Một số kết quả 30 năm thực hiện Thông báo số 34 –TB/TW của Ban Bí thư về chủ trương công tác đối với đạo Cao Đài tại tỉnh Tiền Giang (1992-2022)
Ngày đăng: 25/11/20221. Khái quát về tình hình đạo Cao Đài ở tỉnh Tiền Giang:
Tỉnh Tiền Giang hiện có 11 đơn vị hành chính cấp huyện với dân số trên 1,7 triệu người, tỉ lệ người có đạo chiếm hơn 14% dân số của tỉnh, thuộc các tổ chức tôn giáo: Công giáo, Tin Lành, Phật giáo, Hồi giáo, Nhất quán đạo và các tôn giáo nội sinh như Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam, Giáo hội Phật đường Nam tông Minh sư đạo, Pháp tạng Phật giáo Việt Nam.
Riêng, đạo Cao Đài tỉnh Tiền Giang hiện có trên 53 ngàn tín đồ (chiếm gần 3% dân số tỉnh) của 5 hệ phái Cao Đài chính, 81 họ đạo, 112 cơ sở thờ tự, trong đó có: 48 cơ sở Cao Đài Tây Ninh, 25 cơ sở Cao Đài Tiên Thiên, 12 cơ sở Cao Đài Ban Chỉnh Đạo, 07 cơ sở Cao Đài Chơn Lý, 05 cơ sở của Cao Đài Việt Nam (Bình Đức), 08 cơ sở của các tổ chức Cao Đài độc lập (Cao Đài Việt Nam Lương Hòa Lạc, Cao Đài Chiếu Minh Tam thanh Vô vi, Cao Đài Thống Nhất, Thiên Đạo Hoàn Nguyên) và 07 cơ sở Cao Đài khác. Có 02 tổ chức Trung ương đạo và 03 Ban Đại diện Hội thánh tại tỉnh Tiền Giang. Tổng số có 2.135 chức sắc, 1.951 chức việc. Số cơ sở thờ tự được công nhận và tái công nhận cơ sở thờ tự văn hóa là 93/112.
Các hệ phái Cao Đài tại tỉnh Tiền Giang từ năm 1992 đến nay sinh hoạt ổn định, có sự phát triển về tín đồ, chức sắc, chức việc, cơ sở thờ tự được xây dựng mới, tu bổ khang trang. Tổ chức giáo hội được củng cố từ cấp Trung ương đến cơ sở. Chức sắc, chức việc, tín đồ tin tưởng vào chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo.
2. Kết quả thực hiện Thông báo số 34-TB/TW ngày 14/11/1992 (Thông báo số 34):
2.1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện
Để cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước phù hợp với tình hình thực tế địa phương, thời gian qua các cấp, ngành bám sát chức năng nhiệm vụ được Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao đã phối hợp với các đơn vị chức năng tỉnh tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành như quy chế phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo, thủ tục hành chính, hướng dẫn các cấp, ngành trong công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo nói chung, về đạo Cao Đài nói riêng, xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai, quán triệt cho các cấp ủy Đảng, các ban ngành đoàn thể tỉnh đồng thời có chủ trương để định hướng các tổ chức Cao Đài hoạt động tuân thủ các quy định của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo năm 2005, Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016 và các Nghị định của Chính phủ về công tác tôn giáo và Hiến chương của từng hệ phái Cao Đài.
Trên cơ sở chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, các cấp, ngành nghiêm túc tổ chức thực hiện, tuyên truyền phổ biến, quán triệt đồng thời có kiểm tra sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Thông báo số 34 trong từng giai đoạn 20 năm, 25 năm và mới đây nhất là kết quả 30 năm thực hiện.
Hàng năm, Sở Nội vụ phối hợp với Trường Chính trị mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, đoàn thể cấp tỉnh, huyện, xã những kiến thức cơ bản về tôn giáo trong đó có đạo Cao Đài và công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đạo Cao Đài; cử cán bộ trực tiếp tuyên truyền quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tôn giáo; theo dõi quá trình thực hiện để tổng hợp, phản ánh kết quả, đánh giá, rút kinh nghiệm. Qua đó nhận thấy sự chuyển biến tích cực về nhận thức của cấp ủy, chính quyền cán bộ, công chức chủ động tham gia và đề xuất giải quyết các vụ việc tồn đọng, phát sinh về đạo Cao Đài.
