Một số giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy Triết học Mác xít về tôn giáo trong các nhà trường quân đội hiện nay
Ngày đăng: 06/05/2022
Bối cảnh toàn cầu hóa và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động không nhỏ đến tình hình, xu hướng biến đổi của tôn giáo, tín ngưỡng trên thế giới và ở Việt Nam, làm cho hệ thống tôn giáo có sự thay đổi nhanh chóng và mang tính toàn cầu. Vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng cũng luôn có sự vận động, biến đổi, phát sinh những nội dung mới, song nghiên cứu và vận dụng lý luận mác xít về tôn giáo vào giải quyết vấn đề tôn giáo trong thực tiễn trở thành vấn đề có tính cấp thiết cho công tác nghiên cứu, giảng dạy tôn giáo trong các nhà trường quân đội hiện nay.

Những năm qua, các nhà trường quân đội đã chú trọng đổi mới nội dung, chương trình gắn liền với việc sử dụng phương pháp dạy học tích cực, trong đó giảng dạy triết học mác xít về tôn giáo đã có sự quan tâm đáng kể. Qua đó, không chỉ góp phần củng cố tư duy lý luận về tôn giáo cho các đối tượng học viên mà còn trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng lượng giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, do sự biến đổi không ngừng của tín ngưỡng, tôn giáo, cho nên việc nghiên cứu đi sâu vào học thuật thuộc lĩnh vực chuyên môn đặc biệt cũng đang khá bất cập; việc cập nhật, những luận giải sắc sảo và có sức thuyết phục cao đối với các vấn đề phức tạp, nhạy cảm như: hiện tượng tôn giáo mới, những vấn đề bức xúc, nổi cộm về tín ngưỡng, tôn giáo còn chưa thoả đáng…. Để khắc phục những hạn chế trên, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy triết học mác xít về tôn giáo trong thời kỳ mới ở các nhà trường quân đội cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường bồi dưỡng nhận thức về tôn giáo cho các chủ thể tham gia giảng dạy và các hình thức sau bài giảng về tôn giáo, tín ngưỡng

Nhận thức về tôn giáo của cán bộ, đảng viên và quần chúng đã có bước tiến khá dài do sự tác động của các xu hướng biến đổi của tôn giáo trên thế giới tác động đến xu thế tôn giáo ở Việt Nam và trực tiếp là sự phát triển tư duy lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về tôn giáo trong sự nghiệp đổi mới. Trong quân đội, có giai đoạn nhận thức về tôn giáo chủ yếu dựa vào lý luận của chủ nghĩa vô thần luận mác xít và các hình thái vô thần duy vật khác gắn liền với môn học Chủ nghĩa vô thần khoa học và tôn giáo. Từ khi xác lập môn học Tôn giáo học đến nay, nhận thức về tôn giáo đã toàn diện hơn dựa trên nền tảng lý luận mác xít về tín ngưỡng, tôn giáo. Với tư cách vừa là một hình thái ý thức xã hội, vừa là một thực thể xã hội, tôn giáo đang chịu sự tác động của hoàn cảnh lịch sử mới với những diễn biến phức tạp cả trước mắt cũng như tương lai xa, đội ngũ cán bộ, giảng viên tham gia giảng bài và các hình thức sau bài giảng chuyên đề môn Tôn giáo và tín ngưỡng, môn Tôn giáo học và những môn học có chuyên đề liên quan đến nội dung tôn giáo phải được tăng cường bồi dưỡng nhận thức và phương pháp luận nhận thức về tôn giáo. 

Để có thể trang bị kiến thức chuyên sâu lý luận mác xít về tôn giáo cho học viên, đòi hỏi giảng viên phải có có đủ tầm kiến thức nền tảng của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin và Hồ Chí minh về tôn giáo, công tác tôn giáo; quán triệt đầy đủ và nhận thức sâu sắc quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo. Do vậy, đội ngũ cán bộ, giảng viên giảng dạy môn Tôn giáo và tín ngưỡng, môn Tôn giáo học phải tích cực, chủ động nghiên cứu tư tưởng về tôn giáo trong các tác phẩm của các nhà kinh điển Mác – Lênin và Hồ Chí Minh. Qua đó, mới thực sự hiểu được tư tưởng kinh điển, thấu suốt được sự thống nhất và khác biệt giữa tư tưởng của các nhà kinh điển Mác – Lênin và Hồ Chí Minh về tôn giáo. Nắm vững phương pháp luận của môn học trong nghiên cứu và giảng dạy về tôn giáo, mỗi giảng viên phải thấu suốt lập trường, phương pháp nghiên cứu khoa học và cách mạng của tôn giáo học mác xít, để đưa ngành khoa học nghiên cứu tôn giáo lên một trình độ mới, đồng thời phải khắc phục lối nhận thức thiển cận, hẹp hòi, thành kiến, phân biệt đối xử với tôn giáo.

