Khai hội đền Tranh và lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung
Ngày đăng: 02/03/2023
Sáng 01/3, tỉnh Hải Dương tổ chức khai hội truyền thống đền Tranh và công bố quyết định công nhận Lễ hội đền Tranh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đền thờ quan lớn Tuần Tranh tọa lạc tại xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương có lịch sử lâu đời. Đền đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 2009. Hiện nay, đền Tranh còn bảo lưu được nhiều trầm tích văn hóa với rất các sự lệ trong năm và được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Quan lớn Tuần Tranh là hàng quan lớn trong hệ tứ phủ thuộc tín ngưỡng thờ Mẫu. Các sự lệ và lễ hội trong năm tại đền Tranh thể hiện ước vọng và năng lực sáng tạo văn hóa của cộng đồng dân cư tại địa phương.

Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa trong đó có di sản văn hóa tại đền Tranh đã làm sống lại những giá trị văn hóa nghệ thuật của một vùng quê văn hiến có bề dày lịch sử lâu đời, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Đọc văn tế Thánh tại Lễ hội đền Tranh

Hằng năm, tại đền Tranh có hai kỳ lễ hội chính vào tháng Hai và tháng Tám âm lịch. Lễ hội tháng Hai âm lịch là lễ hội chính diễn ra từ ngày 10-20/2 âm lịch, ngày 14/2 là chính hội.

Lễ hội thứ hai vào ngày 22/8 âm lịch cũng là kỷ niệm ngày mất của Trần Hưng Đạo, người có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thế kỷ thứ XIII.

Đặc sắc nhất của lễ hội là lễ rước nước, đội hình rước nước khởi hành từ sân đền Tranh theo thứ tự đi đầu là đội múa tứ linh, đội cờ thần, đội chiêng, trống, đội hình chấp kích, bát bửu, kiệu bát cống rước bài vị Quan lớn Tuần Tranh, kiệu long đình (rước chóe nước) đội tế nam, đoàn đại biểu các cấp, lực lượng tham gia các trò chơi dân giang và cuối cùng là nhân dân và du khách thập phương về dự lễ hội.

Đoàn rước từ sân đền Tranh đi qua Nghi Môn, qua nhiều tuyến phố của thị trấn Ninh Giang đến ngã ba sông Luộc lấy nước sau đó trở về đền. Ngoài hoạt động rước nước, Lễ hội đền Tranh còn có nhiều hoạt động khác như dâng hương, hát văn, hầu thánh, các trò chơi kéo co, cờ tướng, trò chơi đập niêu đất, bắt chạch trong chum, bịt mắt bắt lợn, vật dân tộc, đi cầu kiều trên cạn, chọi gà, bóng bàn, bóng truyền, pháo đất...

* Cùng ngày, tại đền Đa Hòa (xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) diễn ra lễ công bố Quyết định chứng nhận Lễ hội đền Đa Hòa được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; đồng thời khai mạc Lễ hội truyền thống Chử Đồng Tử - Tiên Dung.

Múa lân tại Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung

Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung tại đền Đa Hòa là một trong những lễ hội lớn của cả nước, là bức tranh về đời sống tinh thần phong phú, sinh động và mang giá trị văn hóa sâu sắc của người Việt cổ trong việc khai phá đầm lầy, phù sa ven sông Hồng từ hàng nghìn năm về trước.

Đây không chỉ là nơi lưu truyền, lan tỏa huyền thoại về một tình yêu cao đẹp, thiêng liêng giữa chàng trai nghèo Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung (con gái Vua Hùng thứ 18) mà còn giáo dục truyền thống hiếu thảo, tình cảm nhân văn và lòng nhân ái cho các thế hệ sau. Lễ hội cũng thể hiện khát vọng của nhân dân cầu cho mưa thuận, gió hòa để cấy cày thuận lợi, xóm làng yên vui, ấm no và hạnh phúc.

Lễ hội truyền thống Chử Đồng Tử - Tiên Dung năm nay được tổ chức theo quy mô hàng tổng (3 năm một lần) với sự tham gia của 9 làng trong Tổng Mễ xưa, nay là 9 thôn thuộc 2 xã: Bình Minh (Khoái Châu) và Mễ Sở (Văn Giang).

Trong ngày đầu diễn ra lễ hội, các thôn tổ chức rước kiệu Thành hoàng các làng về đền Đa Hòa, xã Bình Minh dự lễ hội; dâng hương tế lễ Thánh. Ngoài phần lễ, trong thời gian diễn ra lễ hội còn có các trò chơi dân gian truyền thống, giao lưu văn nghệ, thể thao như: cờ tướng, bơi chải, hát ca trù, hát trống quân, thi múa rồng, biểu diễn nghệ thuật quần chúng...

 

Nguồn: TTXVN