2.2. Kết quả công tác quản lý Nhà nước đối với đạo Cao Đài
2.2.1. Công tác công nhận tổ chức, xây dựng, bổ nhiệm
Những năm qua, thực hiện chủ trương công tác đối với đạo Cao Đài, tỉnh Tiền Giang đã phối hợp các cấp ngành công nhận 02 tổ chức tôn giáo cấp Trung ương, đó là: Hội thánh Cao Đài Chơn Lý công nhận tổ chức năm 2000 và Giáo hội Cao Đài Việt Nam (Bình Đức) công nhận tổ chức năm 2011.
Công nhận 06 tổ chức Cao Đài độc lập: Thánh tịnh Thanh Tịnh Đàn và Thánh tịnh Nguyệt Thanh Quang công nhận tổ chức năm 2010; Thánh tịnh Vĩnh Thanh Quang và Cao Đài Việt Nam (Lương Hòa Lạc) công nhận tổ chức năm năm 2011; Thánh tịnh Vĩnh Hòa Quang công nhận tổ chức năm 2015; Nhà Đàn Thông Linh Khiếu công nhận tổ chức năm 2021.
Chấp thuận phục hồi và tái thiết lại 2 thánh thất họ đạo; vận động về sinh hoạt (tùng) với Hội thánh 2 họ đạo thuộc Cao Đài Tiên Thiên; thành lập mới 2 họ đạo Cao Đài Tây Ninh; nâng 1 Trường qui lên họ đạo; thành lập 3 Ban Đại diện Hội thánh (Cao Đài Tây Ninh, Cao Đài Ban Chỉnh và Cao Đài Tiên Thiên) và 2 Trường qui của Cao Đài Chơn Lý và Cao Đài Việt Nam Bình Đức.
Cho xây dựng mới lại 62 cơ sở thờ tự; xét công nhận 3.312 lượt chức sắc, 4.225 lượt chức việc và bổ nhiệm 2.531 lượt chức sắc Ban Đại diện và chức sắc Cai quản họ đạo.
2.2.2. Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Đến nay đã có 85/112 tổ chức cơ sở được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, tổng diện tích sử dụng vào mục đích tôn giáo là 225.003m2 và sử dụng vào mục đích khác 142.210m2.
2.2.3. Công tác phát triển hội viên mặt trận, đoàn thể là tín đồ đạo Cao Đài
Theo thống kê trên cả nước, hiện nay hội viên là người đạo Cao Đài là thành viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp là 67 vị, Công đoàn 38 vị, Hội Nông dân 4.164 vị, Hội Cựu chiến binh 152 vị, Hội Phụ nữ 2.103 vị, Đoàn Thanh niên 108 vị. Các đoàn viên, hội viên khi tham gia vào tổ chức hội luôn đảm bảo qui định và có nhiều ý kiến đóng góp xây dựng và vận động các đồng đạo tham gia các phong trào đoàn, hội phát động.
2.2.4. Công tác vận động về hội thánh
Các ngành các cấp đã thường xuyên phối hợp Hội thánh tuyên truyền, vận động các họ đạo thực hiện theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Hiến chương của Hội thánh. Kết quả vận động được 3 họ đạo về sinh hoạt với Hội thánh.
Có được kết quả trên là do việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương luôn được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và các cấp ủy quan tâm, chỉ đạo đúng với tinh thần của Thông báo số 34. Công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo ở địa phương được quan tâm. Cán bộ, công chức các cấp, ngành có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức về tín ngưỡng, tôn giáo nói chung, về đạo Cao Đài nói riêng từ đó mạnh dạn tham mưu các cấp chính quyền giải quyết nhu cầu tôn giáo cho người dân có đạo Cao Đài.
Quan hệ giữa chính quyền địa phương với chức sắc, tín đồ đạo Cao Đài và giữa chức sắc, tín đồ đạo Cao Đài với nhau ngày càng mật thiết hơn và đồng thuận cao với chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về tôn giáo, tổ chức sinh hoạt tôn giáo thuần túy, đúng hiến chương giáo hội./.
Hữu Đức