Chủ động xây dựng kế hoạch, biện pháp hiệp đồng với Viện nghiên cứu tôn giáo, Viện Hàn lâm khoa học xã hội; Viện tôn giáo và tín ngưỡng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, giảng viên tham gia các buổi Hội thảo, tập huấn bồi dưỡng về tôn giáo và công tác tôn giáo. Tăng cường cho đội ngũ cán bộ, giảng viên giảng dạy môn Tôn giáo và tín ngưỡng, môn Tôn giáo học đi nghiên cứu thực tế “hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo” ở các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo của các tôn giáo lớn ở Việt Nam như Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Phật giáo Hòa Hảo… để thâm nhập nắm thực tiễn đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam gắn thực tiễn vấn đề tôn giáo với lý luận về tôn giáo trong giảng dạy.

Thứ hai, đẩy mạnh sinh hoạt học thuật những nội dung về tín ngưỡng, tôn giáo liên quan đến khía cạnh chuyên sâu của môn học

Lĩnh vực tôn giáo luôn chứa đựng tính phức tạp từ chính bản thân cố hữu của tôn giáo, bộc lộ không những ở nguồn gốc ra đời, bản chất, tính chất, chức năng của tôn giáo mà tính phức tạp còn ẩn chứa ngay trong hoạt động của các tôn giáo. Mặt khác, đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người Việt Nam cũng rất đa dạng, phong phú, kéo theo có rất nhiều quan niệm, khái niệm, phạm trù về tôn giáo liên quan đến nội dung chuyên đề, bài học, môn học cần phải được làm sáng rõ. Theo đó, phải đẩy mạnh sinh hoạt học thuật cấp bộ môn và cấp khoa về những nội dung đặc thù về tín ngưỡng, tôn giáo. Hoạt động sinh hoạt học thuật môn học phải được thường xuyên tổ chức để cho các giảng viên trong bộ môn có cơ hội chia sẻ kiến thức, kinh điển, kinh nghiệm nghiên cứu, giao lưu và trao đổi, cập nhật các thông tin mới, kỹ năng giảng dạy, phương pháp nghiên cứu khoa học. Những vấn đề học thuật về tín ngưỡng, tôn giáo phải được mổ xẻ, phân tích, trao đổi, mạn đàm để làm rõ về mặt thuật ngữ, khái niệm, bản chất và được định hướng giá trị, vận dụng đưa giá trị học thuật vào trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học về tín ngưỡng, tôn giáo.

Các nội dung, vấn đề về tín ngưỡng, tôn giáo phức tạp cả về nhận thức luận và thực tiễn đưa ra trong sinh hoạt học thuật phải sát với nhu cầu của đội ngũ cán bộ, giảng viên giảng dạy môn Tôn giáo và tín ngưỡng, môn Tôn giáo học phải thực sự thiết thực phục vụ cho hoạt động dạy của người giảng viên. Chú trọng nghiên cứu các quan điểm lý luận gốc làm sáng tỏ luận cứ, luận chứng khoa học của từng luận điểm để phục vụ vào giảng dạy chuyên đề và những vấn đề phức tạp trong hoạt động của tôn giáo nảy sinh phục vụ trực tiếp cho nội dung từng bài giảng chuyên đề. Mỗi cán bộ, giảng viên giảng dạy môn Tôn giáo và tín ngưỡng, môn Tôn giáo học phải nhận thức rõ đối tượng nghiên cứu của môn học, nắm thực chất những vấn đề tôn giáo có giá trị thiết thực để phục vụ trực tiếp cho bài giảng chuyên đề, bài giảng chuyên sâu về tôn giáo, tín ngưỡng.

Thứ ba, đổi mới và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ về phương pháp dạy triết học mác xít về tôn giáo cho các đối tượng học viên

Trước tác động sâu sắc của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, các nhà trường quân đội đang đẩy mạnh sử dụng các trang thiết bị, phương tiện dạy học có ứng dụng công nghệ hiện đại trong thực hành giảng bài chuyên đề của giảng viên. Theo đó, giữa người dạy và người học trong dạy học chuyên đề về tôn giáo, tín ngưỡng càng phải có sự kết nối, tương tác chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, phương học chuyên đề về tôn giáo cho các đối tượng học viên vẫn còn những hạn chế nhất định: đối với học viên, có biểu hiện lúng túng, chưa quen tiếp cận với phương pháp “học chuyên đề”, chưa thực sự chủ động, tích cực tự học, tự nghiên cứu để hiểu sâu nội dung trước bài giảng chuyên đề, dẫn đến trong giờ giảng chuyên chuyên đề trên lớp còn ngại tranh luận, thảo luận, trao đổi tương tác với giảng viên. Để đổi mới và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ đồng bộ về phương pháp dạy -  học về tôn giáo cho các đối tượng học viên trong các nhà trường quân đội hiện nay, cần phải tiếp tục phát huy vai trò tích cực, chủ động của đội ngũ giảng viên trong việc phối hợp với học viên, cán bộ quản lý học viên bồi dưỡng phương pháp học chuyên đề cho học viên.

