văn học, nghệ thuật.

Theo đó, hằng năm, Sở VHTTDL luôn phối hợp với các đơn vị tổ chức hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo Sở với đại diện các Ban Quản lý di tích, Ban đại diện di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh để triển khai các chủ trương, chính sách, pháp luật mới liên quan đến di tích và lễ hội đến đội ngũ làm công tác quản lý di tích, di sản văn hóa phi vật thể. Tạo sự kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với đại diện Ban Quản lý di tích trên địa bàn tỉnh; kịp thời trao đổi, nắm bắt những khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý di tích và triển khai kịp thời chủ trương, chính sách, pháp luật mới có liên quan đến công tác di sản văn hóa để cùng tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, các loại hình nghệ thuật truyền thống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh cũng được quan tâm, một số lễ hội tín ngưỡng, dân gian của đồng bào Chăm, Raglai được phục dựng biểu diễn trong nước và khu vực. Ngoài ra, việc duy trì các lễ hội truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh luôn được chú trọng, trong đó phải kể đến các lễ hội tiêu biểu: Katê, Ramưwan của đồng bào Chăm; lễ bỏ mả, ăn đầu lúa, lễ báo hiếu của người Raglai... đã thu hút được một lượng lớn du khách trong nước và quốc tế đến với Ninh Thuận.

 

Nguồn: baovanhoa.vn