Kiên Giang: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa
Ngày đăng: 20/01/2021Kiên Giang có lịch sử hình thành và phát triển trên 300 năm với nhiều di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh. Hiện toàn tỉnh có 56 di tích được xếp hạng, trong đó có 01 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 21 di tích cấp quốc gia và 34 di tích cấp tỉnh.
Trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam theo Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ, đa số cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong tỉnh đã nhận thức đầy đủ ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của công tác phát triển văn hóa trong thời kỳ mới, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cấp uỷ, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình. Chất lượng hoạt động văn hoá, nghệ thuật ngày càng được nâng lên rõ rệt, gắn kết chặt chẽ, phục vụ hiệu quả chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Một số chương trình, hoạt động văn hóa, nghệ thuật lớn tạo được ấn tượng tốt trong nhân dân, mức hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của nhân được cải thiện rõ rệt. Qua đó, đã góp phần tuyên truyền, giáo dục, chăm bồi và phát huy tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ra sức gìn giữ và không ngừng phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại; từng bước xây dựng con người Việt Nam, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Đưa văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành quan tâm đặc biệt đến việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, trước hết là đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục để xã hội nhận thức sâu sắc hơn gia đình là nền tảng của xã hội, là cái nôi để nuôi dưỡng, giáo dục con người, là môi trường để hình thành và phát triển nhân cách, từ đó quan tâm giữ gìn, phát huy những đạo lý truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, nêu cao vai trò gương mẫu của ông bà, cha mẹ, hiếu thảo của con cháu; xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục con người và đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Bảo tồn giá trị di sản văn hoá và truyền thống văn hoá, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc ngày càng được quan tâm, các di sản văn hóa được phát huy, nhiều di tích lịch sử - văn hoá được trùng tu, tôn tạo và đề nghị công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia, nhiều lễ hội truyền thống được khôi phục, nâng cấp, bảo tồn và phát huy hiệu quả tốt.
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa
Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa đã được các cấp ủy, chính quyền và nhân dân quan tâm. Các di sản văn hóa ngày càng được bảo vệ tốt hơn và được đầu tư nhiều hơn cả về nhân lực, vật lực để giữ gìn những giá trị vốn có của di sản văn hóa. Văn hóa vật thể có 56 di tích, trong đó có 01 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 21 di tích cấp quốc gia và 34 di tích cấp tỉnh; bảo tồn và phát huy tốt các di sản văn hóa phi vật thể đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Thông qua lễ hội, các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, thuần phong mỹ tục được phát huy góp phần duy trì thực hành, truyền dạy và trình diễn di sản văn hóa phi vật thể, củng cố tinh thần đoàn kết, giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc. Đồng thời, bước đầu khảo sát bảo tồn một số loại hình nghề thủ công truyền thống mang đậm nét đặc thù của Kiên Giang như: Nghề dệt chiếu Tà Niên (huyện Châu Thành), nghề nặn nồi đất (huyện Hòn Đất)...
Nghệ thuật đờn ca tài tử là một trong những di sản văn hóa phi vật thể được UNISCO công nhận. Hiện trên địa bàn Kiên Giang có trên 150 câu lạc bộ đờn ca tài tử và nhiều tổ, nhóm nhỏ thường xuyên tổ chức sinh hoạt ca tài tử, lập đề án bảo tồn nghệ thuật đờn ca tài tử, đưa loại hình này vào kế hoạch nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa văn nghệ trên địa bàn đến năm 2030. Ngoài ra, còn giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa như tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống và quan tâm, tạo điều kiện cho các hoạt động biểu diễn, giao lưu văn hóa, văn nghệ của đồng bào dân tộc Hoa, Khmer.