Trước khi thực hành bài giảng chuyên đề: Giảng viên phải chủ động để có sự kết nối Internet với tất cả học viên trong lớp học thông qua số điện thoại cá nhân, hộp thư cá nhân và kết bạn qua một số ứng dụng trên mạng xã hội như: Zalo, Viber, Twitter, Instagram, youtube, facebook … Thông qua các ứng dụng trên mạng xã hội đã được kết nối này, giảng viên chủ động gửi các tài liệu của chuyên đề giảng cho học viên tự nghiên cứu trước và chuẩn bị tốt cho cho việc tiếp thu của bài học trên giảng đường. Học viên sau khi được nhận các tài liệu của chuyên đề từ giảng viên và mượn tài liệu từ thư viện gửi như: giáo trình, đề cương bài giảng, các tư liệu, tài liệu có liên quan… sẽ phải chủ động nghiên cứu bài học, các tình huống nêu vấn đề đã định hướng, chuẩn bị máy tính, phụ kiện… trước khi đến lớp. Chính vì vậy, học viên được tăng cường tính chủ động trong học tập.

Trong thực hành giảng chuyên đề: Giảng viên sẽ tập trung làm rõ tính chuyên sâu của nội dung chuyên đề theo kết cấu chuyên đề đã gửi cho học viên, đồng thời gợi mở, nêu vấn đề nghiên cứu của nội dung bài giảng theo chuyên đề đã được đưa ra trong đề cương được gửi trước khi đến lớp của học viên để trao đổi với học viên. Học viên bên cạnh sử dụng bút ghi chép, còn sử dụng máy tính để tự mình đánh văn bản chèn thêm vào đề cương để hoàn thiện nội dung tiếp thu theo ý của mình. Những vấn đề gợi mở, nêu vấn đề nghiên cứu của chuyên đề được học viên chủ động nghiên cứu, thông qua bài giảng làm cho học viên chủ động trao đổi tích cực hơn. Làm cho giảng viên và học viên có sự gắn kết chặt chẽ với nhau để có thể cùng trao đổi về tri thức liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.

Sau thực hành bài giảng chuyên đề: Trên thực tế người dạy dạy bằng cách nào thì người học học bằng cách đó, trong bài giảng chuyên đề của giảng viên trên lớp có những cách, lối dựng vấn đề, khêu gợi được nêu ra chưa được giải quyết ở trên lớp, mà buộc học viên phải độc lập tự giải quyết lấy vấn đề dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ của giảng viên ở các hình thức như xêmina, trao đổi ngắn, trao đổi tác phẩm kinh điển…Theo đó, sau bài giảng chuyên đề về tôn giáo bất kỳ có vướng mắc gì của học viên sẽ được hỏi, trao đổi với giảng viên trên các ứng dụng của mạng xã hội hay điện thoại. Như vậy, giữa bài giảng chuyên đề và các hình thức sau bài giảng chuyên đề không tách rời nhau, mà có sự thống nhất biện chứng với nhau thông qua sự tương tác, kết nối với học viên. Tuy nhiên, mỗi giảng viên vừa phải làm chủ được những trang thiết bị, phương tiện dạy học công nghệ cao, hiện đại vừa có sự kết hợp nhuẫn nhuyễn giữa các phương pháp thuyết trình truyền thống và các phương pháp giảng dạy tích cực dựa trên việc sử dụng thành thạo các trang thiết bị, phương tiện dạy học công nghệ cao, hiện đại.

Tôn giáo trên thế giới và trong nước tiếp tục có những biến đổi, những tác động sâu sắc, mới mẻ trên nhiều phương diện. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trên góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy triết học mác xít về tôn giáo trong các nhà trường quân đội, nhằm quán triệt và thực hiện thắng lợi quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trong tình hình mới./.

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2013), Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2019), Nghị quyết về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư. số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019.

3. Đảng uỷ Quân sự Trung ương (2007), Nghị quyết về công tác giáo dục - đào tạo trong tình hình mới, số 86/NQ-ĐUQSTƯ, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, tập II.

 

Đại tá, TS. Nguyễn Văn Thủy; Thượng tá, ThS. Nguyễn Ngọc Hương

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng