Huyện Quảng Xương, Thanh Hóa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể
Ngày đăng: 13/10/2021Gìn giữ, bảo vệ các di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh, phục dựng dân ca, dân vũ, tăng cường công tác quản lý lễ hội, đẩy mạnh các phong trào văn hóa, văn nghệ là những giải pháp trọng tâm mà huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa đã và đang thực hiện nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể giai đoạn 2021-2030.
Huyện Quảng Xương có 38 di tích, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia, 1 di tích kiến trúc nghệ thuật, 3 di tích cách mạng, 31 di tích lịch sử - văn hóa. Huyện đã chỉ đạo các ngành, UBND các xã, thị trấn thực hiện công tác quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn, trong đó tập trung đánh giá hiện trạng của từng di tích. Bên cạnh đó, huyện cũng đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thanh Hóa thực hiện kiểm kê di tích, làm cơ sở cho công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và phát huy các di tích. Tính đến hết tháng 9-2021, có 9 di tích đã được tu bổ, tôn tạo, trong đó 1 di tích do UBND huyện làm chủ đầu tư; 8 di tích do UBND xã và ban quản lý di tích làm chủ đầu tư. Các di tích đã hoàn thành công tác tu bổ, phục hồi và chống xuống cấp, như: Bia Phủ Cảnh (xã Quảng Yên, tổng kinh phí 3,4 tỷ đồng), chùa Mậu Xương (xã Quảng Lưu, tổng kinh phí 5 tỷ đồng), chùa Nổ (xã Quảng Ngọc, tổng kinh phí 25 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa)... Hiện nay, huyện đang tiếp tục thực hiện dự án tu bổ, phục hồi và chống xuống cấp Di tích đền Phúc và Bia Tây Sơn (xã Quảng Nham) với tổng kinh phí 400 triệu đồng.
Mặc dù vậy, theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện Quảng Xương vẫn còn 5 di tích cần phải tu bổ, phục hồi, chống xuống cấp nhưng chưa triển khai. Trong đó có 3 di tích cấp quốc gia, gồm: Di tích lịch sử Địa điểm Bến phà Ghép và xây dựng Khu tưởng niệm Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Bá Ngọc (xã Quảng Trung); đền thờ Bùi Sĩ Lâm (thị trấn Tân Phong); Di tích đền thờ Hoàng Bùi Hoàn (xã Quảng Trạch); 2 di tích cấp tỉnh, gồm: đền An Đông (xã Quảng Hải) và Đền thờ Bia ký lăng mộ Quận công Lê Bùi Vị (thị trấn Tân Phong). Kinh phí thực hiện mỗi dự án nói trên từ 1,5 tỷ đồng trở lên; riêng Di tích lịch sử Địa điểm Bến phà Ghép và xây dựng Khu tưởng niệm Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Bá Ngọc có tổng kinh phí dự kiến là 55 tỷ đồng.
Qua đánh giá, các di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo đã cơ bản khắc phục được tình trạng xuống cấp, đảm bảo an toàn lâu dài cho công trình, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của Nhân dân. Nhiều di tích sau khi được tu bổ đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách tham quan trong và ngoài tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tiêu biểu như: chùa Mậu Xương, đền Phúc và Bia Tây Sơn. Nhiều di tích trên địa bàn huyện gắn với các loại hình văn hóa phi vật thể được bảo tồn và phát huy giá trị, như: Di tích đền Thiên Linh với các trò diễn Tú Huần, hát Quân Thuyền; Di tích đền thờ Trần Nhật Duật gắn với hát nhà trò Văn Trinh; Di tích đền Phúc và Bia Tây Sơn gắn với các hoạt động hát giao duyên cửa đình, chọi gà, đánh cờ người và lễ hội Bơi chèo chải.
Một trong những điểm nhấn quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể mà huyện Quảng Xương đã và đang thực hiện đó là công tác bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ với hát Nhà trò (thuộc loại hình hát ca trù) tại xã Quảng Hợp và hát Tú Huần (hay còn gọi là Ngũ trò) tại xã Quảng Yên. Phó trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Quảng Xương Dương Tường Vân, cho biết: Công tác bảo tồn, phục dựng và phát huy dân ca, dân vũ đã và đang được huyện Quảng Xương và các địa phương tập trung thực hiện có hiệu quả. Bên cạnh việc tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, huyện và các xã tạo điều kiện để truyền dạy dân ca, dân vũ trên địa bàn; thành lập các câu lạc bộ dân ca, dân vũ, các câu lạc bộ liên thế hệ truyền dạy cho nhau. Các xã Quảng Hợp và Quảng Yên về cơ bản đã và đang tạo điều kiện thuận lợi để các CLB hoạt động có hiệu quả. Bên cạnh đó, huyện cũng đã quan tâm tôn vinh các nghệ nhân, những người có công đóng góp bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ. Năm 2020, huyện Quảng Xương đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận nghệ nhân cho bà Ngô Thị Hòng là người trao truyền vốn dân ca, dân vũ và là Chủ nhiệm Câu lạc bộ dân ca, dân vũ xã Quảng Yên.
Để hiện thực hóa công tác bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể, hàng năm huyện chỉ đạo và hướng dẫn cơ sở tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội với nhiều hình thức phong phú, thu hút đông đảo quần chúng Nhân dân tham gia. Nhiều cộng tác viên, diễn viên quần chúng đã tham gia các chương trình hội thi, hội diễn cấp huyện, cấp tỉnh đạt thành tích cao. Thông qua những làn điệu dân ca, dân vũ, các trò chơi dân gian mang đậm hơi thở của ngư dân vùng biển đã góp phần khơi dậy, gìn giữ những phong tục tập quán tốt đẹp; tiếp tục cổ vũ, vận động bà con quý trọng và phát huy vốn văn hóa truyền thống trong xây dựng đời sống văn hóa mới, bài trừ các tập tục lạc hậu và các tệ nạn xã hội. Công tác tổ chức lễ hội truyền thống được thực hiện gắn với bảo tồn di tích và các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.
Ông Nguyễn Huy Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương cho biết: Trong giai đoạn 2021-2025, huyện Quảng Xương tiếp tục coi trọng công tác bảo tồn, tu bổ, phục hồi, chống xuống cấp các di tích; thực hiện công tác quy hoạch, khoanh vùng di tích. Lập quy hoạch tổng thể di tích làm cơ sở thực hiện công tác tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích hàng năm; tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm, thực hiện đúng các quy định của Luật Di sản, các văn bản hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của tỉnh Thanh Hóa trong công tác bảo quản, tu bổ, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị di tích; thực hiện tốt công tác tổ chức lễ hội, tổ chức các hoạt động văn hóa tại các di tích; tăng cường quảng bá, giới thiệu lý lịch di tích, liên kết các tour du lịch với các di tích có tiềm năng khai thác du lịch tâm linh.
Nguồn: báo thanh hóa