Kiên Giang là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống với 72 chùa là nơi sinh hoạt tâm linh của người dân tộc. Tỉnh đã quan tâm đầu tư các dàn nhạc ngũ âm, thành lập các đội văn nghệ, hoạt động văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc cũng thường xuyên được duy trì tổ chức vào các dịp lễ hội của đồng bào dân tộc như: Tết cổ truyền Chol-Chonam-Thmay, lễ hội ok-om-bok; hỗ trợ đầu tư đóng mới 23 ghe ngo và trang bị 08 dàn nhạc ngũ âm cho các chùa Khmer trị giá trên 2,5 tỷ đồng. Chùa Thôn Dôn (Rạch sỏi) và Trường Dân tộc nội trú tỉnh mở một số lớp dạy đánh nhạc ngũ âm. Lễ hội Ok-Om-Bok ở huyện Gò Quao được nâng lên thành Ngày hội văn hóa-thể thao dân tộc cấp tỉnh. Có 08 chùa Nam Tông - Khmer được đề nghị công nhận là di tích lịch sử, kiến trúc cấp tỉnh và quốc gia. Thư viện, phòng đọc sách từng bước được hình thành ở vùng đông bào dân tộc; các trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống được phát huy tốt. Công tác chăm sóc sức khỏe, giữ gìn vệ sinh môi trường trong vùng đồng bào dân tộc có nhiều tiến bộ, đến nay đã xây dựng được 48 lò hỏa táng ở các chùa với tổng trị giá gần 12 tỷ đồng đã góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc vì một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc.
Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh
Trong những năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tuyên truyền quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo tới cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội, hướng dẫn quản lý, sử dụng tiền công đức, vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội được kịp thời nhằm chấn chỉnh sai sót, vi phạm để đảm bảo lễ hội được tổ chức đúng quy định, trang trọng, tiết kiệm, kế thừa và phát huy những nét đẹp của nghi lễ truyền thống, bản sắc văn hóa địa phương.
Các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở luôn thực hiện nhất quán chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn trọng tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân. Thực hiện tốt chính sách tôn giáo, đảm bảo các tôn giáo hoạt động trên cơ sở quy định của pháp luật. Luôn phát huy các yếu tố văn hóa trong các tôn giáo, như Lễ Phật đản, Giáng sinh. Luôn giữ mối quan hệ tốt với các tôn giáo, thường xuyên gặp gỡ, thăm hỏi các chức sắc, chức việc và bà con giáo dân, phật tử; xây dựng người cốt cán trong đồng bào có đạo. Vận động các chức sắc, chức việc, bà con giáo dân và phật tử tham gia xây dựng đời sông văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, sống tốt đời đẹp đạo, sống phúc âm giữa lòng dân tộc, chăm lo phát triển kinh tế - xã hội giúp đỡ đồng bào có đạo phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống, tham gia xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, chăm sóc sức khỏe.
Từ đó, tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa có những chuyển biến quan trọng. Những giá trị văn hóa mang tính truyền thống của từng địa phương và thuần phong mỹ tục được giữ gìn và phát huy. Những tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu từng bước xóa bỏ. Tính chủ động, sáng tạo, tính tích cực xã hội của nhân dân được phát huy dân chủ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Sự tham gia tích cực, tự giác của nhân dân vào các hoạt động văn hóa đã tạo sự chuyển biến bước đầu. Nhiều nét mới trong giá trị văn hóa và chuẩn mực đạo đức từng bước được hình thành. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân từng bước nâng lên làm thay đổi bộ mặt từng ấp, khu phố.
Ý thức tuân thủ pháp luật của người dân ngày càng nâng cao, tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội trong từng ấp, khu phố được tăng cường. Những việc làm thiết thực hướng về cội nguồn, đền ơn đáp nghĩa, từ thiện, nhân đạo, xóa đói giảm nghèo, khuyến học, khuyến tài, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới’’, “Thanh niên tình nguyện”, “Thanh niên lập nghiệp”, "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc", "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch"... trở thành phong trào chung của quần chúng ngày càng đi vào chiều sâu.
Việc gắn kết giữa giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua yêu nước đã đem lại hiệu quả thiết thực. Thông qua phong trào, tính dân chủ và vai trò tự quản cộng đồng được phát huy; kỷ cương, pháp luật, trật tự xã hội được giữ vững, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt, cảnh quan môi trường được quan tâm xây dựng sạch, đẹp đã khơi dậy và phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa thể thao ở cơ sở, phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Theo vanhien.vn