Kết quả thực hiện Luật tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
Ngày đăng: 27/09/2021
Hoạt động tín ngưỡng tại Đền mẫu, thành phố Bắc Kạn
Trong những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm đưa Luật tín ngưỡng, tôn giáo từng bước đi vào cuộc sống, qua đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

Ngay sau khi Luật tín ngưỡng, tôn giáo được ban hành, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan và các địa phương tích cực tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Luật tín ngưỡng, tôn giáo tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, quần chúng nhân dân, đặc biệt là chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo trên địa bàn tỉnh và đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa, dưới nhiều hình thức.

Từ năm 2018 đến nay, Sở Nội vụ đã tổ chức 17 hội nghị tuyên truyền, triển khai Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo, thu hút 2.730 lượt đại biểu là cán bộ, công chức, quần chúng nhân dân, chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo trên địa bàn tỉnh tham gia; tổ chức 8 lớp bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cho 739 lượt cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo các cấp trên địa bàn tỉnh.

Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tổ chức 57 hội nghị tuyên truyền, triển khai Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định 162/2017/NĐ-CP cho 4.802 lượt đại biểu tham dự; tổ chức 277 buổi tuyên truyền với 18.000 lượt quần chúng nhân dân và tín đồ các tôn giáo.

Qua công tác tuyên truyền, phổ biến, đã giúp cán bộ, công chức, viên chức, chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo và quần chúng nhân dân nắm và hiểu rõ hơn về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.

Trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, các tổ chức, cá nhân trong cơ quan nhà nước giải quyết kịp thời, đảm bảo chính xác về thủ tục hành chính, tuân thủ các quy định của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nguyện vọng chính đáng, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của tổ chức cá nhân, không để xảy ra các điểm nóng liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Các tổ chức, cá nhân, chức sắc, chức việc tín đồ các tôn giáo hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo cơ bản tuân thủ đúng quy định của Luật và Nghị định 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định 162/2017/NĐ-CP, do đó các nội dung liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn như quản lý hoạt động tín ngưỡng; đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung; thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc; phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử, thuyên chuyển chức sắc, chức việc; bồi dưỡng tôn giáo; từ thiện nhân đạo của tổ chức tôn giáo, hoạt động tôn giáo... về cơ bản được thực hiện đúng theo quy định. Tất cả các thủ tục hành chính liên quan đến tôn giáo đều được niêm yết công khai để chức sắc, chức việc, tín đồ và Nhân dân biết và thực hiện.

Luật tín ngưỡng, tôn giáo và các quy định khác về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo được triển khai, thực hiện có hiệu quả đã đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân theo đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013. Hoạt động của các tổ chức, cá nhân tôn giáo, cá nhân và cơ sở tín ngưỡng được thuận lợi. Vì vậy, các chức sắc, nhà tu hành, chức việc và tín đồ các tôn giáo tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước. Nguồn lực của tổ chức tôn giáo, cá nhân tôn giáo đóng góp cho xã hội ngày càng được phát huy. Khối đoàn kết đồng bào tôn giáo được củng cố trong khối đại đoàn kết dân tộc.

Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tiếp theo, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền về Luật tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản liên quan, qua đó nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo để đồng bào hiểu về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, có ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia sinh hoạt tôn giáo. Tăng cường sự phối hợp, thống nhất chỉ đạo sâu sát, hiệu quả trong việc quản lý cũng như giải quyết các vấn đề liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo phát sinh ngay tại cơ sở, không để trở thành điểm nóng về tín ngưỡng, tôn giáo. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, đoàn thể, người có uy tín trong tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Đẩy mạnh công tác vận động quần chúng tín đồ tôn giáo, công tác tranh thủ chức sắc, kết hợp thực hiện đồng bộ chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế... với chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 tôn giáo (Phật giáo, Công giáo, Tin Lành) đều hoạt động ổn định, có 68 cơ sở thờ tự tín ngưỡng và 570 người chuyên hoạt động tín ngưỡng, gồm tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng bản địa và tín ngưỡng thờ Mẫu.

 

Nguồn: backan.gov.vn